Quyền công dân theo nơi sinh là gì và điều gì xảy ra nếu ông Trump đảo ngược chính sách này?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố sai rằng Mỹ là nước duy nhất coi quyền công dân như một quyền thừa kế. Hơn 30 quốc gia trên thế giới đã làm như vậy, nhưng một số đã hủy bỏ nó.

Mỹ không phải nước duy nhất cung cấp quyền công dân theo nơi sinh. Trên thực tế, hơn 30 quốc gia đã áp dụng. Ảnh: Washington Post.
Mỹ không phải nước duy nhất cung cấp quyền công dân theo nơi sinh. Trên thực tế, hơn 30 quốc gia đã áp dụng. Ảnh: Washington Post.

Quyền công dân theo nơi sinh (Birthright citizenship), một quy định mà Tổng thống Donald Trump đang tìm cách chấm dứt, khiến Mỹ trở nên khác biệt với phần lớn thế giới. Nhưng Mỹ không đơn độc trong việc áp dụng chính sách như vậy - và ông Trump cũng không phải là nhà lãnh đạo đầu tiên thúc đẩy việc hủy bỏ nó.

Các học giả pháp lý và các nhóm tự do dân sự cho rằng lệnh của ông Trump – người tìm cách diễn giải lại Tu chính án 14 trong nỗ lực ngăn chặn người di cư vào Mỹ sinh con để chúng trở thành công dân Mỹ – là bất hợp pháp và 22 tiểu bang đã đệ đơn thách thức pháp lý đối với lệnh này.

Anthony D. Romero, Giám đốc điều hành của Liên minh Tự do Dân sự Mỹ, cho biết trong một tuyên bố: “Quyền công dân theo nơi sinh là một phần giúp Mỹ trở thành một quốc gia mạnh mẽ và năng động như hiện nay”.

Ông Trump đã tuyên bố sai rằng Mỹ là nước duy nhất áp dụng quyền công dân theo nơi sinh. Trên thực tế có hơn 30 quốc gia áp dụng chính sách này, bao gồm Canada, Mexico và nhiều quốc gia phương Tây có lịch sử thuộc địa. Hơn 20 quốc gia đã đảo ngược hoặc hủy bỏ chính sách của mình.

Graziella Bertocchi, Giáo sư kinh tế tại Đại học Modena và Reggio Emilia ở Italy, người nghiên cứu về tác động của nhập cư và quyền công dân, cho biết: “Nó đã bị thách thức nhiều lần bởi các quốc gia bị áp lực về vấn đề nhập cư. Ông Trump không phải là người đầu tiên”.

1.png
Những thách thức pháp lý đối với quyền công dân theo nơi sinh thường dựa trên lập luận rằng con cái của những người nhập cư không có giấy tờ không “thuộc thẩm quyền” của Mỹ. Ảnh: Bloomberg.

Quyền công dân theo nơi sinh là gì?

Quyền công dân theo nơi sinh, hay còn gọi là “jus soli”, là một quyền được quy định trong Hiến pháp Mỹ trong đó tự động cấp quyền công dân cho bất kỳ người nào được sinh ra trên lãnh thổ Mỹ, bất kể quốc tịch của cha mẹ họ.

Lệnh của ông Trump quy định rằng chính quyền của ông sẽ không còn công nhận quyền công dân tự động đối với trẻ em sinh ra trên đất Mỹ có cha mẹ không có tư cách pháp nhân, cũng như trẻ em sinh ra từ các bậc cha mẹ không phải là công dân đang ở nước Mỹ theo thị thực làm việc tạm thời, sinh viên hoặc du lịch.

Phần lớn các quốc gia áp dụng quyền công dân theo nơi sinh đều ở châu Mỹ và khu vực Caribe, chính sách của họ là di sản từ thời thuộc địa. Nhà nhân khẩu học người Pháp Jean-Francois Mignot đã viết rằng, sau khi giành được độc lập, các quốc gia mới áp dụng chính sách quyền công dân theo nơi sinh để thu hút người nhập cư châu Âu và duy trì các chính sách đó cho đến tận ngày nay.

Theo Tổng cục Nghiên cứu Pháp lý Toàn cầu của Thư viện Luật Quốc hội: Guatemala, Belize, El Salvador, Honduras, Nicaragua và Panama, tất cả các quốc gia Trung Mỹ đều áp dụng quyền công dân theo nơi sinh, ngoài Mỹ, Canada và Mexico. Costa Rica có quyền công dân theo nơi sinh nhưng yêu cầu phải đăng ký.

Hầu hết người dân vùng Caribe cũng áp dụng quyền công dân theo nơi sinh: Barbados, Cuba, Dominica, Grenada, Jamaica, Saint Lucia, Antigua và Barbuda, Saint Kitts và Nevis, Saint Vincent và Grenadines, và Trinidad và Tobago.

