>> Bài 3: Những hệ lụy khôn lường khi Trump bị luận tội
>> Kỳ 2: Cuộc chiến luận tội Trump và những điều chưa từng có tiền lệ
>> Những gì bạn cần biết về cuộc chiến luận tội Trump
Thứ Tư vừa qua, Đảng Dân chủ đã tổ chức vòng tranh luận thứ bảy tại Des Moines, bang Iowa, một phần trong tiến trình kéo dài cả năm trời để chọn ra một ứng viên tranh cử Tổng thống với Donald Trump vào tháng 11/2020 này.
Sáu ứng viên đã tranh luận trong vòng ba giờ một cách uể oải và không mấy nhiệt tình, cho dù người điều phối tranh luận đã cố gắng khơi gợi cảm hứng. Khán giả Dân chủ không hoan nghênh màn biểu diễn lần này.
Bốn ứng viên đang nổi lên hàng đầu với cơ hội được lựa chọn để làm người quyết đấu với Trump. Hai ứng viên còn lại, cùng với 12 ứng viên không đủ điều kiện tham gia tranh luận, trên thực tế, đã bị loại khỏi cuộc đua.
Toàn cảnh vòng tranh luận giữa các ứng viên Đảng Dân chủ tại Iowa
|
Cuộc tranh luận đưa ra những lựa chọn rõ ràng cho cử tri: Tầm nhìn của Đảng Dân chủ đối với nước Mỹ hoàn toàn đối lập với tầm nhìn của Trump và Đảng Cộng hòa. Trận quyết đấu sắp tới giữa ứng viên Dân chủ và Trump sẽ là một trận đại chiến có ý nghĩa lịch sử.
Một vấn đề khác cũng nổi lên từ cuộc tranh luận: Các ứng viên Dân chủ sợ Trump. Họ đang lo lắng tìm kiếm xem ai là người phù hợp nhất để đánh bại ông ta, thay vì quan tâm đến các quan điểm chính sách và tính cách của ứng viên
Vì sao Iowa lại quan trọng đối với cuộc bầu cử 2020?
Hàng thập kỷ nay, Iowa được xem là nơi đưa ra những chỉ báo cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Đây là bang đầu tiên nơi Đảng Dân chủ sẽ tiến hành cuộc bầu cử sơ bộ để bắt đầu chọn ra ứng viên quyết đấu với Trump vào tháng 11 tới. Lịch sử cho thấy ứng viên thành công trong cuộc bầu cử ở Iowa sẽ có cơ hội giành được đề cử là ứng viên tổng thống chính thức của đảng. Và phần thể hiện tốt ở hai cuộc bầu cử sơ bộ ở New Hampshire và South Carolina có thể mang tính quyết định.
Điều trớ trêu là, Iowa là một bang nhỏ chỉ có khoảng 2 triệu cử tri, và trong số đó chỉ có 170,000 cử tri của Dân chủ. Iowa là bang nông nghiệp nơi cử tri tương đối đồng nhất. Tuy nhiên, đây thường là nơi quyết định đường hướng lãnh đạo của Quốc gia. Các bang khác khá ganh tị với tầm ảnh hưởng của Iowa và muốn thay đổi hệ thống bầu cử sơ bộ theo hướng có lợi cho họ hơn.
Donald Trump đang tranh cử mà không có đối thủ, và sẽ không có cuộc bầu cử sơ bộ của Cộng hòa ở Iowa. Năm 2016, Trump đã thắng bầu cử sơ bộ ở Iowa với tỉ lệ 51.1% phiếu bầu.
Iowa sẽ tổ chức bầu cử sơ bộ vào ngày 3 tháng 2.
Đảng Dân chủ ngày càng thiên tả
Những người Dân chủ ngày càng tả khuynh một cách rõ rệt trong hầu hết các vấn đề chính trị, nhiều người thậm chí còn cổ xúy cho chủ nghĩa xã hội toàn diện, một hiện tượng rất hiếm gặp trong đời sống chính trị Mỹ.
