Ông cũng cho rằng, các doanh nghiệp đã đi vào thực chất và qua thời kỳ “đánh bóng, đánh quả”, phải có năng lực thực sự thì doanh nghiệp mới tham gia.
Đầu năm nay, lĩnh vực giao thông bất ngờ đón nhận những thông tin khá mới mẻ khi Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific Airlines đồng loạt kiến nghị mua lại, nhận quyền khai thác sân bay và nhà ga ở Nội Bài, Phú Quốc, Đà Nẵng. Cùng với đó, hai “ông lớn” T&T, Vingroup cũng sốt sắng với kế hoạch mua lại sân bay và cảng biển.
PV Dân trí đã cuộc phỏng vấn riêng ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T, doanh nghiệp đang nhận được sự quan tâm của dư luận sau hai đề xuất mua gọn cảng Quảng Ninh cũng như sân bay Phú Quốc.
-Không lâu sau đề nghị nhận chuyển nhượng 100% cổ phần Nhà nước tại Cảng Quảng Ninh thì Tập đoàn T&T tiếp tục có đề nghị mua (hoặc thuê lại quyền khai thác) Sân bay Phú Quốc. Điều này khiến không ít người tò mò về thế mạnh và tiềm lực của Công ty. Theo ông, điều gì sẽ khiến T&T có thể thuyết phục được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cũng như Chính phủ đồng ý với những đề xuất táo bạo này?
Chúng ta biết là Chính phủ đang có chủ trương xã hội hóa đầu tư vào cơ sở hạ tầng và dịch vụ trong đó có cảng biển, cảng hàng không. Đặc biệt là Bộ GTVT thời gian vừa qua cũng đã thực hiện xã hội hóa một loạt các dự án cơ sở hạ tầng như đường giao thông quốc lộ, đường cao tốc và bây giờ cảng biển, sân bay. Chủ trương là Nhà nước chỉ giữ những lĩnh vực nào là trọng yếu, còn lại thu hút các nguồn lực từ xã hội.
T&T cũng như các doanh nghiệp khác sẵn sàng tham gia vào quá trình này. Việc tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào các dự án sẽ tạo nên sự chặt chẽ về quản lý, tiến độ, chất lượng cũng như đầu tư phát triển. Đương nhiên, bất cứ doanh nghiệp nào muốn tham gia cũng phải có đủ nguồn lực và điều này sẽ do chính các cơ quan chuyên môn thẩm định.
Trên thực tế, để trình mua một dự án thì doanh nghiệp đó đã phải được các Bộ ngành và Chính phủ nghiên cứu, thẩm định, đánh giá về năng lực tài chính rồi, chứ không phải ai xin cũng được, ai đăng ký cũng được! Tất cả đều có tiêu chí. Tôi cho rằng, bây giờ các doanh nghiệp đã đi vào thực chất và qua thời kỳ “đánh bóng, đánh quả”, phải có năng lực thực sự thì doanh nghiệp mới tham gia.
Về phía Tập đoàn T&T, tôi khẳng định doanh nghiệp có đủ năng lực, trước hết là về tài chính. Riêng vốn điều lệ của Công ty đã là 2.500 tỷ đồng (chưa kể các chỉ tiêu tài chính khác như tổng tài sản) hoàn toàn đủ điều kiện để tham gia mua lại các dự án này. Tôi không đi sâu vào những chỉ tiêu khác, tuy nhiên, khi T&T trình lên thì hồ sơ đã được cơ quan kiểm toán độc lập (được chấp thuận) thẩm định và đã qua đánh giá của các bộ, ngành.
-Liệu ông có thể tiết lộ về tiến độ của hai đề xuất hiện đã được thực hiện đến đâu?
Về cảng Quảng Ninh thì Chính phủ đã thống nhất cho thoái hết 100% vốn Nhà nước và chỉ định cho nhà đầu tư trong nước, Bộ GTVT đã đồng ý cho T&T mua lại. Còn Sân bay Phú Quốc thì Bộ GTVT đang trình Chính phủ quyết định.
Kinh doanh cũng phải có duyên!
