Financial Times: Elon Musk tìm cách phế truất Thủ tướng Keir Starmer trước bầu cử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tỷ phú công nghệ Elon musk muốn tạo dựng sự ủng hộ cho đảng chính trị đối lập ở Anh, đặc biệt là đảng Cải cách Anh.

Thủ tướng Anh Keir Starmer và tỷ phú công nghệ Elon Musk. Ảnh: Getty.
Thủ tướng Anh Keir Starmer và tỷ phú công nghệ Elon Musk. Ảnh: Getty.

Elon Musk, tỷ phú giàu nhất thế giới và một nhân vật thân cận với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, đang nghiên cứu các chiến lược nhằm làm suy yếu chính quyền của Công đảng Anh (đảng Bảo thủ). Những động thái này được cho là sẽ không chỉ dừng lại ở các bài đăng chỉ trích trên nền tảng mạng xã hội X của ông.

“Musk tin rằng nền văn minh phương Tây đang đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng”, một nguồn tin thân cận tiết lộ tiết lộ với Financial Times.

Tỷ phú công nghệ này được cho là đang tìm cách tạo dựng và mở rộng sự ủng hộ đối với các phong trào chính trị đối lập tại Anh, đặc biệt là đảng Cải cách Anh (Reform UK) có khuynh hướng dân túy cánh hữu. Mục tiêu của Musk là tạo áp lực chính trị nhằm ép buộc thay đổi lãnh đạo chính phủ trước khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra, theo các nguồn tin thân cận.

Trong hệ thống nghị viện Anh, các Thủ tướng nắm quyền lực là nhờ vào vị trí lãnh đạo đảng có nhiều nghị sĩ nhất trong Quốc hội.

Tuy nhiên, lịch sử chính trị nước này đã chứng kiến nhiều trường hợp Thủ tướng phải rời nhiệm sở giữa nhiệm kỳ – như Tony Blair hay Boris Johnson, bất chấp chiến thắng áp đảo trong các cuộc bầu cử trước đó – do mất đi sự ủng hộ.

Musk, người đứng đầu Tesla và SpaceX, được ông Trump chỉ định làm đồng lãnh đạo một dự án cắt giảm chi tiêu chính phủ Mỹ. Trong 6 tháng qua, ông đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến chính trị Anh, đồng thời liên tục đưa ra các chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào chính phủ do Thủ tướng Keir Starmer lãnh đạo.

Tuần qua, Musk đã kêu gọi mở một cuộc điều tra quốc gia về các vụ lạm dụng tình dục trẻ em do các băng nhóm, chủ yếu là người gốc Pakistan, gây ra tại nhiều thị trấn ở Anh. Ông còn cáo buộc ông Starmer, từng là giám đốc công tố từng điều tra các vụ án này, là “đồng lõa” khi để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng này.

Không dừng lại ở đó, Musk còn chỉ trích Jess Phillips, Bộ trưởng phụ trách an toàn, là “người bao che tội ác diệt chủng bằng cưỡng hiếp” sau khi bà bác bỏ yêu cầu của hội đồng Oldham về việc tổ chức một cuộc điều tra cấp quốc gia liên quan đến vụ bê bối ở Greater Manchester.

Trước các chỉ trích gay gắt, ông Starmer thẳng thừng bác bỏ, cho rằng “sự lan truyền thông tin sai lệch” chỉ nhằm phục vụ mục đích cá nhân hơn là vì các nạn nhân. Bà Jess Phillips cũng cáo buộc rằng các tuyên bố của Musk đã khiến bà đối mặt với những mối đe dọa đến tính mạng.

Untitled1.png
Lãnh đạo đảng Cải cách Anh Nigel Farage, phải, và thủ quỹ đảng Nick Candy, ở giữa, trong cuộc gặp với Elon Musk tại Mar-a-Lago vào ngày 16/12/2024. Ảnh: FT.

Can thiệp sâu vào chính trường Anh

Matt Goodwin, một nhà bình luận chính trị cánh hữu, nhận định rằng Musk và một số nhân vật Mỹ khác có vẻ đặc biệt quan tâm đến vụ bê bối này vì “tính chất kinh hoàng của nó”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng điều này phản ánh “sự hoài nghi tự nhiên” của Musk đối với chính phủ Công đảng và cá nhân ông Keir Starmer.

Tuy nhiên, vào cuối tuần qua, Musk bất ngờ tách mình ra khỏi Nigel Farage, lãnh đạo đảng Cải cách Anh, khi tuyên bố đảng này cần một lãnh đạo mới vì “ông Farage không đủ năng lực”.

Theo các nguồn tin thân cận, Musk hiện đang cân nhắc một số ứng viên thay thế ông Farage, bao gồm nghị sĩ Rupert Lowe của đảng Cải cách Anh, đồng thời xem xét các quy trình để thực hiện việc thay đổi lãnh đạo.

Sự ủng hộ dành cho Cải cách Anh đã tăng đáng kể trong những tháng gần đây. Theo các cuộc khảo sát, 22% cử tri Anh hiện ủng hộ đảng này, tăng từ 14% so với cuộc bầu cử hồi tháng 7. Trong khi đó, Công đảng giữ ở mức 28%, còn Đảng Bảo thủ đạt 24%, theo thống kê của Politico.

Tuy nhiên, vào tuần qua, ông Farage đã làm dịu đi tình hình. Trong một cuộc phỏng vấn với đài LBC, ông cho biết sẽ gặp lại Musk trong tháng này và dự định đến Mỹ để tham dự lễ nhậm chức của ông Trump tại Washington.

“Chúng tôi không có ý định đối đầu với Musk và tôi sẽ không làm vậy”, ông Farage nói thêm.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Keir Starmer không có kế hoạch tham dự sự kiện này, và lãnh đạo đảng Bảo thủ Kemi Badenoch cũng sẽ không có mặt.