Bắc Đẩu, hệ thống dẫn đường vệ tinh Trung Quốc ra đời từ nỗi lo bị Mỹ áp chế

Hôm 28/11/2024, tại cuộc tọa đàm kỷ niệm 30 năm ra đời hệ thống dẫn đường, định vị Bắc Đẩu (Beidou, hay BDS) được tổ chức tại Bắc Kinh, “Quy hoạch phát triển Bắc Đẩu đến năm 2035 cốt lõi là xây dựng thế hệ Beidou-4” đã được công bố.
Mô phỏng hệ thống dẫn đường Beidou cho xe hơi. Ảnh: Baidu.

Theo đó, năm 2027 Trung Quốc sẽ phóng vệ tinh thử nghiệm Beidou-4 và kết nối mạng vào năm 2029, đến 2035, dự án Beidou-4 sẽ hoàn thành. Tình hình nâng cấp hệ thống Bắc Đẩu của Trung Quốc rất nhanh, được ví “còn nhanh hơn đổi xe”.

Bắc Đẩu là một dự án lớn nhằm phát triển một hệ thống vệ tinh định vị độc lập của Trung Quốc, không phụ thuộc vào GPS của Mỹ. Mục đích nhằm cung cấp dịch vụ định vị và dẫn đường chính xác, đáng tin cậy cho các ứng dụng dân sự và quân sự trên khắp Trung Quốc rồi khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và cuối cùng là toàn cầu.

Bắc Đẩu đã trải qua nhiều thế hệ phát triển, từ hệ thống thử nghiệm ban đầu đến hệ thống Beidou-3 hiện tại với khả năng phủ sóng toàn cầu. Hệ thống Bắc Đẩu được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, bao gồm giao thông vận tải, nông nghiệp, khảo sát, cứu hộ và cả quân sự.

So sánh với GPS, Bắc Đẩu có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng có những đặc điểm riêng biệt. Cả hai hệ thống đều cung cấp dịch vụ định vị, nhưng Bắc Đẩu được thiết kế đặc biệt để phục vụ nhu cầu của Trung Quốc và khu vực.

Cùng với các GPS của Mỹ, GLONASS của Nga, Galileo của EU, Bắc Đẩu (BDS) được Ủy ban Vệ tinh dẫn đường của Liên Hợp Quốc xác định là 4 hãng cung cấp dịch vụ dẫn đường toàn cầu. Tháng 11/2023, Tổ chức Hàng không quốc tế (ICAO) chứng nhận BDS đạt tiêu chuẩn dẫn đường hàng không toàn cầu.

Logo hệ thống dẫn đường Beidou của Trung Quốc. Ảnh: Baidu.

Ra đời từ mối lo ngại bị Mỹ áp chế

Từ những năm 1960, Trung Quốc đã có ý tưởng chế tạo vệ tinh dẫn đường. Lúc đó được gọi là Dự án “Đăng Tháp” (Ngọn hải đăng), nhưng do hạn chế về mặt công nghệ và nguồn tài chính, dự án đã bị bỏ dở.

Việc chính thức khởi động dự án Bắc Đẩu đã bị hoãn lại đến những năm 1990. Vào năm 1990, trong Chiến tranh vùng Vịnh, quân đội Mỹ và đồng minh đã sử dụng hệ thống GPS định vị chính xác vị trí các mục tiêu, kết hợp sử dụng tên lửa đạn đạo với bộ binh đánh bại quân đội Iraq, Trung Quốc bắt đầu nhận ra giá trị về mặt quân sự của hệ thống định vị và dẫn đường qua vệ tinh.

Tháng 7/1993, Trung Quốc và Mỹ xảy ra “Sự kiện Ngân Hà” (Mỹ bắt giữ tàu Ngân Hà của Trung Quốc suốt 33 ngày vì nghi ngờ chở nguyên liệu vũ khí hóa học cho Iran). Khi đó, Mỹ đã ngắt tín hiệu GPS của tàu này trên Ấn Độ Dương khiến tàu này bị “mù đường”. Chưa hết, năm 1996 khi tình hình Eo biển Đài Loan căng thẳng, quân đội Trung Quốc tiến hành cuộc diễn tập quy mô lớn đã bị Mỹ ngắt tín hiệu GPS để phá rối. Những vụ việc nghiêm trọng này đã thúc đẩy Trung Quốc quyết tâm tạo dựng một hệ thống dẫn đường riêng.

Mô hình hệ thống Beidou-3. Ảnh: Baidu.

Đi lên từ “bán thành phẩm”

Năm 1994, dự án Beidou-1 được khởi động. Các nhà khoa học Trung Quốc đã nỗ lực hết mình, phóng được 3 vệ tinh Beidou lên vũ trụ trước năm 2003.

Việc tạo lập thành công mạng Beidou-1 đánh dấu vệ tinh dẫn đường của Trung Quốc đã đi từ không đến có. Tuy nhiên, dù Beidou-1 đã xuất hiện nhưng nó vẫn có những nhược điểm nhất định. Đầu tiên là độ chính xác định vị thấp, chỉ khoảng 20 mét. Thứ hai, phạm vi định vị chỉ giới hạn ở lãnh thổ Trung Quốc. Khi rời khỏi Trung Quốc, Beidou-1 sẽ không thể cung cấp dịch vụ cho người sử dụng.

Ngoài ra, vì Beidou-1 sử dụng tính năng định vị chủ động nên rất dễ bộc lộ vị trí của người dùng. Dùng trong quân sự, không cẩn thận sẽ bị đối phương phát hiện. Vì vậy, ở một khía cạnh nào đó, Beidou-1 chỉ có thể được coi là một sản phẩm bán thành phẩm.

