Anh, Italy, Nhật Bản hợp tác phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 6

VietTimes – Theo tin từ Defense News, Anh, Italy và Nhật Bản trong một tuyên bố chung cho biết, ba quốc gia sẽ hợp tác phát triển một máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu trong Chương trình Không quân Chiến đấu Toàn cầu (GCAP).
Đồ họa máy bay chiến đấu thế hệ 6 chương trình GCAP. Ảnh E&T

Chương trình quốc tế Không quân Chiến đấu Toàn cầu (GCAP) nhằm mục đích phát triển máy bay chiến đấu tùy chọn có người lái và không người lái với cảm biến tiên tiến, vũ khí tiên tiến và hệ thống dữ liệu sáng tạo.

Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak đã có chuyến thăm một căn cứ không quân Anh (RAF) ngày 9/12 để khởi động giai đoạn quan trọng đầu tiên của chương trình nhằm phát triển thế hệ máy bay chiến đấu tiếp theo với sự hợp tác của Italy và Nhật Bản.

Phố Downing đang hy vọng rằng các máy bay phản lực, được gọi là Tempest ở Anh, sẽ cất cánh vào năm 2035 và đóng vai trò kế thừa các máy máy Typhoon của RAF.

Thủ tướng Sunak cho biết, bằng phương pháp ứng dụng những công nghệ mới nhất như các loại cảm biến tiên tiến, hệ thống dữ liệu sáng tạo, những máy bay của tương lai được phát triển nhằm đảm bảo Vương quốc Anh và các đồng minh “vượt xa và vượt trội hơn những kẻ tìm cách gây thiệt hại cho chúng ta”.

Đồ họa máy bay chiến đấu thế hệ 6 bay trên tòa nhà Quốc hội Anh. Ảnh E&T

Chương trình sẽ được xây dựng trên cơ sở những tiến bộ công nghệ đạt được ở của các doanh nghiệp quốc phòng BAE Systems, Leonardo UK, MBDA UK, Rolls-Royce và Bộ Quốc phòng Anh, đã hợp tác từ năm 2018 với tư cách là các thành viên Nhóm Tempest để nghiên cứu, đánh giá và phát triển những khả năng tiên tiến của hệ thống không quân chiến đấu trong tương lai thế hệ tiếp theo.

Bản chất sự hợp tác của dự án cũng nhằm mục đích đảm bảo RAF có thể tương tác với các đối tác thân cận nhất của Anh, cũng như các máy bay chiến đấu của các quốc gia NATO khác.

“An ninh của Anh, hiện nay và các thế hệ tương lai luôn có tầm quan trọng hàng đầu đối với chính phủ,” thủ tướng Sunak phát biểu trong chuyến thăm căn cứ Coningsby của RAF ở Lincolnshire. “Đó là lý do tại sao chúng ta cần đi đầu trong trong lĩnh vực phát triển công nghệ quốc phòng.”

“Mối quan hệ đối tác quốc tế mà chúng tôi đã công bố hôm nay với Italy và Nhật Bản nhằm mục đích thực hiện mục tiêu đó, an ninh của các khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương liên kết chặt chẽ không thể tách rời.

“Thế hệ máy bay chiến đấu tiếp theo mà chúng tôi thiết kế sẽ bảo vệ chúng ta và các đồng minh của chúng ta trên toàn thế giới, khai thác sức mạnh ngành công nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới của chúng ta. Ngoài ra, chương trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 không chỉ bảo vệ chúng ta mà còn tạo việc làm cho nhiều người.”

Theo tuyên bố chung của 3 chính phủ, cơ sở liên kết phối hợp công nghiệp quốc phòng sẽ được "tăng cường hơn nữa" nhờ GCAP, tăng cường hợp tác quốc phòng, hợp tác khoa học và công nghệ, tích hợp chuỗi cung ứng và những lĩnh vực quan trọng khác.

“Điều quan trọng là chương trình sẽ hỗ trợ tăng cường sức mạnh bảo vệ chủ quyền của cả ba quốc gia trong nỗ lực thiết kế, cung cấp và phát triển năng lực không quân chiến đấu tiên tiến trong tương lai,” tuyên bố cho biết.

Đồ họa máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo. Ảnh E&T

Anh, Italy và Nhật Bản sẽ làm việc tích cực để hình thành khái niệm nền tảng cốt lõi và thiết lập những cấu trúc cần thiết nhằm hiện thực hóa dự án quốc phòng có ý nghĩa to lớn này, sẵn sàng khởi động giai đoạn phát triển tiếp theo vào năm 2025.

Trước giai đoạn phát triển, các đối tác cũng sẽ thống nhất những thỏa thuận chia sẻ chi phí dựa trên đánh giá chung về tổng vốn đầu tư và ngân sách quốc gia.

Máy bay tiêm kích tàng hình đa nhiệm mới, sẽ thay thế các máy bay chiến đấu Typhoon, dự kiến ​​có tốc độ siêu âm và khả năng sử dụng vũ khí siêu thanh trong tương lai. Máy bay sẽ là một phương tiện chiến đấu sử dụng Trí tuệ Nhân tạo, chế độ bay tùy chọn có người lái và không có người lái, có khả năng bay và chỉ huy một phi đội máy bay không người lái (UAV) chiến đấu với các nhiệm vụ khác nhau.

Phát biểu sau thông báo này, bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace cho biết: “Sự hợp tác quốc tế với Italy và Nhật Bản để thiết kế và chế tạo thế hệ máy bay chiến đấu tiếp theo thể hiện sự hợp tác cao nhất trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng tiên tiến và chuyên môn kỹ thuật, được chia sẻ giữa các quốc gia đồng minh, cung cấp những kỹ năng cao trong toàn ngành, an ninh lâu dài cho nước Anh và các đồng minh của chúng ta.”

Đồ họa máy bay chiến đấu thế hệ 6 trên Đấu trường La Mã. Ảnh PA Media

John Healey, thư ký Nội các bóng tối của Labour cho biết đảng của ông ủng hộ mối quan hệ đối tác này.

Ông nói: “Các bộ trưởng phải làm rõ sự hợp tác này phù hợp thế nào với những kế hoạch rộng lớn hơn cho tương lai của RAF, bao gồm cả giải pháp giải quyết sự chậm trễ trong đào tạo phi công máy bay phản lực tốc độ cao và số lượng máy bay chiến đấu F-35 dự định mua”.

Chương trình CGAP là một phản ứng đối với sự lo lắng của các nhà lãnh đạo quân sự, cho rằng quyền lực thống trị trên không của Anh đang bị đe dọa.

Sự hợp tác được thiết lập để hợp nhất các dự án hệ thống không quân chiến đấu (FCAS) trong tương lai của Anh và Italy với chương trình FX của Nhật Bản. Trong tương lai, các bộ trưởng quốc phòng 3 nước hy vọng rằng, các quốc gia khác có thể đặt hàng GCAP.

Năm 2021, một báo cáo của tổ chức phát triển chính sách và sáng kiến PricewaterhouseCoopers (PwC) đề xuất Anh đóng vai trò cốt lõi trong chương trình quốc tế phát triển hệ thống phòng không chiến đấu có thể cung cấp trung bình 21,000 việc làm mỗi năm, đóng góp ước tính 26,2 tỉ bảng Anh cho nền kinh tế vào năm 2050.

Đầu năm nay, Bộ Quốc phòng Anh thông báo, nguyên mẫu máy bay chiến đấu trình diễn trên không đầu tiên thế hệ mới, được thiết kế và phát triển ở Anh sẽ cất cánh vào năm 2035 trong khuôn khổ của chương trình Tempest.

Theo E&T