Trung Quốc hun nóng Biển Đông, Mỹ tính điều 2 tàu sân bay trấn yểm

Tuyên bố cải tổ của ông Tập Cận Bình đã làm rung chuyển cơ cấu chỉ huy quân sự của Trung Quốc, khi Chủ tịch Quân ủy Trung ương xác định, hiện đại hóa quân đội cùng lúc với việc Trung Quốc ngày càng cứng rắn hơn trong theo đuổi yêu sách lãnh thổ phi pháp ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dư luận quan tâm tới nhận định của Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CSBA) khi cho rằng, Mỹ có khả năng sẽ đưa 2 tàu sân bay tới đồn trú ở các căn cứ tại Nhật Bản.

Và chỉ cần thêm một tàu sân bay tại căn cứ Hải quân Yokosuka ở Nhật Bản, Washington sẽ đáp ứng nhu cầu bảo đảm an ninh hàng hải và các lợi ích của Mỹ ở Thái Bình Dương, cũng như thực hiện cam kết trong khu vực, mà không cần phải đóng thêm tàu chiến.

Tính tới nay, Hải quân Mỹ đã triển khai 272 tàu chiến các loại và đây là con số lớn nhất và hùng hậu nhất của một lực lượng hải quân trên thế giới. Dự kiến tới năm 2028, Hải quân Mỹ sẽ có hơn 320 tàu chiến làm nhiệm vụ.

Trung Quốc cải tổ quân đội

Ngày 27-11, tờ South China Morning Post đưa tin, từ 24 đến 26-11, Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình đã triệu tập các tướng lĩnh hàng đầu về Bắc Kinh tham dự hội nghị cải cách công tác Quân ủy Trung ương.

Và trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình cho rằng, Quân ủy Trung ương nên được trao quyền lực tối cao trên cả 2 lĩnh vực chỉ huy và quản lý quân đội. Ông Tập Cận Bình muốn tạo "bước đột phá" trong cải cách quân đội từ nay tới năm 2020 nhằm hướng tới một hệ thống chỉ huy quân sự tập trung dưới dạng Bộ Tư lệnh như phương Tây, trong đó vai trò của hải - lục - không quân và tên lửa chiến lược là như nhau.

Ngoài ra, 4 cơ quan đầu não gồm Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Trang bị sẽ được tổ chức lại thành cơ quan giúp việc cho Quân ủy Trung ương; 7 đại quân khu hiện sẽ được tổ chức thành 4 hoặc 5 Bộ Tư lệnh.

Ông Tập Cận Bình đã nhắc tới mô hình của quân đội Mỹ mà cho đến nay được coi là mạnh nhất thế giới, để khích lệ quân đội nước này sớm trở thành đội quân hiện đại.

Trước đó, ông Tập Cận Bình đã cam kết cắt giảm 300.000 quân trong năm 2017 nhằm chứng tỏ cam kết của Trung Quốc theo đuổi con đường phát triển hòa bình.

Trung Quốc hun nóng Biển Đông, Mỹ tính điều 2 tàu sân bay trấn yểm ảnh 1
Tiến sĩ Tiết Lực, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc

Vẫn theo tờ South China Morning Post, đã có những dấu hiệu chống lại cuộc cải cách trong quân đội khi một số tướng lĩnh cấp cao cảnh báo, cải cách có thể gây bất ổn cho hoạt động của lực lượng vũ trang và xã hội.

Theo nhận định của một số nhà bình luận quân sự Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã bị đẩy vào chỗ phải khẩn trương cải cách quân đội, vì Mỹ khiêu khích ở Biển Đông.

Còn Hãng Reuters cho rằng, tuyên bố cải tổ của ông Tập Cận Bình đã làm rung chuyển cơ cấu chỉ huy quân sự của Trung Quốc, khi Chủ tịch Quân ủy Trung ương xác định, hiện đại hóa quân đội cùng lúc với việc Trung Quốc ngày càng cứng rắn hơn trong theo đuổi yêu sách lãnh thổ phi pháp ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Nhưng theo Hãng Bloomberg, dưới thời ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đã, làm gia tăng căng thẳng với các nước láng giềng, đánh dấu sự thay đổi, thoát khỏi chủ trương "giấu mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình trước đây.

