B-52 Mỹ hút chết do "quân ta bắn quân mình"

VietTimes -- Đầu thập kỷ 1990, một trong số các máy bay B-52, số hiệu 58-0248 của Mỹ được trang trí với cái tên: “In HARM’s way”. Câu chuyện vì sao máy bay này lại được gán mác như vậy xuất phát từ một trong những hoàn cảnh vô cùng kỳ lạ, dường như chỉ xảy ra trong chiến tranh, The Drive thuật lại.
Chiến đấu cơ F-4 "chồn hoang" của Mỹ
Chiến đấu cơ F-4 "chồn hoang" của Mỹ

Sự cố đó xảy ra trong Chiến dịch Bão táp sa mạc, trong một cuộc đột kích đêm vào sâu trong lãnh thổ Iraq. Một đội máy bay B-52  đã xâm nhập vào không phận Iraq ở độ cao rất thấp nhờ sử dụng khả năng bay tầm thấp. Chiến thuật này đã được sử dụng từ rất lâu trong chiến tranh nhằm tránh pháo phòng không và các tên lửa đất đối không sát thủ, cả hai loại vũ khí này quân đội Saddam Hussein đều rất sẵn.

Bên trên máy bay B-52G là máy bay F-4G  “chồn hoang” có nhiệm vụ bảo vệ phi đội tấn công khỏi hệ thống phòng không của kẻ địch bằng cách chế áp bất kỳ mối nguy nào từ kẻ địch xuất hiện trên đường tấn công. Nhiệm vụ này được thực hiện nhờ loại tên lửa AGM-88 tốc độ cao chống radar (viết tắt là HARM) tấn công các hệ thống phát sóng. Tên lửa HARM sau đó sẽ nhắm theo các nguồn phát xạ của radar mục tiêu và tiêu diệt chúng.

Những kiểu loại phát xạ điện từ của các hệ thống radar khác nhau, như các loại radar kiểm soát hỏa lực khác nhau, được phân loại dựa trên một thư viện tổng hợp các mối đe dọa điện tử tiên tiến do các cơ quan tình báo của Lầu Năm Góc và Mỹ thiết lập. Tất cả mọi thứ từ các hoạt động tình báo đến các nhiệm vụ máy bay gián điệp đều được sử dụng để cập nhật cho thư viện này, và máy bay sử dụng radar nhận cảnh báo và đặc biệt là những máy bay có nhiệm vụ tấn công hệ thống phòng không của kẻ thù đều cập nhật các mối đe dọa một cách thường xuyên.

B-52G, thậm chí với khả năng xâm nhập tầm thấp và các bộ tác chiến điện tử vẫn bị tổn thương trước nhiều biện pháp tấn công của kẻ thù, bao gồm cả các cuộc tấn công của các máy bay chiến đấu, dù những máy bay này vốn có thể bị hạ bởi các máy bay ném bom được trang bị pháo và tên lửa tầm ngắn. Chỉ một máy bay MiG hay Mirage của Iraq bay ở tầm thấp may mắn lọt qua vòng bảo vệ của máy bay liên quân cùng hệ thống cảnh báo sớm và kiểm soát radar máy bay, mà tình cờ gặp máy bay ném bom liên quân là có thể bắn hạ nó.

Vào thời kỳ này, B-52 vẫn được lắp súng ở phía đuôi, và các loại súng này sử dụng radar để chống các máy bay chiến đấu của kẻ thù ở phạm vi gần. Khi các máy bay ném bom rượt qua sa mạc tối tăm, các pháo thủ của B-52 tăng cường giám sát phạm vi để tấn công máy bay địch trong khi các sĩ quan tác chiến điện tử giám sát các cuộc phóng tên lửa. Khi chỉ cách mặt đất tầm vài trăm feet, phi hành đoàn sẽ hầu như không có thời gian và không gian để phản ứng nếu máy bay của họ bị tấn công.

