Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - Trưởng khoa Nhiễm D - BV Nhiệt đới, TP.HCM (Ảnh: Hòa Bình) |
Diễn biến dịch bệnh phức tạp
Diễn biến của dịch bệnh COVID-19 đang ngày càng nóng khi dịch ngày càng lan rộng ở nhiều nước, trong đó, các nước có tỷ lệ tử vong cao như Ý, Iran. Đặc biệt, dịch bùng phát mạnh ở Hàn Quốc, tăng chóng mặt số ca nhiễm chỉ trong vài ngày, từ vài chục bệnh nhân nay số người nhiễm đã lên tới hơn 2.000 người, kèm theo đó là số bệnh nhân thiệt mạng cũng cao bất thường.
Trong khi đó, riêng hai ngày 27 và 28/2, mỗi ngày có hàng ngàn lượt người Việt Nam từ Hàn Quốc bay về quê hương. Theo quy định, người về từ vùng dịch bắt buộc phải cách ly đủ 14 ngày nhưng hiện tại, Trung tâm cách ly tập trung đang trở nên quá tải, khiến hàng trăm người kẹt lại tại sân bay Nội Bài. Mới đây, TP.HCM cũng đã phải gửi công văn kêu cứu, tìm giải pháp cách ly người về từ Hàn Quốc, tránh dẫn đến nguy cơ cho cộng đồng.
Diễn biến của dịch bệnh trên thế giới khiến cho quyết định đưa học sinh, sinh viên trên cả nước trở lại trường học đang trở nên vô cùng khó khăn, được hàng triệu cha mẹ học sinh quan tâm.
Hôm nay 28/2, Sở Giáo dục Hà Nội và TP.HCM vừa chỉ đạo gấp các trường trên địa bàn cùng triển khai hỏi ý kiến phụ huynh về thời điểm cho trẻ đi học trở lại vào các ngày: 2/3, 16/3 và 1/4. Kèm theo đó là câu hỏi về việc có nên cho con đeo khẩu trang khi đi học.
Chỉ cho con đến trường khi cảm thấy an tâm
Tuy nhiên, vì hàng ngàn phụ huynh truy cập trong cùng một thời điểm, nên link hỏi ý kiến chính thức của Sở Giáo dục TP.HCM liên tục rơi vào tình trạng quá tải, rất nhiều phụ huynh đã không thể truy cập được để bày tỏ ý kiến.
Các phụ huynh của các nhóm lớp, trường khác nhau trên địa bàn TP.HCM buộc phải sử dụng phương án hỏi ý kiến trong nhóm nhỏ của từng lớp, rồi đề nghị cô chủ nhiệm giúp chuyển ý kiến của phụ huynh tới lãnh đạo nhà trường và Sở Giáo dục.
Chẳng hạn như nhóm lớp 4/5 – Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3, TP.HCM) có 48 phụ huynh tham gia. Trong nhóm này chỉ có 1 phụ huynh đồng thuận cho con đi học từ 2/3, có 6 phụ huynh đồng ý cho con đi học từ 16/3. Số ý kiến áp đảo thuộc về phương án cho trẻ đến trường từ ngày 1/4 tới.
“Mình sẽ không cho con đi học đến khi nào mình cảm thấy an toàn” – Một phụ huynh lớp 4/5 Trường Tiểu học Lương Định Của bày tỏ.
Toàn bộ phụ huynh lớp 7P1 Trường THCS Colette (quận 3, TP.HCM) cũng đồng thuận với ý kiến là học sinh nên nghỉ thêm, vì tinh thần chống dịch COVID-19 vẫn đang vô cùng căng thẳng.
Phát biểu trong các nhóm lớp, đa số các phụ huynh đều đồng thuận ủng hộ phương án học nửa ngày, không bán trú. Có phụ huynh còn đề xuất giải pháp tránh cho ra chơi để đỡ tiếp xúc với các học sinh lớp khác.
Nhưng hầu như các phụ huynh đều phản ứng dữ dội, cho rằng trẻ em không thể đeo khẩu trang, ngồi yên cạnh nhau suốt bốn tiếng đồng hồ. Hơn nữa, cho dù là đã khoanh vùng tiếp xúc chỉ vài chục trẻ mỗi lớp, thì thời gian giao tiếp giữa học sinh vẫn là rất dài, mật độ học sinh trong lớp cũng rất dày, sát cạnh nhau, khẩu trang không thể bảo vệ được các em nếu có virus SARS CoV 2 (virus Corona).
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong đồng ý với phụ huynh khi chưa thể yên tâm đưa trẻ đến trường
|
Có phụ huynh đặt giả định chỉ cần 1 trẻ nhiễm virus Corona tương tự như trường hợp mới xảy ra ở Thái Lan, thì cả ngôi trường đã phải đóng cửa, và em học sinh đó đã làm lây lan virus nguy hại này đến mấy chục học sinh trong lớp, hoặc thậm chí là các lớp khác, theo đó là mấy chục phụ huynh. Với thời gian ủ bệnh của mỗi người khác nhau, hàng trăm con người đã mang virus có thể tiếp tục lây nhiễm tới hàng trăm người khác.
