Tờ The Economic Times dẫn nguồn tin cho biết, cơ quan quản lý Ấn Độ đã từ chối đề xuất của hãng sản xuất xe hơi hàng đầu Trung Quốc BYD Auto về việc hợp tác với Công ty Kỹ thuật Megha ở Hyderabad để xây dựng một nhà máy liên doanh ở nước này với lý do an ninh quốc gia.
Theo đó, trong kế hoạch trình lên chính phủ Ấn Độ, BYD và Megha đã đề xuất kế hoạch sản xuất 10.000 đến 15.000 xe điện mỗi năm, Megha sẽ cung cấp vốn, trong khi công nghệ cốt lõi sẽ đến từ BYD. The Economic Times dẫn lời một quan chức Ấn Độ cho biết: “Trong quá trình thảo luận xem xét, những lo ngại về an ninh đối với đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ đã được nêu ra”.
Được biết, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Xúc tiến Thương mại Nội địa (DPIIT) của Ấn Độ đã tiến hành lấy ý kiến của các cơ quan khác về dự án liên doanh mà BYD đề xuất.
BYD cho biết họ đặt mục tiêu chiếm lĩnh 40% thị trường xe ô tô điện (EV) của Ấn Độ vào năm 2030. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các quy định về đầu tư ở Ấn Độ ngày càng trở nên nghiêm ngặt. Kể từ năm 2020, Ấn Độ đã tăng cường rà soát đầu tư của các công ty đến từ các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc, khiến hãng xe Trường Thành (Great Wall Motors) phải gác lại kế hoạch đầu tư 1 tỉ USD vào thị trường Ấn Độ; đồng thời thương hiệu xe Morris Garages (MG) thuộc Tập đoàn xe hơi Thượng Hải (SAIC) bắt đầu tìm kiếm đối tác kinh doanh khác tại Ấn Độ.
Quá trình chuyển đổi sang xe điện của Ấn Độ hiện đang tụt hậu so với các quốc gia khác như Trung Quốc và Mỹ do giá thành cao và thiếu cơ sở hạ tầng sạc điện.
Theo trang tin Guancha của Trung Quốc ngày 23/7, BYD và Megha, một tập đoàn doanh nghiệp tư nhân khổng lồ của Ấn Độ có trụ sở chính tại thành phố Hyderabad, miền nam Ấn Độ, trước đó đã nộp đơn lên DPIIT, đề xuất thành lập một nhà máy liên doanh tại Hyderabad để hợp tác sản xuất xe ô tô điện (EV) và pin.
Một trong những quan chức hiểu vấn đề này tiết lộ với The Economic Times rằng trong thời gian xem xét, một số quan chức Ấn Độ đã nêu "mối quan ngại về an ninh của đầu tư Trung Quốc vào Ấn Độ". “Các quy tắc hiện hành ở Ấn Độ không cho phép những khoản đầu tư như vậy”, một quan chức khác quen thuộc với vấn đề này cho biết.
The Economic Times chỉ ra rằng vào tháng 4/2020, chính phủ Ấn Độ đã thay đổi chính sách đầu tư trực tiếp của nước ngoài, yêu cầu đầu tư vào Ấn Độ từ các quốc gia có chung biên giới với Ấn Độ phải được chính phủ chấp thuận. "Mặc dù chính sách không đề cập đến bất kỳ quốc gia cụ thể nào, nhưng mục đích là để ngăn chặn các công ty Trung Quốc mua lại các thực thể của Ấn Độ sau đại dịch COVID-19".
Ngoài ra, The Economic Times đưa tin, trước đây có tin cho rằng "một số công ty ô tô Trung Quốc đã thuê các đối tác đại lý Ấn Độ làm vỏ bọc, nhưng trên thực tế không có ý định chuyển năng lực sản xuất chiến lược lâu dài sang Ấn Độ". Vì vậy, DPIIT đã tiến hành rà soát các công ty ô tô Trung Quốc có quan hệ với các công ty Ấn Độ.
Theo Reuters, kế hoạch dài hạn của BYD tại Ấn Độ là sản xuất đầy đủ các mẫu xe từ hatchback đến xe hạng sang tại và nâng sản lượng hàng năm của các nhà máy ở Ấn Độ lên 100.000 xe trong vài năm tới. Các cơ quan truyền thông Ấn Độ vào thời điểm đó đã cho rằng nếu tin tức này là sự thật thì đây sẽ là nhà máy thứ hai của BYD tại Ấn Độ.
Một nguồn thạo tin nói với Reuters rằng, trong quá trình xây dựng chuỗi cung ứng của mình, BYD rất có thể sẽ vận chuyển các bộ phận ô tô sang Ấn Độ để lắp ráp trước. Kế hoạch đầu tư của BYD còn bao gồm việc cùng với Megha xây dựng các trạm sạc, trung tâm R&D và cơ sở đào tạo ở Ấn Độ.
Theo các báo, BYD hiện đang hoạt động tại thị trường Ấn Độ, cung cấp hai mẫu xe chạy hoàn toàn bằng điện là Atto 3 và e6, đồng thời có kế hoạch ra mắt mẫu xe điện "Seal" tại thị trường Ấn Độ vào cuối năm nay. Vào tháng 10 năm ngoái, BYD đã ra mắt xe điện Atto 3 tại Ấn Độ, chính thức gia nhập thị trường xe du lịch Ấn Độ. Trước đó, gã khổng lồ xe năng lượng mới này của Trung Quốc đã bán xe buýt điện và xe du lịch chạy điện cho các khách hàng doanh nghiệp ở Ấn Độ.
Trang tin Guancha viết, trong những năm gần đây, chính phủ Ấn Độ đã liên tục tăng các rào cản đối với đầu tư và kinh doanh của các công ty Trung Quốc tại Ấn Độ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đây đã chỉ ra rằng chính phủ Trung Quốc luôn yêu cầu các công ty Trung Quốc phải thực hiện hợp tác với nước ngoài trên cơ sở tuân thủ các quy tắc quốc tế cũng như luật pháp và quy định của địa phương, nhấn mạnh chính phủ Ấn Độ cần có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư quốc tế, bao gồm cả các công ty Trung Quốc căn cứ theo nguyên tắc thị trường.
Theo Economic Times, Guancha, Ifeng