Mô hình hệ thống vệ tinh quỹ đạo nghiêng GEORGIA. Ảnh: Baidu.

Beidou-2 được nâng cấp

Vì Beidou-1 không mạnh nên Beidou-2 xuất hiện vào năm 2004. Để phát triển hơn nữa công nghệ của Beidou-2, Trung Quốc đã quyết định bắt tay hợp tác với Châu Âu. Tuy nhiên, do hai bên “không thành thật với nhau” nên thời kỳ “trăng mật” chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi châu Âu đã gạt Trung Quốc ra khỏi dự án Galileo của họ.

Không được châu Âu hỗ trợ, Trung Quốc buộc phải tự nghiên cứu. Đến năm 2012, toàn bộ vệ tinh Beidou-2 đã được phóng. Beidou-2 gồm 14 vệ tinh, trong đó có 5 vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh (GEO), 5 vệ tinh quỹ đạo đồng bộ nghiêng (IGSO) và 4 vệ tinh quỹ đạo Trái đất trung bình (MEO).

So với Beidou-1, tính năng của Beidou-2 đã được cải thiện rất nhiều. Beidou-2 có độ chính xác tới 10 mét và phạm vi phủ sóng cũng mở rộng ra khắp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Với Beidou-2, hệ thống BDS đã có bước nhảy vọt về chất. Nhân cơ hội này, các nhà khoa học tiếp tục nỗ lực và khởi động dự án Beidou-3.

Beidou-3, bước tiến xa hơn

Thời gian xây dựng Beidou-3 từ năm 2009 đến năm 2020. Sau 11 năm phát triển, có tổng cộng 30 vệ tinh Beidou-3 đã được phóng. So với Beidou-2, tính năng của Beidou-3 cao hơn hẳn. Đặc biệt về độ chính xác, Beidou-3 đã đạt 4,4 mét, được Trung Quốc cho là “chính xác hơn cả GPS”, quan trọng nhất là Beidou-3 cũng đã phủ sóng toàn thế giới.

Hiện nay, toàn bộ dự án Bắc Đẩu (BDS) có 60 vệ tinh. Hơn 500 linh kiện cốt lõi của toàn bộ dự án được sản xuất 100% trong nước. Có BDS, mọi việc đều dễ dàng hơn.

Hiện tại, hầu hết điện thoại Android trên thị trường về cơ bản đều hỗ trợ BDS, nhiều điện thoại nước ngoài cũng tương thích. Tính đến tháng 11/2023, BDS đã cung cấp dịch vụ dẫn đường cho 1,5 tỷ người dùng tại hơn 230 quốc gia và khu vực trên thế giới. Như vậy, BDS đã không thua kém GPS.

Ông Dương Trường Phong, Tổng thiết kế của Công trình Bắc Đẩu. Ảnh: Baidu.

Beidou-4 sắp ra mắt

Xem xét từ đồ án BDS hiện tại, mục tiêu của Trung Quốc không chỉ là bắt kịp GPS thế hệ thứ ba mà còn tiến xa hơn và tạo ra một hệ thống định vị mới. Do đó, Beidou-4 xuất hiện.

Thực ra, sự ra mắt của Beidou-4 đã được dự báo trước. Ngày 19/9/2024, tại Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, Trung Quốc đã dùng tên lửa đẩy Trường Chinh-3B để phóng vệ tinh Bắc Đẩu thứ 59 và 60. Đây cũng là hai vệ tinh dự phòng cuối cùng cho Beidou-3.

Sau khi phóng thành công, ông Dương Trường Phong, Tổng thiết kế của Công trình Bắc Đẩu, nói với các phóng viên: “Đây là điểm kết thúc và cũng là sự khởi đầu. Thế hệ tiếp theo của Bắc Đẩu sắp ra mắt”.

Beidou-4 từ lâu đã được đưa vào chương trình nghị sự, chỉ chờ ngày đẹp giờ lành để phóng lên bầu trời. Theo tư liệu liên quan, sau khi mạng Beidou-4 được thiết lập thành công, độ chính xác sẽ đạt tới mức decimet, được cho là “cao hơn GPS của quân đội Mỹ”.

Những mục tiêu đạt được

Trung Quốc đánh giá xây dựng hệ thống Bắc Đẩu đã đạt nhiều mục tiêu khác nhau: Thứ nhất, đảm bảo an ninh quốc gia: Giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống định vị của nước ngoài, đặc biệt là GPS của Mỹ, giúp tăng cường khả năng tự chủ trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh.Thứ hai, phát triển kinh tế: Ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như giao thông vận tải, hàng hải, nông nghiệp, giảm thiểu thiên tai và nhiều lĩnh vực khác, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thứ ba, mở rộng ảnh hưởng toàn cầu: Cạnh tranh với các hệ thống định vị khác như GPS và Galileo, giúp Trung Quốc có vị thế quan trọng hơn trên trường quốc tế. Thứ tư, phát triển công nghệ: Qua quá trình nghiên cứu và phát triển Bắc Đẩu, Trung Quốc đã nâng cao năng lực công nghệ trong nhiều lĩnh vực như vệ tinh, không gian, và điện tử.

Tóm lại, Bắc Đẩu không chỉ là một hệ thống định vị, mà còn là một biểu tượng cho sự trỗi dậy của Trung Quốc trên trường quốc tế và sự nỗ lực không ngừng để trở thành một cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới.

(Theo Toutiao)