Theo TS Dương Kỳ Đức – nguyên Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, khi chưa có công nghệ thông tin thì công tác xây dựng từ điển của các nhà ngôn ngữ là một công việc rất vất vả. Nếu như bớt đi một từ thì đó là việc đơn giản. Nhưng thêm vào một nhóm từ mới thì mọi việc là không đơn giản vì mọi việc phải đảm bảo đúng thứ tự sắp xếp theo bảng chữ cái. Vì thế, khi ứng dụng công nghệ thông tin thì mọi việc trở nên đơn giản hơn rất nhiều và mọi sự thay đổi, thêm bớt từ ngữ đều không còn là vấn đề phức tạp.
Tuy nhiên, sự hiện diện của công nghệ thông tin chắc chắn với công việc làm từ điển chắc chắn không chỉ dừng lại ở đó mà thậm chí còn phải có vai trờ lớn hơn. Riêng với các Bách khoa Toàn thư, hẳn rằng không ít người rất ngại phải sử dụng những pho sách khổng lồ. Và mong muốn của họ là có thể tra cứu các thông tin cần thiết từ đó trên các đĩa CD-ROM. Khi đó, tương ứng với một danh từ riêng nào đó, ngoài phần giải thích bằng từ ngữ, người dùng còn có thể xem các đoạn video với đầy đủ hình ảnh và âm thanh hấp dẫn…
Chính vì thế, công nghệ thông tin chắc chắn đóng một vai trò rất to lớn trong việc xây dựng bộ Bách khoa Toàn thư Việt Nam. Ban Chủ nhiệm Đề án cần tập trung tin học hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, sớm triển khai các phần mềm phục vụ cho công việc của Đề án, tạo công cụ giúp cộng đồng xã hội có thể tham gia đóng góp. Tin rằng, với bộ khung đó của Đề án mà công nghệ thông tin là công cụ chính, một bộ Bách khoa Toàn thư Việt Nam sẽ sớm ra đời với đầy đủ thông tin cả bằng hình ảnh và âm thanh hấp dẫn trên CD-ROM bên cạnh hình thức ấn bản truyền thống.