Một chiếc B-52G của không quân Mỹ
Một chiếc B-52G của không quân Mỹ

Đột nhiên một thành viên trên máy bay F-4G phát hiện được dấu hiệu hoạt động radar của một khẩu đội phòng không trên đường bay của B-52 và sĩ quan này đã phóng tên lửa HARM từ trên cao để tiêu diệt nguy cơ này. Điều diễn ra tiếp theo chính là phần bí ẩn nhất của câu chuyện, nhưng có thể phỏng đoán như sau: máy bay F-4G đã phóng tên lửa một cách mù quáng, không sử dụng radar cụ thể được phân loại trước khi phóng. Rõ ràng điều này là vì nhiều loại radar pháo kích chống máy bay có ký hiệu điện tử tương tự nhau, do đó chúng chỉ đơn giản được phân loại là AAA theo mặc định. Một số lại cho rằng phi hành đoàn của F-4G thực sự đã nhầm lẫn radar của B-52 hay hệ thống cảnh báo tên lửa, nhưng có vẻ như mối đe dọa thực sự tồn tại, báo hiệu cho một thảm họa sắp xảy ra.

Với chiều dài gần 14 foot, tên lửa 800lb này hướng thẳng đến mục tiêu trong bóng tối, bộ phận tìm kiếm của tên lửa này vô tình khóa vào một trong số các hệ thống radar mục tiêu của súng AN/ASG-15 trang bị trên pháo đài bay B-52, hay còn được gọi là Hệ thống kiểm soát hỏa lực phòng thủ (DFCS). Một số khác lại cho rằng HARM khóa vào hệ thống cảnh báo tên lửa AN/ALQ-153. Giống như AN/AGS-15, AN/ALQ-153 sử dụng một hệ thống radar. Nhưng trong trường hợp này, hệ thống này được sử dụng để phát hiện tên lửa sắp tới.

Rõ ràng điều này hoàn toàn có thể xảy ra vì hệ thống radar phần đuôi của B-52 cũng tương tự như các radar được sử dụng bởi khẩu đội tên lửa đối phương. Như vậy, tên lửa được phóng thẳng vào phần đuôi của B-52 thay vì vị trí khẩu đội phòng không Iraq mà phi hành đoàn F-4 “chồn hoang” cố gắng để hủy diệt.

Đầu đạn nặng 146 pound của tên lửa này được kích nổ ngay sau chiếc máy bay ném bom lớn, xé toạc nhiều mảnh trên pháo đài bay B-52. Hệ thống súng ở phần đuôi máy bay và hệ thống cảnh báo tên lửa cũng đã hoàn toàn bị phá hủy.

Phi đội F-4G
Phi đội F-4G "chồn hoang" mang tên lửa chống radar HARM

Chiếc máy bay B-52G bị hư hại nặng nề cố bay lết qua bóng tối sa mạc, phi hành đoàn đã cố gắng để giành lại quyền kiểm soát chiếc máy bay ném bom.

Đáng kinh ngạc là họ đã cố điều khiển chiếc B-52 bị thương nặng này quay trở về căn cứ không quân Prince Abdullah  ở Jedda, Ả Rập Xê-út và hạ cánh mà không cần dù hãm tốc, vì bộ phận này đã bị hư hại sau vụ tấn công nhầm. Sau đó, chiếc máy bay này đổ sập ngay lập tức vì đã cố gắng bay hàng trăm dặm so với khả năng của mình.

Chiếc B-52 bị hỏng nặng đã được chắp vá lại và được chuyển tới căn cứ Andersen ở Guam, ở đó, nó được sửa chữa hết sức cẩn thận và cuối cùng đã được quay trở lại phi đội với cái tên mới: “In HARM’s way”.

B-52 đã phục vụ một cách xuất sắc trong chiến dịch Bão táp sa mạc, bí mật phóng tên lửa hành trình GPS dẫn đường và thả 1/3 tổng số vũ khí tấn công từ trên không trong suốt cuộc chiến. Vào năm 1992, mọi súng đuôi máy bay đều được chuyển khỏi phi đội B-52 để tiết kiệm chi phí và thay đổi chiến thuật, cho dù AN/ALQ-153 vẫn được giữ nguyên. Hai năm sau đó, vào năm 1994, phi đội B-52G đã ngừng hoạt động, bao gồm cả máy bay số hiệu 58-0248, chỉ để lại phi đội B-52H cho những thập kỷ sau.