Trong khi đó Hãng Financial Review bình luận, song song với việc cải tổ quân đội, Bắc Kinh đang thiết lập hệ thống tiền đồn bên ngoài lãnh thổ và đó là một phần chiến lược của ông Tập Cận Bình biến Trung Quốc thành một cường quốc hàng hải.

Trung Quốc hun nóng Biển Đông, Mỹ tính điều 2 tàu sân bay trấn yểm ảnh 2
Ngô Khiêm - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc

Cũng trong ngày 27-11, phát biểu tại buổi họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân đã giải thích tường tận 16 vấn đề về cải cách quốc phòng và quân đội Trung Quốc.

Theo ông Dương Vũ Quân, Quân ủy Trung ương đã triệu tập Hội nghị về Công tác cải cách quốc phòng và quân đội. Hội nghị này đánh dấu bước cải cách sâu sắc về quốc phòng và quân đội Trung Quốc đã bước vào giai đoạn thực chất, có ý nghĩa cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển quân đội. Bởi đây là đợt cải tổ nhằm loại bỏ những trở ngại mang tính chất thể chế đối với sự phát triển của quân đội, giải phóng sức chiến đấu và sự phát triển của quân đội, thực hiện mục tiêu xây dựng lực lượng quân đội lớn mạnh.

Giới truyền thông Trung Quốc đưa tin, quân đội đã nghiêm chỉnh học tập bài phát biểu của ông Tập Cận Bình, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với chiến lược do Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình và Quân ủy Trung ương đưa ra - phát triển quân đội đặc sắc Trung Quốc.

Theo nhận định của chuyên gia quân sự Lương Quốc Lương ở Hongkong, kế hoạch cải tổ sẽ chứng kiến việc sáp nhập 2 đại quân khu Nam Ninh và Tế Nam thành đại chiến khu Đông bộ. Hai đại quân khu Thẩm Dương và Bắc Kinh sẽ sáp nhập thành đại chiến khu Bắc Bộ.

Đại quân khu Lan Châu sẽ kết hợp với phần phía tây của đại quân khu Thành Đô để trở thành đại chiến khu Tây bộ. Phần còn lại của đại quân khu Thành Đô cùng đại quân khu Quảng Châu sẽ trở thành đại chiến khu Nam Bộ.

Trung Quốc hun nóng Biển Đông, Mỹ tính điều 2 tàu sân bay trấn yểm ảnh 3
Thượng nghị sĩ My Ben Cardin

Những nhận định khác nhau

Ngày 27-11, nhà phân tích độc lập Bành Định Đỉnh đến từ Bắc Kinh cho rằng, giải quyết tranh chấp lãnh thổ, hàng hải trên Biển Đông thông qua bên thứ 3 - Tòa trọng tài quốc tế là biện pháp hợp pháp duy nhất.

Cũng trong ngày 27-11, tờ The Wall Street Journal đưa tin, một công ty nạo vét Trung Quốc đã phải trì hoãn kế hoạch phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) tại sàn chứng khoán Hongkong để làm rõ các truy vấn từ chính quyền đặc khu về hoạt động nạo vét của công ty này cho chính phủ Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Còn theo nhận định của học giả Emanuel Pastreich, Phó giáo sư Đại học Kyung Hee, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Á - Hàn Quốc, tranh chấp biển đảo ở châu Á khác với tranh chấp lãnh thổ dẫn đến chiến tranh ở châu Âu 100 năm trước và những thù oán tích tụ do chiến tranh trước đây.

Và ở Châu Á - Thái Bình Dương, tham vọng bành trướng của Trung Quốc đã quá rõ ràng và đây là một thực tế không thể bỏ qua.

Trung Quốc hun nóng Biển Đông, Mỹ tính điều 2 tàu sân bay trấn yểm ảnh 4
Máy bay trực thăng AH-64E Apache Đài Loan mua của Mỹ

Cũng trong ngày 27-11, tờ Tin tức tham khảo (Trung Quốc) đưa tin, Mỹ sẽ tuyên bố kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan trị giá 1 tỉ USD (hạn ngạch thực khoảng 2 tỉ USD) trong tháng 12. Trước đó, tờ Bloomberg News cho biết, tại Quốc hội Mỹ, lãnh đạo lưỡng đảng luôn thúc giục chính quyền của Tổng thống Barack Obama thông qua kế hoạch bán vũ khí, mặc dù điều này có thể gây căng thẳng với Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Ben Cardin thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ và Chủ tịch Ủy ban Quân sự Thượng viện Mỹ John McCain từng viết thư cho Tổng thống Barack Obama, thúc giục ông chủ Nhà Trắng nhanh chóng thông qua kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan. Bởi theo họ, việc hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc không ngừng gia tăng và là mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định của eo biển Đài Loan, nên Washington cần quan tâm tới vấn đề này.