-Trong thời điểm hiện tại, hàng loạt các cảng biển khác trên cả nước cũng đang rầm rộ IPO, bán, chuyển nhượng Cổ phần Nhà nước nắm giữ, thậm chí là Sân bay Long Thành cũng đã tính đến xã hội hóa. Theo đánh giá của ông, trong bối cảnh hiện nay, triển vọng phát triển của lĩnh vực cảng biển và cảng hàng không như thế nào?
Thực ra, độ hấp dẫn của các cảng biển và cảng hàng không dưới con mắt của nhà đầu tư cũng phải tùy từng cảng và tùy từng từng sân bay, tùy từng vị trí. Tuy nhiên, nhìn chung đây là một lĩnh vực có thể hoạt động hiệu quả do mấy yếu tố sau:
Thứ nhất Việt Nam đang hội hội nhập càng ngày càng sâu hơn với khu vực và thế giới, nên thương mại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước sẽ ngày càng được mở rộng, nhu cầu giao thương cũng tăng lên rất nhiều.
Thứ hai là khi Việt Nam gia tăng mối quan hệ đầu tư, thương mại với càng nhiều nước trên thế giới thì khách đến Việt Nam tham quan du lịch cũng như đầu tư… cũng sẽ tăng mạnh, nên nhìn chung các cảng biển và cảng hàng không có nhiều cơ hội để phát triển.
Về bản chất cảng biển hay cảng hàng không đều là cung cấp dịch vụ. Lấy ví dụ cảng hàng không, ngoài những mảng như đường băng, điều hành bay liên quan đến kỹ thuật, đến an ninh quốc phòng - nhà nước nên quản lý, thì các dịch vụ còn lại ở nhà ga – nói một cách hình ảnh, có thể ví như bến xe vậy. Tương tự với cảng biển. Tất nhiên, việc kinh doanh dịch vụ cảng biển, sân bay sẽ ở một cấp độ cao cấp hơn. Và những mảng dịch vụ này thì nên xã hội hóa.
Tôi có thể khẳng định là khi tư nhân vào tham gia đầu tư, quản lý họ sẽ mang lại dịch vụ tốt hơn, chất lượng hơn - vừa mang lại lợi ích cho doanh nghiệp nhưng lớn lao hơn là mang lại lợi ích cho cộng đồng.Tôi nghĩ là đã đến lúc phải thay đổi nhận thức ở những lĩnh vực này. Bao nhiêu năm nay chúng ta đã quen với việc Nhà nước quản lý các cảng biển, cảng hàng không nên bây giờ thấy việc xã hội hóa, “mua lại sân bay”, “chuyển nhượng quyền khai thác sân bay” chưa cảm thấy quen, nhưng thực tế, các nước họ cũng đều đã tư nhân hóa hết và hiệu quả mang lại tốt hơn nhiều, chất lượng dịch vụ đi lên và giá thành hạ.
-Trong năm 2015 này dự kiến sẽ bùng nổ hoạt động thoái vốn tại các DNNN trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Liệu ông có kế hoạch tham gia mua cổ phần các doanh nghiệp khác hay không?
T&T cũng như nhiều doanh nghiệp tư nhân khác cũng quan tâm đến cổ phần mà Nhà nước thoái vốn. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ có chọn lọc chứ không phải doanh nghiệp nào cũng tham gia vào. Phải chọn lựa những doanh nghiệp phù hợp với mục tiêu chiến lược của T&T. Bên cạnh đó cũng phải có duyên nữa! Nhiều trường hợp không phải muốn là được, muốn - nhưng cũng phải có duyên mới thành!
Không tái cấu trúc, doanh nghiệp, ngân hàng không thể tồn tại
-Liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân hàng, NHNN cho biết, sắp tới sẽ yêu cầu một số tổ chức tín dụng phải bán bớt cổ phần cho các tổ chức tín dụng khác mạnh hơn hoặc NHNN sẽ trực tiếp mua. Với thành công của SHB trong việc mua Habubank, liệu thời gian tới ông có tiếp tục tham gia vào tái cấu trúc ngân hàng không?
Vừa rồi chiến lược của SHB cũng đã được NHNN phê duyệt về mặt chủ trương là nhận sáp nhập Công ty Tài chính Vinaconex-Viettel. Trước đó, SHB cũng đã nhận sáp nhập Habubank thành công và đi vào hoạt động ổn định, phát triển, được NHNN đánh giá cao.
