Làn sóng đầu tư cảng biển
Theo chủ trương cổ phần hóa các Doanh nghiệp nhà nước, một loạt các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển như cảng Hải Phòng, cảng Đà Nẵng, cảng Nha Trang, cảng Quảng Ninh đã được IPO dồn dập trong khoảng tháng 5/2014 và tạo nên hiện tượng “IPO và ế” khi lượng cổ phần bán được chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với lượng chào bán.
Tuy nhiên, chỉ sau mấy tháng, mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn. Trong đợt IPO lần 2 của cảng Đà Nẵng, 5 nhà đầu tư cá nhân đã mua hết 13,2 triệu cổ phần được chào bán với giá bình quân 15.677 đồng/cp – cao hơn hẳn mức giá khởi điểm 12.000 đồng.
Cùng với đó là sự xuất hiện của quỹ đầu tư Oman tại CTCP Cảng Hải Phòng và đề nghị của Chủ tịch Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển với Bộ GTVT về việc được nhận chuyển nhượng 100% cổ phần Nhà nước tại cảng Quảng Ninh.
Phiên đấu giá cổ phần cảng Nghệ Tĩnh cuối năm 2014 cũng thu hút 47 nhà đầu tư với tổng khối lượng đăng ký mua đạt hơn 8,57 triệu cổ phần, cao gấp 2,2 lần số cổ phần chào bán.
Vào tháng 8/2014, CTCP Vinpearl - thuộc Tập đoàn Vingroup cũng đã được UBND tỉnh Khánh Hòa chấp thuận cho phép mua lại toàn bộ số cổ phần trị giá 85 tỷ đồng của Vinalines tại cảng Nha Trang.
Tháng 2/2015, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của lãnh đạo Chính phủ về việc đồng ý với đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Kiên Giang áp dụng hình thức chỉ định thầu để thực hiện dự án xây dựng cảng hành khách quốc tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Không cho biết cụ thể là nhà đầu tư nào sẽ được chỉ định thầu nhưng được biết nhà đầu tư đã đứng ra đề xuất kế hoạch này là CTCP Đầu tư và phát triển du lịch Phú Quốc – được giới thiệu là thành viên của tập đoàn Vingroup.
Gần đây nhất, Vingroup lại đề xuất mua 80% cổ phần cảng Sài Gòn trước khi nhà nước thoái vốn với mức không thấp hơn giá IPO dự kiến diễn ra nửa đầu năm nay. Với cảng Hải Phòng, Vingroup đề nghị mua lại 80% phần vốn nhà nước với giá mua không thấp hơn giá đấu bình quân mà các nhà đầu tư đã bỏ ra để trở thành cổ đông của cảng.
Từ sự mở cửa của chính sách Nhà nước…
Nếu như trước đây, Chính phủ giữ quan điểm Nhà nước vẫn nắm tỷ lệ chi phối tại các doanh nghiệp nhà nước kể cả sau khi cổ phần hóa thì gần đây, Chính phủ đã đồng ý về chủ trương thoái vốn sâu hơn tại các cảng biển khi tiến hành cổ phần hóa. Theo đó, nhà nước giữ 51% vốn tại cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Sài Gòn và nắm 49% cảng Cần Thơ, Nghệ Tĩnh, Cam Ranh (thay vì 75% như quyết định trước đó). Các cảng còn lại có thể thoái toàn bộ.
Việc Nhà nước nắm cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp được cổ phần hóa vẫn bị đánh giá là một cản trở khiến cho nhà đầu tư không mặn mà với các đợt IPO. Khi nút thắt này được cởi, sức hấp dẫn của doanh nghiệp sẽ được nâng lên đáng kể.
… và tỷ suất sinh lời hấp dẫn của ngành cảng biển
Theo cục trưởng cục Hàng hải Việt Nam, kinh doanh cảng biển đem lại tỷ suất lợi nhuận trung bình là 14%. Thống kê các doanh nghiệp cảng biển đang niêm yết trên sàn giao dịch như CTCP Tập đoàn Container Việt nam Viconship (mã: VSC), CTCP Đầu tư phát triển cảng Đình Vũ (mã: DVP), CTCP Cảng Đồng Nai, CTCP Cảng Đoạn Xá (mã: DXP), CTCP Cảng Cát Lái (mã: CLL), CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã: HAH) thì tỷ lệ lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần trung bình lên tới 29,5%.
“Nếu đầu tư vào cảng và thị trường tăng trưởng đều đều 10% - 15% như bây giờ thì đó là đầu tư có lợi.” – Một lãnh đạo tại công ty cảng biển chia sẻ như vậy với chúng tôi.
Nói riêng về Cảng Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Sia – Tổng Giám đốc đã chia sẻ với chúng tôi về việc lần đấu giá đầu tiên chỉ đạt tỷ lệ thành công thấp. Theo ông Sia, đó là do thời điểm IPO lần 1 đang xảy ra sự kiện biển Đông với sự xuất hiện của giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc khiến nhà đầu tư e ngại về tình hình hoạt động của Cảng Đà Nẵng. Còn hiện tại, khi tình hình đã ổn định trở lại và cảng Đà Nẵng – tuy là cảng nhỏ nhưng có hoạt động kinh doanh tốt – đã rất hấp dẫn nhà đầu tư.
Quả thực, so với các cảng tại miền Bắc và miền Nam thì cảng Đà Nẵng (tại Đà Nẵng), cảng Quy Nhơn (Bình Định) hay cảng Vân Phong (Khánh Hòa) chưa có đối thủ cạnh tranh trong khu vực hoạt động.
Nhưng đằng sau những cảng biển ấy còn là tài sản béo bở hơn nhiều
Theo đánh giá của một lãnh đạo lâu năm, cho đến nay, chỉ có Tân Cảng Sài Gòn đầu tư xây dựng các cảng đủ tiêu chuẩn quốc tế như cảng Cái Mép, Thị Vải để đưa tàu mẹ vào. Còn lại tất cả các cảng khác tại Việt Nam đều là cảng sông và cảng nhỏ - “không là gì” so với các cảng trên thế giới bởi vì cảng có sản lượng hàng hóa vận chuyển từ 1 triệu TEU/năm trở lên mới được xếp hạng quốc tế.
Tuy nhiên, các cảng có đất hầu hết là cảng ở ven biển hay ven sông. Tất cả đều có thể chuyển mục đích sử dụng thành dự án bất động sản trong tương lai. Có thể thấy, sau khi Tân Cảng Sài Gòn di dời ra Cát Lái, diện tích 37ha kho bãi của Tổng công ty này đã được bàn giao cho Quân chủng hải quân và Tập đoàn Vingroup đã xây dựng nên một khu đô thị cao cấp mang tên Vinhomes Central Park – Vinhomes Tân Cảng bao gồm cả bến du thuyền, khu biệt thự ven sông.
Được biết, CTCP Vinpearl đang phối hợp với CTCP Cảng Nha Trang xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển cảng Nha Trang theo hướng chuyển công năng từ cảng tổng hợp hàng hóa sang cảng chuyên phục vụ du lịch theo quy hoạch được duyệt.
Nhận xét về kế hoạch mua một cảng biển miền Bắc của một trong những đại gia nói trên, lãnh đạo này cho biết, đây là khu cảng khá ế ẩm vì 1 năm nay không có tàu container ra vào. Tuy nhiên, cảng này nằm ở vị trí rất đẹp. Nếu chuyển mục đích sử dụng sang cảng phục vụ du lịch hoặc bất động sản nghỉ dưỡng thì thực sự là một vụ đầu tư quá hời.
Theo Infonet