Nikkei Asian Review nhận định, đối với Việt Nam, chuyến viếng thăm của chiến hạm Nhật đặt họ vào thế khó xử. Một mặt, chuyến đi này là lời cảnh báo gởi đến Trung Quốc, hiện đang xây dựng một căn cứ quân sự ở vùng biển tranh chấp. Mặt khác, việc này có thể gây bất bình cho láng giềng khổng lồ.
Chính vì vậy mà Hà Nội đã chọn giải pháp trung dung. Việt Nam đã yêu cầu là khi hai khu trục hạm Ariake và Setogiri đi vào Vịnh Cam Ranh, sẽ không có tàu ngầm huấn luyện Oyashio đi theo. Cả ba chiếc tàu này trước đó đã ghé thăm Vịnh Subic của Philippines ngày 3/4.
Việt Nam cuối cùng đã quyết định không để Oyashio đi vào cảng Cam Ranh, vì theo lời một quan chức Nhật Bản được Nikkei Asian Review trích dẫn nói rằng «tàu ngầm là vấn đề "nhạy cảm" nhất đối với Trung Quốc và Việt Nam đã không muốn làm Bắc Kinh giận dữ».
Theo Nikkei, để đối phó với Trung Quốc, năm 2015 Việt Nam đã tăng cường lực lượng tàu ngầm, triển khai 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga tại căn cứ ở Vịnh Cam Ranh. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi đương chức đã từng tuyên bố là Vịnh Cam Ranh sẽ không bao giờ được sử dụng cho hợp tác quân sự với bất cứ quốc gia nào và cho tới nay vẫn giữ như vậy. Nhưng trước thực trạng Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông, đặc biệt là xây các đảo nhân tạo ở Trường Sa và triển khai tên lửa ở Hoàng Sa, Việt Nam đang buộc phải xét lại chính sách này.
Cảng Cam Ranh nay được cả hai khu vực dân sự và quân sự sử dụng và được mở cửa đón tiếp chiến hạm của mọi quốc gia. Vào cuối tháng 3/2016, khi bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn thăm Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã tuyên bố Hà Nội sẵn sàng tiếp đón các chiến hạm Trung Quốc đến thăm Vịnh Cam Ranh.
Cảng Quốc tế Cam Ranh đã được mở cửa một phần vào ngày 8/3/2016, mở đường cho chuyến viếng thăm của chiến hạm Nhật Bản. Theo đó, các chiến hạm của hải quân Nhật là những chiếc đầu tiên ghé cảng mới, nhưng vào giữa tháng 3, một chiến hạm của hải quân Singapore đã bất ngờ ghé thăm cảng này, thay vì ghé cảng Đà Nẵng như kế hoạch ban đầu.