Năm nay, chủ trương của SHB một mặt là phát triển kinh doanh ổn định, vững chắc, và mặt khác là nhận sáp nhập Công ty tài chính Vinaconex - Viettel.
-Ông đánh giá như thế nào về xu hướng sáp nhập ngân hàng ở thời điểm hiện nay?
Tôi nghĩ đây là chủ trương đúng đắn. Các ngân hàng nhỏ nên tái cấu trúc: có thể tự tái cấu trúc hoặc tự nguyện sáp nhập vào một ngân hàng có tiềm lực. Vì trong nền kinh tế hiện nay, các doanh nghiệp nói chung và ngân hàng nói riêng, Nhà nước không can thiệp song nếu anh không tự tái cấu trúc thì bản thân anh cũng không tồn tại được. Khi không đủ năng lực cạnh tranh thì xu thế bắt buộc là phải sáp nhập.
Đồng thời, những ngân hàng đã hoạt động ổn định và tốt rồi thì cũng có thể kết duyên với những ngân hàng tương tự hoặc lớn hơn để trở thành một ngân hàng mới có quy mô lớn hơn, cạnh tranh được với khu vực – đây là một xu thế tất yếu không chỉ là ở Việt Nam mà trên thế giới cũng vậy.
-Ông đánh giá như thế nào về bức tranh ngành ngân hàng trong năm 2015 khi mà sắp tới Thông tư 02, Thông tư 09 của Ngân hàng Nhà nước sẽ có hiệu lực, yêu cầu chặt chẽ hơn về phân loại chất lượng nợ?
Thực ra những vấn đề tại Thông tư 09, Thông tư 02 cũng đã được đưa ra một thời gian rồi, nên các ngân hàng trong đó có SHB đã chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng và thực hiện tốt những quy định này. Tôi cho rằng những quy định trong 2 thông tư trên là điều tốt cho ngân hàng, tốt cho quản trị.
Về hoạt động ngân hàng năm 2015 tôi nghĩ là cũng nằm trong diễn biến chung của nền kinh tế. Kinh tế Việt Nam nhìn chung là đã ổn định về kinh tế vĩ mô từ 2014, các doanh nghiệp tuy còn khó khăn nhưng đã sàng lọc, sắp xếp lại; tương tự, theo quy luật thì ngành ngân hàng thời gian qua cũng đã có sự sàng lọc nhất định. Đây là tín hiệu và tiền đề tốt cho năm 2015 và các năm tiếp theo.
Biểu hiện tích cực đầu tiên đó là đầu năm nay tăng trưởng tín dụng của hệ thống đã trên 1% - so với các năm trước, giai đoạn đầu năm thường tăng trưởng âm. Tôi cho đây là tín hiệu sáng cho nền kinh tế nói chung cũng như các ngân hàng nói riêng.
-Với mặt bằng lãi suất đang xuống thấp, bên cạnh đó việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cũng được đẩy lên, liệu lợi nhuận các ngân hàng trong năm nay có bị ảnh hưởng?
Khi nói đến lợi nhuận của ngân hàng tới hàng nghìn tỷ người ta cứ nghĩ là lớn lắm nhưng trên thực tế, vốn của ngân hàng và tổng tài sản ngân hàng rất lớn và chi phí hoạt động cũng không hề nhỏ. Thế nên lợi nhuận đó không phải là lớn. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn phải luôn quan tâm đến quản trị rủi ro nợ xấu, nợ quá hạn và phải trích lập dự phòng để đảm bảo an toàn cho hoạt động.
Trong những năm vừa qua, các ngân hàng đã trích lập theo quy định. Và khi tới đây áp dụng 09, 02, theo tôi, lợi nhuận các ngân hàng năm nay sẽ không tăng nhiều. Bản thân các ngân hàng bây giờ cũng chú trọng đến quản trị rủi ro, đến độ an toàn nhiều hơn là đến lợi nhuận. Để hoạt động và phát triển bền vững thì ngân hàng phải nâng tỉ lệ thu từ dịch vụ và giảm bớt thu lợi nhuận từ tín dụng, phấn đấu đạt tỉ lệ thu từ dịch vụ trên 30%.
-Cảm ơn ông về buổi chia sẻ này!
Theo Dân trí