Anh điều tra, có thể bỏ tù 200 học giả vì giúp Trung Quốc phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chính phủ Anh đang điều tra 200 học giả đã giúp Trung Quốc phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, vi phạm luật xuất khẩu cấm chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ nhạy cảm cho các nước thù địch.
Nhiều học giả và các trường đại học Anh bị điều tra vì làm ăn với Tập đoàn vũ khí CNCG của Trung Quốc (Ảnh: Sina).
Nhiều học giả và các trường đại học Anh bị điều tra vì làm ăn với Tập đoàn vũ khí CNCG của Trung Quốc (Ảnh: Sina).

Trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 8/2 đưa tin, một nguồn thông thạo với vấn đề này tiết lộ với The Times rằng chính phủ đang chuẩn bị đưa ra thông báo cưỡng chế đối với khoảng 200 công dân làm việc trong hàng chục trường đại học ở Anh. Họ bị tình nghi chuyển giao cho Trung Quốc kết quả nghiên cứu công nghệ quân sự hàng đầu thế giới, bao gồm máy bay, thiết kế tên lửa và vũ khí tác chiến mạng. Các cơ quan an ninh lo ngại quyền sở hữu trí tuệ của Anh sẽ rơi vào tay chính phủ Trung Quốc để giúp Bắc Kinh phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, và lo ngại rằng các công nghệ liên quan sẽ được sử dụng để trấn áp những người chống đối ​​và dân tộc thiểu số, như người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Theo bản tin của The Times, hàng chục học giả sẽ sớm bị đưa ra tòa, nếu chỉ 10% bị truy tố thành công cũng có khoảng 20 học giả sẽ phải ngồi tù vì giúp Trung Quốc chế tạo siêu vũ khí. Người phát ngôn của chính phủ Anh cho biết, theo “Lệnh quản chế xuất khẩu 2008”, việc xuất khẩu vật phẩm quân sự và tham gia vào việc chuyển giao công nghệ quân sự cần phải có giấy phép chuyển giao và xuất khẩu của chính phủ Anh. Nếu bị định tội, họ phải đối mặt với mức án 10 năm tù.

Trang Al Jazeera cùng ngày 8/2 cũng trích dẫn bản tin của The Times cho biết 200 học giả Anh đã bị điều tra vì liên quan đến nghiên cứu của Trung Quốc. Theo đó, gần 200 học giả người Anh từ hơn 12 trường đại học đang bị điều tra vì cáo buộc vô tình giúp chính quyền Trung Quốc chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Dongfeng-17, vũ khí siêu thanh công nghệ cao Trung Quốc mới trình làng dịp 1/10/2019 (Ảnh: Tân Hoa xã).

Dongfeng-17, vũ khí siêu thanh công nghệ cao Trung Quốc mới trình làng dịp 1/10/2019 (Ảnh: Tân Hoa xã).

Trích dẫn các nguồn giấu tên, The Times nói rằng các học giả này bị nghi ngờ vô tình vi phạm luật xuất khẩu được thiết kế để ngăn chặn quyền sở hữu trí tuệ trên các đối tượng nhạy cảm cao được chuyển giao cho các nước thù địch.

Theo The Times, chính phủ đang chuẩn bị đưa ra thông báo cưỡng chế đối với các học giả bị nghi ngờ chuyển giao công nghệ quân sự tiên tiến như máy bay, thiết kế tên lửa và vũ khí mạng cho Trung Quốc.

“Chúng ta có thể thấy hàng chục học giả sẽ sớm ra tòa”, một nhân sĩ thạo tin nói với The Times. “Dù chỉ có 10% số người bị truy tố thành công, chúng ta sẽ thấy khoảng 20 học giả phải vào tù vì giúp Trung Quốc chế tạo siêu vũ khí”.

Người phát ngôn của chính phủ Anh nhấn mạnh với The Times rằng “các nhà xuất khẩu các sản phẩm quân sự và các nhà xuất khẩu tham gia vào việc chuyển giao công nghệ quân sự cụ thể theo quy định trong Lệnh kiểm soát xuất khẩu năm 2008 cần phải có giấy phép xuất khẩu hoặc chuyển giao từ Vương quốc Anh.

Theo The Times, đồng thời, một báo cáo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Xã hội Dân cư (Civitas), một tổ chức tư vấn tư nhân có trụ sở tại London, cho biết rằng 20 trường đại học Anh đã có giao dịch với 29 trường đại học và 9 công ty liên quan đến quân đội Trung Quốc, trong đó có Tập đoàn vũ khí Trung Quốc China North Industries Group Corporation Limited (CNGC).

Đại học Manchester phải chấm dứt một dự án nghiên cứu với Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC) (Ảnh: Sina).