Tùy từng cấp độ, các ứng viên đổ lỗi cho doanh nghiệp, các tập đoàn lớn, và “giới nhà giàu” phải chịu trách nhiệm về các vấn đề mà Mỹ đang gặp phải. Những nhóm này bị xem là tham nhũng, tội phạm, không xứng đáng và tự mãn, đang bóc lột người dân Mỹ một cách bất công, nhất là giới công nhân và thiểu số.
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, một trong những ứng viên hàng đầu hiện nay của Đảng Dân chủ. Bà Warren có cương lĩnh thiên tả.
|
Giải pháp của các ứng viên là chào mời các lợi ích “miễn phí” cho cử tri, như y tế, giáo dục, và nhà trẻ. Họ cũng ủng hộ các chính sách như “biên giới mở” cho người nhập cư bất hợp pháp, trao thêm quyền cho công đoàn, chính sách công nghiệp do nhà nước dẫn dắt, phản đối các hiệp ước thương mại…Biến đổi khí hậu cũng là một vấn đề được ưa chuộng.
Các ứng viên sẽ tài trợ cho các chính sách của họ bằng cách đánh thuế lên giới nhà giàu, các doanh nghiệp và tập đoàn lớn. Áp thuế thu nhập và thuế tài sản là mục tiêu của họ.
Những người Dân chủ cũng tìm cách tái phân phối của cải một cách toàn diện, được hậu thuẫn bởi sự chuyển giao quyền lực từ các cá nhân trong khu vực tư sang các quan chức chính quyền.
Các ứng viên lập luận rằng người dân Mỹ đang bị tổn thương về kinh tế, trừ giới nhà giàu. Dân chủ có cái nhìn rất bi quan về Mỹ.
Trong khi đó, Trump thể hiện một sự đối lập sâu sắc trong tầm nhìn lạc quan của ông ta. Mỹ có tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất trong lịch sử và lương thực tế của mọi người đang tăng lên. Giới doanh nghiệp ghi nhận mức lợi nhuận kỉ lục, nhờ đó dẫn tới doanh thu thuế và dòng tiền đưa vào chứng khoán, các quỹ hưu trí và đầu tư cũng tăng ở mức kỉ lục.
Phe Dân chủ không có câu trả lời nào cho việc này.
Cuộc bầu cử tháng 11 sẽ cho thấy liệu cử tri ủng hộ sự lạc quan của Trump hay sự bi quan của Dân chủ.
Một vấn đề mà cả Dân chủ lẫn Trump đều không giải quyết được là sự thâm hụt ngân sách và nợ công nghiêm trọng, ngày một tăng nhanh trong những năm qua. Năm vừa rồi, mức thâm hụt ngân sách liên bang đạt 1.2 nghìn tỉ $ và nợ quốc gia tăng vọt lên 23 nghìn tỉ $.
Điều này có thể khiến cả Cộng hòa và Dân chủ gặp khó trong việc thực thi các lời hứa với cử tri.
Không ứng viên nào thực sự nổi bật
Không có ứng viên nào thực sự dẫn đầu trong vòng tranh luận vừa rồi. Các ứng viên phải đối mặt với hai lựa chọn trong cuộc tranh luận: tấn công các đối thủ để phô trương sức mạnh của mình, hoặc tập trung vào các quan điểm chính sách.
Vế đầu quan trọng hơn bởi vì ứng viên chiến thắng sẽ phải đấu với kẻ vận động tranh cử cứng rắn nhất trong lịch sử gần đây: Trump. Họ bắt buộc phải cứng rắn. Nhưng không ai thực sự làm điều này.
Có lẽ các ứng viên đều e ngại sẽ khiến mình mất điểm trong mắt các cử tri tiềm năng mà chiến dịch tranh cử của họ có thể thu hút được.
Nhiệm vụ của phe dân chủ là phải chọn để đề cử một ứng viên trong số này. Quan trọng là, đa số cử tri Iowa vẫn chưa quyết định được sẽ chọn ai. Cả bốn ứng viên dẫn đầu đều “bám đuổi nhau rất sát nút” trong các cuộc thăm dò dư luận ở Iowa.