"Phòng chống dịch bệnh quan trọng vì không chỉ mình mà là cho cả cộng đồng. Nếu nghỉ tiếp, con tôi cũng quen với việc học online rồi" - Chị Nguyễn Thị Huyền, phụ huynh có con học THCS tại Quận Thủ Đức khẳng định.
“Dịch thế này không nên cho trẻ tới trường. Tôi có con đang học cấp hai, nếu nhà trường có quy định cho học sinh tới trường thì tôi cũng sẽ làm đơn xin cho con tôi nghỉ tiếp” – Chiều 28/2, một phụ huynh có con học trường THCS Đồng Khởi (Quận 1, TP.HCM) gửi gắm.
Vì chưa cảm thấy yên tâm, nên nếu Sở GĐ&ĐT chỉ đạo tiếp tục đi học trở lại sớm từ 2/3 thì nhiều phụ huynh bày tỏ ý kiến tha thiết xin cho con nghỉ học thêm một thời gian nữa. Nếu đó chỉ là ý kiến riêng của từng gia đình và thể theo đề nghị của phụ huynh, các em vẫn được nhà trường cho phép nghỉ học, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng có sự chênh lệch lớn về kiến thức giữa trẻ đi học và trẻ xin nghỉ tiếp.
Nếu tình huống này xảy ra thì nhà trường và các thầy cô cũng sẽ khó khăn hơn trong giai đoạn bổ sung kiến thức cho các trẻ nghỉ. Vì vậy đa số phụ huynh đồng thuận đề nghị Sở Giáo dục hết sức cân nhắc về giai đoạn cho trẻ đến trường và nên có giải pháp đồng bộ.
Nên thận trọng vì đây là sinh mạng con người
Trong cuộc trao đổi với VietTimes, bác sĩ Âu Thanh Tùng, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 (BV Đại học Y Dược TP.HCM) cảnh báo rất nên thận trọng vì đây là sinh mạng con người.
Chiều 28/2, trả lời phỏng vấn VietTimes, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong – Trưởng khoa Nhiễm D (BV Bệnh Nhiệt đới), nơi đã điều trị thành công cho bệnh nhân Việt kiều Mỹ 73 tuổi, người cao tuổi nhất tại Việt Nam nhiễm virus Corona, cho biết: “Tại Việt Nam, chúng ta cảm thấy có vẻ yên tâm, vì đã khống chế thành công dịch bệnh COVID-19, chưa có thêm ca nhiễm mới. Công tác phát hiện kịp thời, cách ly, điều trị tích cực đều làm tốt. Nhưng phụ huynh chưa thể yên tâm được vì tình hình trên thế giới diễn biến quá phức tạp. Số người nhiễm và số tử vong ở Hàn Quốc, Iran, Ý… đều tăng rất cao, cần hết sức đề phòng, không chủ quan, chuẩn bị nhân sự, cơ sở vật chất và phương án đối phó kịp thời”.
Bác sĩ Phong khẳng định: “Không ai muốn rằng có dịch bùng phát nhưng đây cũng là tình huống buộc phải nghĩ đến. Từ trước đến giờ mới chỉ phát hiện lẻ tẻ, nhưng giả sử có lúc dịch bùng phát thật thì sẽ phải có phương án chuẩn bị, ứng phó như thế nào? Số nhiễm lên đến bốn năm chục ca, hàng trăm ca thì thế nào? Khoa nhiễm D của BV Bệnh Nhiệt đới chỉ có thể chứa được tối đa 50 bệnh nhân trong khu vực cách ly.
"Nếu số lượng nhiễm lớn thì BV Dã chiến Củ Chi sẽ phát huy tác dụng. Sắp tới TP.HCM có kế hoạch xây dựng thêm BV Dã chiến ở Nhà Bè và Quận 9 nữa. Nếu số lây nhiễm lớn hơn nữa, thì các BV Đa khoa và BV tuyến quận huyện trên tinh thần đều có những khu cách ly riêng và có khả năng điều trị COVID-19”.
“Tuy nhiên, tôi cũng thật sự lo lắng khi hình dung đến trường hợp này, vì không biết nếu dịch bùng phát thật sự với số lượng lớn thì có đủ phương tiện thiết bị phòng hộ cho hệ thống y tế lâm sàng, trực tiếp điều trị dịch bệnh” – Bác sĩ Phong cho rằng yếu tố này nằm ngoài tầm kiểm soát của từng BV.
Bác sĩ Phong đồng thuận với phụ huynh: “Muốn đưa con đi học, phụ huynh phải cảm thấy an toàn và an tâm. Tình hình ở Việt Nam hiện tại sau 2 tuần chưa có thêm ca nhiễm mới đã có vẻ an toàn nhưng an tâm thì chưa. Vì thế giới bất ổn quá”.
“Đi học mà còn phải đeo khẩu trang nghĩa là chưa ổn. Bắt trẻ đeo khẩu trang liên tục trẻ sẽ không chịu nổi. Nếu trẻ thực hiện cách đeo và cách lấy ra không đúng nguyên tắc còn nguy hiểm hơn. Ý kiến của tôi là nếu còn phải cần đeo khẩu trang thì đừng nên cho trẻ đến trường” – Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong khẳng định.
Bài, ảnh, video: Hòa Bình