Đại học Manchester phải chấm dứt một dự án nghiên cứu với Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC) (Ảnh: Sina).

The Times nói rằng tác giả chính của cuộc điều tra và là cựu quan chức Bộ Tài chính, ông Radomir Tylecote, bày tỏ lo ngại rằng các nghiên cứu được Trung Quốc tài trợ có thể "vô tình có một mục đích kép" giúp họ phát triển khả năng quân sự. Ông nhấn mạnh, khi Bắc Kinh tìm cách phát triển tên lửa siêu thanh có thể xảy ra những vấn đề trong việc nghiên cứu công nghệ siêu thanh, cũng như nghiên cứu graphene, thứ vật liệu đang bắt đầu được sử dụng trong các máy bay trực thăng bọc thép của Trung Quốc.

Bài báo của The Times dẫn lời ông Radomir Tylecote nói rằng những việc làm này sẽ giúp “nâng cao danh tiếng và hoạt động kinh doanh chung của các trường đại học và các tập đoàn có liên hệ với quân đội Trung Quốc”.

Vào năm 2019, tại cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, quân đội Trung Quốc đã phô diễn Dongfeng-17 (DF-17), một loại tên lửa đạn đạo siêu thanh mới. Loại vũ khí này được cho là có thể công phá mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có mà Mỹ và đồng minh đã triển khai.

Theo Daily Mail, cơ quan an ninh lo ngại rằng những học giả này sẽ làm rò rỉ công nghệ quân sự tiên tiến (như thiết kế tên lửa máy bay và vũ khí mạng) cho Bắc Kinh để giúp họ phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt...vì vậy Bộ Ngoại giao Anh đã biệt phái các sĩ quan tình báo từ MI6 và bắt đầu cuộc điều tra nói trên.

Các trường đại học bị điều tra có thể bao gồm các trường đại học nổi tiếng quốc tế. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Anh đã đồng ý rằng tên của các trường đại học này sẽ tạm thời không được tiết lộ trong cuộc điều tra liên quan đến an ninh quốc gia này.

Các hoạt động bất hợp pháp của các học giả và chuyên gia này có thể là vô ý thức, bởi vì Trung Quốc ăn cắp công nghệ thông qua các con đường tưởng như vô hại như qua các học giả và doanh nghiệp nhà nước dưới chiêu bài trao đổi học thuật.

Tuần trước, Đại học Manchester đã chấm dứt một dự án nghiên cứu với Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (China Electronics Technology Corporation, CETC) vì một ủy ban của Quốc hội Anh bày tỏ lo ngại rằng công nghệ của công ty nhà nước Trung Quốc này đang được sử dụng chống lại người Duy Ngô Nhĩ.

Đại học Manchester tuyên bố rằng chỉ đến khi nhận được thư từ Ủy ban chuyên trách Đối ngoại Anh, trường đại học này mới hiểu được vai trò của công ty CETC trong cuộc đàn áp người dân Tân Cương.

Sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng báo động về mối đe dọa của Trung Quốc, nhiều cơ quan tư vấn và tổ chức nghiên cứu phương Tây đã nhiều lần cảnh báo chính phủ nên cẩn thận với việc Trung Quốc đánh cắp thông tin tình báo thông qua cái gọi là hợp tác học thuật.

Trụ sở của cơ quan tình báo Anh MI6 (Ảnh: Apolo).

Trụ sở của cơ quan tình báo Anh MI6 (Ảnh: Apolo).

Ví dụ, Australian Strategic Policy Institute (Viện Chính sách Chiến lược Australia) ngay từ năm 2018 đã báo cáo rằng quân đội Trung Quốc trong 10 năm qua đã cử 2.500 nhà khoa học, nhà nghiên cứu và kỹ sư quân sự ra nước ngoài hợp tác với các học giả và nhà khoa học, nhất là các nước trong Liên minh tình báo Ngũ nhãn (Five Eyes). Báo cáo cảnh báo “Trung Quốc không phải là đồng minh ... Chúng ta không nên giúp các nhà khoa học của họ đạt được lợi thế quân sự để cải thiện công nghệ quân sự của họ".

Tờ Sunday Mail cho biết, một báo cáo điều tra độc lập sẽ được công bố vào ngày 8/2 theo giờ địa phương sẽ tiết lộ sự hợp tác giữa các trường đại học Anh và các trung tâm học thuật ở Trung Quốc đã đạt đến mức độ kinh hoàng như thế nào, nhiều trung tâm học thuật của Trung Quốc đều có liên hệ sâu sắc với quân đội Trung Quốc.

Những hành động nêu trên được coi là một tín hiệu cho thấy người Anh đang tăng cường cuộc chiến chống lại Trung Quốc.