Ở Nam Mỹ, 10 trong số 12 quốc gia có quyền công dân theo nơi sinh: Brazil, Chile, Argentina, Venezuela, Ecuador, Peru, Bolivia, Paraguay, Uruguay và Guyana.

Pakistan ở châu Á có quyền công dân theo nơi sinh, ngoài ra còn có các nước Lesotho và Tanzania ở châu Phi, Tuvalu và Fiji ở Nam Thái Bình Dương.

Nguồn gốc của quyền công dân theo nơi sinh

Lịch sử quyền công dân theo nơi sinh ở Mỹ khác với các quốc gia khác ở chỗ nó được luật hóa vào thời điểm gần 1 thế kỷ sau khi đất nước được thành lập theo Tu chính án thứ 14.

Đạo luật Nhập tịch năm 1790 chỉ áp dụng cho “những người da trắng tự do”, nhưng Tu chính án thứ 14 chấm dứt chế độ nô lệ ở nước này cũng thiết lập quyền công dân cho những người Mỹ da đen được tự do, cũng như “tất cả những người sinh ra hoặc nhập tịch ở Mỹ”.

Tòa án Tối cao giữ nguyên quyền này vào năm 1898 khi phán quyết rằng Wong Kim Ark – sinh ra ở San Francisco nhưng đã bị từ chối tái nhập cảnh vào Mỹ sau một chuyến đi nước ngoài vì có gốc Hoa – là một công dân Mỹ.

Tuy nhiên, Mỹ đã học chính sách “jus soli” từ Vương quốc Anh, quốc gia đã phát triển và áp dụng quyền công dân theo nơi sinh từ truyền thống phong kiến, trong đó giao quyền quản lý những nông nô sinh ra trên đất của một lãnh chúa cho lãnh chúa đó, bà Bertocchi nói.

Bà Bertocchi cho biết, một số quốc gia châu Âu đã đảo ngược lập trường của họ về “jus soli” sau Thế chiến II, trong đó phần lớn châu Âu hiện đang áp dụng “jus sanguinis” - quyền công dân theo huyết thống. Nội dung của nguyên tắc này là trẻ em sinh ra có quyền được mang quốc tịch của cha, mẹ.

Vương quốc Anh đã thay đổi luật vào năm 1984 để quy định rằng một đứa trẻ sinh ra trên đất Anh chỉ là công dân nếu cha mẹ là cư dân hợp pháp hoặc công dân Vương quốc Anh. Ireland cũng làm theo vào năm 2004, cho phép các cá nhân ở nước ngoài nhận quyền công dân thông qua cha mẹ hoặc ông bà là công dân Ireland.

2.png
Tổng thống Donald Trump đang tìm cách đảo ngược chính sách quyền công dân theo nơi sinh. Ảnh: Yahoo News.

Điều gì xảy ra nếu chính sách này bị đảo ngược?

Bà Bertocchi cho biết, có rất ít nghiên cứu về tác động của việc đảo ngược hoặc thu hồi quyền công dân theo nơi sinh và có rất ít sự đồng thuận về tác động kinh tế, văn hóa hoặc xã hội của sự thay đổi chính sách như vậy.

Bà cho biết, hầu hết các quốc gia trên thế giới đảo ngược quyền công dân theo nơi sinh do lo ngại về vấn đề nhập cư, và câu chuyện thường gặp rằng phụ nữ tìm cách đi vào một quốc gia để sinh con và nhận quốc tịch cho con cái của họ. Theo bà Bertocchi, đây là một thực trạng mà ông Trump gọi là "du lịch sinh con", mặc dù vẫn chưa rõ về tần suất xảy ra tình trạng này.

Quyết định đảo ngược quyền công dân theo nơi sinh của Cộng hòa Dominica đã dẫn đến tình trạng hỗn loạn: Tòa án Hiến pháp nước này đã ra phán quyết rằng việc đảo ngược chính sách này áp dụng cho bất kỳ ai sinh sau năm 1929, một động thái khiến 200.000 người Dominica gốc Haiti không có quốc tịch.

Mặc dù sắc lệnh của ông Trump tuyên bố rằng nó sẽ không có hiệu lực hồi tố mà sẽ chỉ ảnh hưởng đến những người sinh ra ở Mỹ sau 30 ngày kể từ ngày có lệnh, những người ủng hộ quyền nhập cư vẫn lo ngại rằng lệnh này chỉ là bước khởi đầu.

Martha S. Jones, một nhà sử học pháp lý tại Đại học Johns Hopkin, nói rằng sắc lệnh này gửi đi một thông điệp nguy hiểm. “Thông điệp là…nếu bạn tin mình là công dân Mỹ, bạn sẽ phải đấu tranh vì điều đó”, bà nói.