Trọng tâm các vấn đề đối ngoại
Các ứng viên đề cập đến các vấn đề chính sách đối nội tương đối quen thuộc, vốn đã định hình chiến dịch tranh cử của họ cho đến nay. Không có gì ngạc nhiên về điều này. Nhưng chính sách đối ngoại là một ngoại lệ, có lẽ bởi những rắc rối mà ông Trump đang gặp phải liên quan đến Ukraine, Iraq, Iran, Syria, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.
Tất cả các ứng viên, ngoại trừ Buttigieg, đều ủng hộ việc cắt giảm mạnh ngân sách quốc phòng. Tất cả đều ủng hộ việc rút các lực lượng Mỹ khỏi Trung Đông, ngăn ngừa không cho Iran phát triển vũ khí hạt nhân, và không đàm phán với Bắc Triều Tiên về vũ khí hạt nhân.
Chỉ có mình Biden lập luận rằng phải duy trì các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ ở Trung Đông để ngăn chặn sự trỗi dậy trở lại của Nhà nước Hồi giáo.
Cựu Phó Tổng thống Joe Biden đang được xem là ứng viên có cơ hội tốt nhất để trở thành người quyết đấu cuối cùng với Trump vào tháng 11 này. Ông Biden có quan điểm chính sách trung dung.
|
Tất cả ứng viên dân chủ cùng chia sẻ quan điểm rằng mọi hình thức sử dụng sức mạnh quân sự của Tổng thống đều phải được Quốc hội thông qua. Không một ai ủng hộ việc Tổng thống là người cần phải đưa ra các quyết định liên quan đến chiến tranh. Rắc rối cho phe dân chủ là Hiến pháp Hoa Kỳ cho phép Tổng thống có toàn quyền xử lý các vấn đề liên quan đến chiến tranh: phe Dân chủ đang đi ngược lại hiến pháp chỉ để chống lại ông Trump. Điều thú vị là, ông Obama từng sử dụng quyền tuyên chiến tương tự như ông Trump. Vấn đề đặt ra ở đây là nếu yêu cầu của phe dân chủ được thỏa mãn thì kết cục của việc Tổng thống phải thông qua 535 thành viên quốc hội trước khi có quyền sử dụng vũ lực sẽ chỉ là sự hỗn loạn cực điểm.
Với các chính sách đối ngoại của nước Mỹ mà ông Trump đã lật ngược hoàn toàn sau khi tiếp quản từ người tiền nhiệm, các ứng viên đề xuất giải pháp là quay trở lại các chính sách cũ của ông Obama như “ngoại giao mềm”, “lãnh đạo từ phía sau”, “thỏa hiệp chủ quyền quốc gia” và rút lui khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu đối với các vấn đề đối ngoại, trong đó có việc loại trừ sử dụng sức mạnh quân sự. Trong khi đó, Trump hầu như giữ quan điểm đối lập với Obama. Trump theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trên hết”. Đôi khi, ông ta hành xử như một nhà lãnh đạo, thỉnh thoảng bỏ rơi đồng minh, và những lúc khác thì sẵn sàng sử dụng vũ lực như trong trường hợp với Iran. Trum hầu như không nhất quán. Ông ta luôn hành xử khó đoán.
Nhiều người Mỹ, trong đó có những người Dân chủ, đã bắt đầu băn khoăn liệu những chính sách của Obama có thực sự thành công, nhất là khi nhìn nhận những thảm họa đang diễn ra ở Trung Đông, sự gia tăng quyền lực của Trung Quốc, sự trao quyền cho Nga và tương tự. Tuy nhiên, họ vẫn còn lưu luyến cách tiếp cận của Obama.
Các ứng viên Dân chủ hiện lên trong mắt những người ủng hộ Trump như những kẻ yếu đuối, không sẵn sàng đương đầu trực diện với những thách thức toàn cầu. Trump vẽ chân dung những người Dân chủ như những kẻ thỏa hiệp, chứ không phải là người giải quyết vấn đề.
