Bắc Kinh “đại tu” quân đội và nguy cơ chiến tranh trên biển

Kế hoạch cải tổ toàn diện hệ thống chỉ huy của PLA dự kiến sẽ được áp dụng vào cuối tháng này. Theo đó, hệ thống gồm 7 bộ chỉ huy hiện nay sẽ bị thay thế bằng 5 vùng chiến lược mới, báo Hong Kong South China Morning Post vừa dẫn các nguồn tin từ PLA cho biết.
Quân đội Trung Quốc sắp trải qua đợt cải tổ lớn
Quân đội Trung Quốc sắp trải qua đợt cải tổ lớn

Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) dự kiến sắp được tái cấu trúc toàn diện để giảm vài trò của lục quân, tăng cường không quân và hải quân, đồng thời nâng cao khả năng tác chiến. Giới quan sát cho rằng bước đi này một phần là nhằm chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột trên biển với các nước láng giềng.

Kế hoạch cải tổ toàn diện hệ thống chỉ huy của PLA dự kiến sẽ được áp dụng vào cuối tháng này. Theo đó, hệ thống gồm 7 bộ chỉ huy hiện nay sẽ bị thay thế bằng 5 vùng chiến lược mới, báo Hong Kong South China Morning Post vừa dẫn các nguồn tin từ PLA cho biết.

Một nguồn tin thân cận của Bộ chỉ huy quân sự Tế Nam – một trong bảy vùng chỉ huy hiện tại của Trung Quốc – cho biết bộ chỉ huy đang “hoàn tất sứ mệnh lịch sử” của nó và sẽ bị cải cách cùng với 6 bộ chỉ huy quân sự khác từ ngày 20/12 tới.  Một nguồn tin khác nói rằng hai bộ chỉ huy quân sự ở Tế Nam và Thành Đô sẽ bị giải tán hoàn toàn vì hai bộ chỉ huy này chỉ có vai trò hỗ trợ các vùng quân sự lớn khác. 5 bộ chỉ huy còn lại sẽ được sắp xếp lại. Các báo cáo trước đó nói rằng 4 vùng quân sự Bắc, Nam, Đông và Tây sẽ ra đời từ hệ thống 7 bộ chỉ huy bị giải tán. Nhưng kế hoạch chi tiết mới nhất sẽ bổ sung thêm một vùng chiến lược ở thủ đô Bắc Kinh.

Cơ quan ngôn luận của PLA tuần trước đăng bài bình luận nói rằng hệ thống 7 bộ chỉ huy quân sự và 4 cơ quan tham mưu hiện nay đã lỗi thời, quá tập trung và thách thức quyền lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với quân đội.

Theo giới quan sát, ông Tập đã thể hiện tham vọng rất rõ ràng về việc “đại tu” quân đội và sẵn sàng thực hiện những bước đi tạm thời làm mất lòng nhiều người để thúc đẩy kế hoạch, như việc loại bỏ những quan chức cấp cao bị coi là vô tổ chức và cản trở quá trình cải cách. Bước đi tiếp theo của ông Tập là tinh giản lục quân, mở rộng hải quân và không quân.

GS Nan Li ở Trường Hải chiến Mỹ cho rằng kế hoạch cải tổ toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp tác chiến giữa các lực lượng thuộc PLA, để trong trường hợp cần thiết có thể chiến thắng trong các cuộc đối đầu trên biển và “các cuộc chiến tranh địa phương trong hoàn cảnh bất thường”. GS Li cho rằng đây đang là mối quan tâm lớn nhất của lãnh đạo Trung Quốc vì họ đánh giá đó là những nguy cơ dễ xảy ra nhất và dễ đe dọa đến những lợi ích quốc gia của Trung Quốc nhất. Nói đơn giản, ông Tập muốn PLA có khả năng thực hiện kiểu chiến tranh phối hợp mà các lực lượng Mỹ triển khai rất hiệu quả trong nhiều tình huống ngày nay.

Chiến lược trên biển và cách thức hoạt động của PLA đang được tính toán lại theo cách thức này. GS Li cho rằng điều đó nghĩa là Trung Quốc sẽ chú trọng hơn vào phát triển khả năng tham gia chiến đấu cường độ cao trên các vùng biển Hoàng Hà, Hoa Đông và biển Đông, sau đó sẽ là những vùng biển xa hơn, tạp chí Wall Street Journal đưa tin.

Trong một bài viết vừa đăng trên tạp chí The Diplomat, tác giả Dingding Chen cho rằng lý do Trung Quốc cải tổ toàn diện quân đội là do môi trường an ninh đang xấu đi, trong khi năng lực của PLA bộc lộ nhiều hạn chế.

Hải quân Trung Quốc gần đây liên tục tập trân trên biển
Hải quân Trung Quốc gần đây liên tục tập trân trên biển

Bài viết cho rằng Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ với nhiều nước châu Á, nghĩa là PLA ngày nào đó có thể phải đối phó với “hai kẻ thù cùng lúc, có thể trên biển Đông và Hoa Đông”, nhưng PLA chưa trưởng thành đủ để thực hiện đồng thời hai cuộc chiến như vậy. Năng lực thu thập thông tin của PLA cũng bộc lộ nhiều hạn chế. PLA chưa trải qua cuộc chiến nào gần 30 năm qua, trong khi Mỹ liên tục tham gia các cuộc chiến từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Vì thế, có nhiều nghi ngờ đặt ra về năng lực chiến đấu thực sự của PLA.

Sau khi một người Trung Quốc bị lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng giết gần đây, có những tiếng nói trong nước cho rằng chính phủ Trung Quốc nên tham gia hay đưa quân đến IS và Syria để tiêu diệt IS. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng PLA không có kinh nghiệm chiến đấu thực tế, vì thế việc cử quân đến Trung Đông sẽ trở thành thảm họa.

Ngoài ra, chiến lược cải cách cũng nhằm đối phó với tình trạng tham nhũng tràn lan trong quân đội. Kế hoạch của ông Tập được coi là thay đổi lớn nhất đối với PLA từ khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình cắt giảm nhân sự trong quân đội và thực hiện nhiều chính sách nhằm giảm gánh nặng ngân sách quốc phòng.

Theo đó, PLA kiếm tiền từ việc để các bệnh viện quân đội chữa bệnh cho dân thường, cho thuê các cơ sở nhà xưởng của quân đội, thuê các công ty xây dựng bên ngoài thực hiện các dự án và cho phép các học viện quân đội đào tạo các ngành dân sự. Một hội nghị của Hội đồng quân sự trung ương gần đây quyết định chấm dứt tất cả các hoạt động này để “thanh lọc quân đội”, và cũng để loại bỏ những cám dỗ tham nhũng.

Theo Tiền Phong