ASML kỳ vọng doanh số ổn định tại Trung Quốc bất chấp áp lực từ Hoa Kỳ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giám đốc điều hành Peter Wennink kỳ vọng doanh số ổn định tại Trung Quốc trong năm 2023 bất chấp sức ép từ phía Hoa Kỳ nhằm hạn chế xuất khẩu thiết bị công nghệ cao cho Trung Quốc.
Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP

Giám đốc điều hành Peter Wennink cho biết xuất khẩu của ASML Holding sang Trung Quốc đại lục có thể vẫn sẽ ổn định vào năm 2023 bất chấp các cuộc đàm phán giữa chính phủ Hoa Kỳ và Hà Lan đang diễn ra về những hạn chế mới đối với hoạt động bán hàng của công ty sang quốc gia tỉ dân này.

ASML, công ty thống trị thị trường in thạch bản, thiết bị quan trọng trong quá trình sản xuất chất bán dẫn, đã bị hạn chế bán các máy cực tím (EUV) tiên tiến nhất của mình cho khách hàng Trung Quốc vào năm 2019 sau áp lực của Hoa Kỳ, do lo ngại chúng có thể được sử dụng để sản xuất chip có ứng dụng quân sự.

Được biết, công ty vẫn gửi các máy tia cực tím sâu (DUV) cũ hơn đến Trung Quốc, mặc dù những máy này hiện đang là trọng tâm của các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Hà Lan. Tổng doanh thu từ hoạt động bán máy DUV cho Trung Quốc vào khoảng 2,16 tỉ euro (2,35 tỉ USD), tương đương 14% tổng doanh thu, vào năm ngoái, giảm nhẹ so với 2,17 tỉ euro vào năm 2021.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters sau báo cáo thu nhập quý IV của công ty, Wennink cho biết ông dự kiến doanh số bán hàng sang Trung Quốc sẽ “tương đương” năm 2022, đồng thời cho biết thêm rằng các đơn đặt hàng từ công ty Trung Quốc chiếm khoảng 15% trong tổng số 40 tỉ euro đơn đặt hàng tồn đọng của công ty.

Wennink cho biết các máy EUV chiếm 50% doanh số bán hàng của ASML, đồng thời lưu ý rằng các công ty cùng ngành tại Mỹ như Lam Research và Applied Materials đã không áp đặt các hạn chế tương tự đối với việc bán hàng của chính họ sang Trung Quốc cho đến khi Washington công bố các biện pháp mới vào tháng 10 năm ngoái để cản trở khả năng sản xuất chip của Bắc Kinh.

Sau cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào tuần trước, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã báo hiệu rằng Hà Lan sẽ hợp tác cùng Hoa Kỳ áp dụng các chính sách hạn chế mới theo thỏa thuận đối với việc xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trung Quốc là nước tiêu thụ chip máy tính lớn nhất thế giới và ông Wennink cho biết tác động của các hạn chế từ Hoa Kỳ đã thúc đẩy quốc gia này tập trung phát triển khả năng tự sản xuất chip, mặc dù hiện tại quốc gia này chỉ có thể tạo ra những con chip kém phức tạp.

Wennink cho biết rằng khách hàng Trung Quốc đang đầu tư vào những con chip có tiến trình từ 20 nanomet trở lên - đây là công nghệ bán dẫn được coi là tiên tiến vào năm 2014".

Theo SCMP