Ngay sau khi biết tin này, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm lập tức tuyên bố, vấn đề Đài Loan liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, liên quan đến “lợi ích cốt lõi” của Bắc Kinh, do đó Trung Quốc kiên quyết phản đối bất cứ nước nào bán vũ khí cho Đài Loan và đây là lập trường nhất quán của Bắc Kinh.

Sau khi giới truyền thông Đài Loan đưa tin, nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu dự kiến thị sát bất hợp pháp đảo Ba Bình nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong ngày 12-12 nhằm thể hiện cái gọi là chủ quyền của Trung Hoa Dân quốc, dư luận đã cảnh báo về vấn đề này. Bởi trước đó ông Kin W. Moy, đại diện của Mỹ tại Đài Bắc từng nhiều lần gặp quan chức Đài Loan để yêu cầu Đài Loan không được có hành động manh động trên Biển Đông.

Theo tờ Apple Daily, nếu chuyến đi bất hợp pháp kể trên diễn ra, ông Mã Anh Cửu sẽ là nhà lãnh đạo Đài Loan thứ 2 thị sát đảo Ba Bình, sau ông Trần Thủy Biển (đi tháng 2-2008). Giới chức Mỹ gây sức ép với Đài Loan bởi công trình xây dựng cầu cảng và nối dài sân bay bất hợp pháp trên đảo Ba Bình sắp hoàn thành và hoạt động này xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.

Với tư cách là 1 bên có tranh chấp tại Biển Đông (5 nước, 6 bên), Đài Loan vẫn luôn cố tìm gắng kiếm một vai trò trong vấn đề nhạy cảm này.

Theo phân tích của tờ Nikkei Asian Review, có 3 lý do khiến Washington vẫn chần chừ chưa muốn bước vào một cuộc xung đột toàn diện với Bắc Kinh.

Thứ nhất, Washington đang bị phân tán bởi cuộc chiến chống IS ở Trung Đông, cũng như chống khủng bố tại Mỹ và cuộc khủng hoảng chưa hồi kết tại Ukraine.

Thứ hai, binh lính Mỹ đang mệt mỏi và tinh thần suy giảm - hậu quả từ chiến trường Afghanistan và Iraq để lại. Thứ ba, ngân sách quốc phòng của Mỹ đang bị cắt giảm. Và theo nhà phân tích Tetsuro Kosaka, Washington phải mất tới 10 năm để quân đội Mỹ lấy lại đủ sức mạnh, trong khi quân đội Trung Quốc đang trong tư thế sẵn sàng.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Malaysia Liow Tiong Lai, các cảng biển của nước này đã sẵn sàng hình thành mối liên kết với các cảng biển Trung Quốc trong nỗ lực thúc đẩy thương mại song phương. Và mối liên kết này có thể hỗ trợ sáng kiến “Con đường tơ lụa thế kỷ XXI” của Trung Quốc.

Trước đó, Trung Quốc và Malaysia đã tập trận chung lần đầu tiên, mang tên “Hòa bình và hữu nghị 2015”, nhằm làm sâu sắc quan hệ song phương. Đây là cuộc tập trận chung lớn nhất giữa Trung Quốc với một quốc gia thành viên ASEAN.

Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn Cầu từng dẫn thông tin của Tạp chí Jane’s Defense Weekly, theo đó Cơ quan Hàng không vũ trụ quốc gia Trung Quốc và Cơ quan Điều phối an ninh biển Indonesia đã ký thỏa thuận nhằm hỗ trợ Indonesia tăng cường công tác an ninh trên biển.

Trước đó, Trung Quốc và Indonesia từng ký thỏa thuận hợp tác trên biển.

Theo Petrotimes