Trước đó, kết quả cuộc thăm dò dư luận công bố hôm 7/1 cho thấy đa số người Anh bỏ phiếu ủng hộ nước này rời khỏi EU.
Phát biểu trên BBC, Thủ tướng Cameron nêu rõ người dân Anh sẽ đưa ra quyết định và chính phủ sẽ phải tuân theo dù đó là quyết định gì. Tuy nhiên, thủ lĩnh đảng Bảo thủ cho rằng ông không nghĩ việc rời khỏi EU là quyết định đúng đắn nếu chính phủ đạt được những cải cách trong quan hệ giữa London với Brussels.
Khi được hỏi liệu Anh có các kế hoạch đối phó với trường hợp có thể rời khỏi EU hay không, Thủ tướng Cameron cho biết chính phủ dự định tiến hành thương lượng lại và trưng cầu ý dân.
Thủ tướng Anh bày tỏ tin tưởng sẽ thương lượng lại thành công về mối quan hệ giữa Anh với EU, đồng thời kỳ vọng đạt được thỏa thuận cải cách EU tại Hội nghị thượng đỉnh toàn khối diễn ra vào tháng Hai tới.
Theo kế hoạch, một cuộc trưng cầu dân ý về việc đi hay ở của Xứ sở Sương mù có thể được tổ chức bốn tháng sau khi đạt được thỏa thuận trên. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh lưu ý, nếu các yêu cầu của Anh không nhận được sự ủng hộ tại hội nghị vào tháng Hai, cuộc trưng cầu ý dân có thể sẽ được tổ chức vào tháng Chín tới hoặc sau đó.
Trước đó, ngày 7/1, Thủ tướng Anh đã tới Đức và Hungary nhằm thảo luận về các đề xuất cải cách của mình, trong đó có yêu cầu lao động nhập cư không được hưởng phúc lợi xã hội trong 4 năm đầu vào quốc gia thuộc EU, đang gây nhiều tranh cãi.
Tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng Cameron đã gửi tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk bản kiến nghị cải cách EU gồm 4 điểm để tạo tiền đề cho hai bên bắt đầu cuộc đàm phán.
Trong số 4 điểm này, vấn đề gây phản ứng nhiều nhất, đặc biệt là từ các nước thành viên mới của EU, là hạn chế lao động nhập cư tiếp cận phúc lợi xã hội.
London muốn đạt được một thỏa thuận mới với EU dựa trên những kiến nghị cải cách này trước khi cử tri Anh sẽ tham gia cuộc trưng cầu ý dân dự kiến trước cuối năm 2017 để quyết định có tiếp tục là thành viên EU nữa hay không./.
Theo TTXVN