Bà Nguyễn Thị Kim Tiến chính thức rời “ghế nóng” Bộ trưởng Bộ Y tế

VietTimes -- Chiều nay (22/11), Quốc hội đã biểu quyết và thống nhất miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Theo kết quả bỏ phiếu, 424 đại biểu đồng ý miễn nhiệm Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến (tỷ lệ 87%), 30 đại biểu không đồng ý (6%). Như vậy, bà Nguyễn Thị Kim Tiến chính thức rời vị trí Bộ trưởng Bộ Y tế và làm Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.
Chiều nay, Quốc hội đã biểu quyết miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Chiều nay, Quốc hội đã biểu quyết miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Bộ trưởng Bộ Y tế thực sự là "ghế nóng" trong nhiều năm qua, nên việc bà Nguyễn Thị Kim Tiến rời cương vị Bộ trưởng khi đủ tuổi nghỉ hưu, để đảm nhiệm công việc khác, rất được dư luận quan tâm.

Trước khi rời cương vị Bộ trưởng, người phụ nữ duy nhất trong Chính phủ đã có những chia sẻ về công việc của mình sau 8 năm làm Bộ trưởng Bộ Y tế.

Theo bà Tiến, cá nhân bà và toàn ngành đã rất tâm huyết và đưa ra nhiều chính sách đổi mới toàn diện để nâng cao chất lượng, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, đặc biệt là vấn đề bảo hiểm y tế cho người nghèo, người khó khăn.

Về việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế, tại cuộc họp báo trước kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, lí do của việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế là vì bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến tuổi nghỉ hưu (60 tuổi).

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến được chuyển sang làm Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương. Đây cũng là một vị trí rất quan trọng.

"Việc ai thay bà Nguyễn Thị Kim Tiến đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ dựa trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội xem xét phê chuẩn", ông Phúc nói.

Trước câu hỏi về điều còn dang dở mà bà băn khoăn nhất, bà Nguyễn Thị Kim Tiến không ngại ngần cho biết: Cái đang làm có thể tốt hơn chính là y tế cơ sở. Ngoài ra, "hiện còn một số vấn đề về dược đang giải quyết, khiến mình cũng bị thị phi. Có thông tin có thể không trung thực, thiếu chính xác trên mạng xã hội, nhưng cơ quan chức năng sẽ làm công minh, đúng người đúng tội, đúng việc, không oan sai”.

Bà Tiến cho rằng thứ nhất, nghề y là một nghề liên quan mật thiết đến sức khỏe, tính mạng người dân nên luôn được người dân quan tâm, theo sát. Nhiều lúc người dân ốm đau hoặc có những gia đình mất mát, nên cũng có những điều không hài lòng.

Thứ hai, không chỉ là sức khỏe và cả những vấn đề khác nữa có trách nhiệm của Bộ Y tế được người dân quan tâm, dư luận quan tâm, truyền thông quan tâm.

Vì thế, chuyện "bão dư luận" có thể do người ta chưa hiểu hết hoặc cũng do chính ngành y tế chưa chủ động cung cấp thông tin.

Về việc nghỉ hưu theo chế độ, Bộ trưởng Tiến chia sẻ: "Dù gì đi chăng nữa thì đó là quy luật "sinh - lão - bệnh - tử", đời là vô thường, nên mình sống mạnh khỏe để làm việc, để phục vụ nhân dân, đấy là hạnh phúc rồi. Cuộc sống còn có những điều mà mình không bằng lòng, không hài lòng thì cũng buông bỏ".

Là nữ Bộ trưởng duy nhất trong nhiệm kỳ này, bà Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận thời gian qua bà đã phải vất vả và chịu nhiều áp lực. Tuy nhiên, bà Tiến cũng cho rằng, bộ trưởng nào cũng phải vất vả, chỉ khi đặt mình vào vị trí của người đó, mới hiểu được.

Những ghi nhận trong 8 năm làm Bộ trưởng của bà Nguyễn Thị Kim Tiến đối với ngành y tế:

1. Đổi mới cơ chế tài chính, bệnh viện được phép tự chủ tài chính.

2. Giải pháp tổng thể giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên.

3. Nâng cao chất lượng bệnh viện với việc xây dựng Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện.)

4. Tăng cường năng lực cho các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện (chuyển giao kỹ thuật xuống tuyến dưới, đề án 1816 cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới, đề án Bệnh viện vệ tinh...)

5. Bình ổn giá thuốc

6. Đổi mới phong cách thái độ phục vụ của nhân viên y tế

7. Đẩy mạnh y tế cơ sở (đưa nguyên lý y học gia đình vào trạm y tế, quản lý các bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế, xây dựng hồ sơ sức khỏe cho người dân, xây dựng mô hình trạm y tế điểm, đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về 62 huyện khó khăn...)

8. Đấu thầu thuốc tập trung nên đã giảm được hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã bỏ phiếu miễn nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, số đại biểu đồng ý miễn nhiệm là 456 (tỷ lệ 94% đồng ý).

Ông Nguyễn Khắc Định (55 tuổi, quê Thái Bình) là Tiến sĩ Luật; Ủy viên Trung ương khóa XII. Ông từng làm trợ lý Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật từ năm 2016.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính (bên phải) trao Quyết định của Bộ Chính trị cho ông Nguyễn Khắc Định.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính (bên phải) trao Quyết định của Bộ Chính trị cho ông Nguyễn Khắc Định.

Ngày 19/10, Bộ Chính trị đã quyết định điều động ông Nguyễn Khắc Định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa (nhiệm kỳ 2015-2020), thay ông Lê Thanh Quang có đơn xin thôi nhiệm vụ với lý do bị bệnh, sức khỏe yếu, cần có thời gian nghỉ ngơi, điều trị.