“Át chủ bài” Cam Ranh và sự trở lại của Nga

Thự tế cho thấy sự trở lại Cam Ranh của Nga là vấn đề được cả Việt Nam và Nga suy tính kỹ, trong một thời gian dài và là quyết định sáng suốt, đáp ứng lợi ích của cả hai bên, đồng thời có tầm ảnh hưởng lâu dài đến hòa bình và ổn định của khu vực Đông Nam Á.
Quân cảng Cam Ranh
Quân cảng Cam Ranh

Người Mỹ đã đặt chân tới Cam Ranh lần đầu tiên vào giữa những năm 1960. Căn cứ nằm sâu trong vịnh Cam Ranh ở miền Nam Việt Nam với diện tích căn cứ là 100 km2 và là nơi tổ chức những trận ném bom không kích phần lãnh thổ do quân giải phóng Việt Nam kiểm soát.

Tổng thống Lyndon Johnson đã từng đến thăm Cam Ranh và tuyên bố quốc kỳ nước Mỹ sẽ tung bay trên nóc căn cứ này mãi mãi. Sau đó là đến giai đoạn máy bay ném bom B-52 hoành hành trên lãnh thổ Việt Nam. Cũng từ căn cứ này, Mỹ có được những kinh nghiệm đầu tiên về việc huấn luyện cá heo có trang bị thuốc nổ và hơi gas làm tê liệt để tiêu diệt tàu thuyền và thợ lặn của đối phương.

Sau khi quân Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam và chiến tranh kết thúc. Moscow đã hy vọng Hà Nội sẽ cho Liên Xô thuê căn cứ quân sự này. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh và chiến tranh của Liên Xô trên 2 mặt trận – chống đế quốc Mỹ và bành trướng Trung Quốc, Moscow muốn đóng trú chiến hạm của quân đội Liên Xô ở bờ biển Việt Nam và nhờ đó thay đổi sự phân bố lực lượng trên Thái Bình Dương, phá vỡ thế độc quyền của Mỹ với các căn cứ quân sự ở Philippines, Nhật Bản và Hàn Quốc. Việt Nam đồng ý chuyển giao căn cứ Cam Ranh cho Liên Xô sau cuộc chiến với Trung Quốc vào năm1979.

Ngày 2/5/1979, chính phủ Liên Xô và CHXHCN Việt Nam đã ký Hiệp ước về sử dụng căn cứ quân sự Cam Ranh như một căn cứ của đoàn tàu chiến số 15 thuộc Hạm đội Thái Bình Dương. Trên thực tế, đây là hợp đồng thuê căn cứ miễn phí trong vòng 25 năm. Liên Xô sử dụng nơi này như một đối trọng với căn cứ hải quân của Mỹ ở vịnh Subic (Philippines). Sân bay Cam Ranh được dành cho máy bay chống hạm và máy bay trinh sát của Liên Xô.

Đơn vị đầu tiên của quân đội Liên Xô đến căn cứ này vào tháng 4/1980 gồm có 50 người. Theo hợp đồng ký với phía Việt Nam, Liên Xô sẽ xây dựng các công trình cho Việt Nam bằng nguồn vốn hỗ trợ không hoàn lại. Trong suốt quá trình từ năm 1984 – 1992, tổ chức Zagrantehstroi đã xây dựng gần 30 công trình dưới sự chỉ huy của Evgeny Stepanovich Bobrenev. Trong khi xây dựng, Evgeny Bobrenev đã phải phụ trách tuyển hơn 10.000 chuyên gia giỏi. Ông đề nghị các sĩ quan đã phục viên tình nguyện đến Việt Nam.

Kết quả là toàn bộ căn cứ đã được hiện đại hóa, bao gồm cả khu vực bến bãi, sân bay với nhiều đường băng, những điểm cung cấp vật liệu – kỹ thuật và một trạm rada mới. Như vậy là Cam Ranh đã trở thành căn cứ quân sự lớn nhất của Liên Xô ở nước ngoài. Những tàu chiến của nước này sau khi thực hiện những chuyến đi biển dài ngày (trên Ấn Độ Dương và khu vực vịnh Ba Tư) thường ghé qua đây để tiếp nhiên liệu, bổ sung đạn dược và tiến hành bảo dưỡng. Sân bay Cam Ranh lúc đó có một trung đoàn không quân hỗn hợp với 4 máy bay Tu-95, 4 máy bay Tu-142, 1 phi đội Tu-16 các loại gồm có 20 chiếc, 1 phi đội MiG-25 (gần 15 chiếc), 2 máy bay vận tải An-24 và 3 trực thăng Mi-8 (số liệu năm 1986). Ngoài ra, trung đoàn này còn được trang bị vũ khí chống tàu và tên lửa các loại.

Số quân nhân tại căn cứ này vào khoảng 3.000 người. Cuối thập niên 1980, quân số tại đây đã giảm đi đáng kể. Theo báo Pravda ngày 19/1/1990: “Trong khuôn khổ các hoạt động tinh giảm số lượng quân đội Xô Viết ở khu vực lãnh thổ phía đông của đất nước, căn cứ theo Hiệp ước đã ký với phía Việt Nam, một phần quân đội của Liên Xô đã rút khỏi vịnh Cam Ranh”. Cuối năm 1989, các loại máy bay MiG-23 và Tu-16 đã được đưa khỏi đây. Cho đến đầu năm 1990, sân bay Cam Ranh chỉ còn lại khoảng 6 – 10 chiếc máy bay.

Những năm đầu thập niên 1990, căn cứ này chủ yếu do phía Việt Nam sử dụng. Năm 1994, phó Thủ tướng Yuri Yarov đã đến thăm vịnh Cam Ranh. Năm 1995, nhờ có trung tâm thông tin ở căn cứ này mà nhiều hoạt động vận chuyển ma túy đã bị bắt giữ. Năm 1993 Nga đã ký hợp đồng kéo dài thời gian sử dụng căn cứ quân sự ở vịnh Cam Ranh. Các thiết bị bắt sóng ở đây dùng để theo dõi các trao đổi thông tin của Trung Quốc ở vùng biển Đông. Theo giới quân sự Mỹ, vị trí của Cam Ranh khá lý tưởng để kiểm soát mọi hoạt động xung quanh đảo Hải Nam, một địa điểm chiến lược đặc biệt đối với Trung Quốc.

Ngày 12/12/1995 cũng xảy ra tai nạn máy bay khủng khiếp tại đây. Ba trong 5 chiếc máy bay tiêm kích Su-27 của phi đội “Dũng sĩ Nga” trên đường trở về Nga sau khi trình diễn ở Malasia đã ghé qua sân bay Cam Ranh để tiếp nhiên liệu thì đã gặp tai nạn khi hạ cánh.

Hải quân Liên Xô giai đoạn đồn trú ở Cam Ranh
Hải quân Liên Xô giai đoạn đồn trú ở Cam Ranh

Năm 2000, hải quân Nga đã chính thức thông báo, hiện nay căn cứ này không còn quan trọng như trước nữa. Tháng 6/2001 Nga quyết định không tiếp tục thuê căn cứ Cam Ranh. Hợp đồng đã ký sẽ hết hiệu lực vào năm 2004. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo, Chính phủ dự định sử dụng căn cứ này vào các mục đích dân sự.


Ngày 24/7/2001 Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Ivanov thông báo “Nga cần phải rời khỏi Cam Ranh”. Năm 2002, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh đóng cửa căn cứ này sau khi Hà Nội và Moscow thống nhất được việc chấm dứt hợp đồng cho Nga thuê miễn phí.

Nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đã dần khôi phục sức mạnh và vị thế vốn có. Vấn đề hải quân Nga trở lại Cam Ranh vẫn âm ỉ đã rộ lên trên báo chí Nga trong tháng 10/2010, trước chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống  Nga Dmitri Medvedev. Giới quân sự Nga, một số tướng lĩnh, đô đốc tại ngũ và nghỉ hưu, chuyên gia quân sự Nga cũng đã đề cập khả năng hải quân Nga trở lại Cam Ranh.

Hãng RIA Novosti thời điểm đó dẫn lời Trợ lý Tổng thống Nga Sergei Prikhodko nói với báo giới ngay trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Medvedev rằng, Kremlin không thấy cần phải tái lập căn cứ quân sự ở Cam Ranh, nhưng quan tâm đến hoạt động của một căn cứ bảo đảm vật chất-kỹ thuật cho hải quân.

Nguồn tin cấp cao ở Moscow cho biết, Nga không định triển khai tại Cam Ranh vũ khí trang bị và binh sĩ như thời Liên Xô. Căn cứ này sẽ phần nhiều giống với căn cứ ở cảng Tartus, Syria, nơi mà các tàu hải quân Nga vẫn ghé vào trong các cuộc hành quân trên Địa Trung Hải. Việc thành lập một căn cứ như thế ở Cam Ranh không nên gây lo ngại cho các nước láng giềng của Việt Nam.

Tháng 10/2010, phát biểu trong buổi họp báo kết thúc Hội nghị cấp cao ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam sẽ xây cảng dịch vụ tổng hợp tại Cam Ranh và “Việt Nam sẽ cung cấp dịch vụ cho tàu của hải quân tất cả các nước, kể cả tàu ngầm, theo cơ chế thị trường” như nhiều nước trên thế giới đã làm.

Rõ ràng sự trở lại Cam Ranh của quân đội Nga là vấn đề được cả Việt Nam và Nga suy tính kỹ, trong một thời gian dài và là quyết định sáng suốt, đáp ứng lợi ích của cả hai bên, đồng thời có tầm ảnh hưởng lâu dài đến hòa bình và ổn định của khu vực Đông Nam Á. Thông tin trên được đưa ra sau khi Việt Nam ký hợp đồng mua 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga.

Sang tháng 11/2010, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết, các công ty Nga được ưu tiên trong việc xây dựng Trung tâm hậu cần dịch vụ quân sự tại cảng Cam Ranh. Việc này rất dễ hiểu bởi lẽ vũ khí, khí tài quân sự trước đây của Việt Nam đều do Liên Xô viện trợ và hiện vẫn đang được bảo quản theo phương thức “giữ tốt, dùng bền”. Các vũ khí mà Việt Nam mua sắm thời gian gần đây chủ yếu vẫn là của Nga, bởi Nga là đối tác chiến lược. Về mặt chính trị, Nga là đối tác tin cậy. Về mặt công nghệ, vũ khí của Nga cũng hiện đại và Việt Nam đã quen sử dụng, hiệu quả chiến đấu đã được thực tế kiểm chứng.

Tháng 11/2013, trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga và Chủ tịch nước Việt Nam, hai bên đã ký kết hiệp định về việc mở căn cứ chung để bảo dưỡng và sửa chữa tàu ngầm tại Cam Ranh. Các chiến hạm Nga được quyền sử dụng căn cứ theo thủ tục đơn giản hóa hơn so với các quốc gia khác. Kể từ năm 2014, không quân Nga sử dụng Cam Ranh để bố trí ở đây các máy bay tiếp nhiên liệu Il-78 thực hiện nhiệm vụ tiếp dầu trên không cho các máy bay ném bom chiến lược Tu-95 của Nga.

Sự hiện diện của các máy bay tiếp dầu Nga ở Cam Ranh không vi phạm nguyên tắc của Việt Nam là cấm bố trí các căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ nước mình. Việt Nam thực thi chính sách đối ngoại độc lập dựa trên các nguyên tắc: không liên kết và từ chối tham gia vào các liên minh. Tuy nhiên điều đó không loại trừ quan hệ thân thiện truyền thống với Nga.

The Diplomat (Nhật Bản) cho rằng "Nếu Hà Nội muốn trên sân khấu thế giới Việt Nam được xem như một cầu thủ độc lập, thì phải tuân thủ các nguyên tắc trong chính sách đối ngoại đã được thiết lập sau Chiến tranh Lạnh. Hà Nội nên tái khẳng định với thế giới, rằng Vịnh Cam Ranh mở rộng cửa cho các quốc gia khác nhau và các hạm đội khác nhau, cả quân sự và dân sự. Điều đó sẽ phục vụ lợi ích của Việt Nam”.

Trung tâm dịch vụ hậu cần tổng hợp là khu vực chỉ để phục vụ dịch vụ hậu cần kỹ thuật chứ không lẫn với khu vực dành riêng cho tàu hải quân của Việt Nam, nên không ảnh hưởng đến bí mật quân sự. Trung tâm cũng không phải là căn cứ của nước ngoài hay nước ngoài thuê để làm căn cứ hậu cần kỹ thuật. Chủ quyền của Trung tâm hoàn toàn thuộc về Việt Nam: từ đầu tư, quản lý, sở hữu. Các tàu nước ngoài vào đó thì phải xin phép và phải ký kết hợp đồng kinh tế với phía Việt Nam.

T.N