Lựa chọn đặt ra cho cử tri rất rõ ràng: họ sẽ chọn cách tiếp cận nào.
Không có lời kêu gọi đoàn kết nào
Trong các vòng tranh luận trước, nhiều ứng viên kêu gọi sự đoàn kết không chỉ giữa những người Dân chủ mà còn trong Quốc gia. Phe dân chủ bị chia thành một nhóm là những người muốn trở thành Đảng Xã hội chủ nghĩa và nhóm kia là những người vẫn muốn duy trì đường lối trung dung.
Sự dịch chuyển theo hướng chủ nghĩa xã hội đã khiến Đảng Dân chủ trở thành đảng cổ xúy cho nhập cư, ủng hộ công đoàn, chống thương mại, mang tư tưởng tinh hoa thống lĩnh và tập trung vào các khu vực thành thị nhiều hơn.
Hai ứng viên Pete Buttigieg và Amy Klobuchar trao đổi sau khi kết thúc vòng tranh luận.
|
Ứng viên nào sẽ có khả năng hòa giải chủ nghĩa xã hội với phái trung dung, và ai có thể đoàn kết các phe phái đang cạnh tranh nhau như hiện nay?
Trump, trong khi đó, dường như đang đại diện cho tầng lớp cử tri là công nhân, những người từng là thành trì của Dân chủ. Đây là một vấn đề lớn của các ứng viên Dân chủ.
Tuy nhiên, Dân chủ lại không tiếp cận những người ủng hộ Trump, những người họ cần để đánh bại Trump và Cộng hòa. Trong lúc tâp trung vào việc đánh bại Trump, họ dường như đã khiến mình càng xa rời những người ủng hộ ông Trump nhưng có thể bị xoay chuyển.
Bóng dáng ngày càng hiển hiện của Bloomberg
Michael Bloomberg đang tranh cử tổng thống, nhưng ông không thèm quan tâm đến việc tham gia vào các cuộc tranh luận, hay thậm chí tranh cử ở các cuộc chạy đua bầu cử sơ bộ ở các bang khác.
Bloomberg là một tỉ phú, người giàu thứ 9 nước Mỹ. Ông đang rình rập bên lề cuộc đua tổng thống nhằm tìm kiếm một cơ hội: nếu các ứng viên Dân chủ chùn bước, ông sẽ nhảy vào hành động.
Bloomberg ghét cay ghét đắng Trump không kém gì Steyer. Cho đến nay, Bloomberg đã chi 200 triệu đô cho các quảng cáo công kích Trump. Ông ta muốn trở thành tổng thống, nhưng điều ông ta còn mong muốn hơn nữa là hất cẳng Trump.
Nhiều người Dân chủ ghét Bloomberg: ông ta đang sử dụng của cải để thủ lợi cá nhân. Hãy nhớ rằng các ứng viên Dân chủ đang tiến hành chiến dịch tranh cử chống lại giới nhà giàu.
Sự thiếu vắng của các đại diện thiểu số
Các phương tiện báo chí truyền thông thân Dân chủ, ghét Trump ra mặt và không khoan nhượng gán cho Trump là kẻ phân biệt chủng tộc. Dân chủ cũng dựa vào các cộng đồng thiểu số như một lực lượng ủng hộ quan trọng: 25% là người Mỹ gốc Phi.
Trước cuộc tranh luận, các nhà bình luận nhấn mạnh thực tế rằng không có nhóm thiểu số nào bị bỏ lại trong cuộc tranh luận. Nhưng thực tế thì chỉ có hai phụ nữ, ba ông già ngoài 70 và một người thuộc thế hệ millenia, tất cả đều là da trắng.
Ba cựu ứng viên, Cory Booker, Kamala Harris, và Julien Castro mới rút khỏi cuộc đua gần đây do đạt tỉ lệ thấp trong các cuộc thăm dò cũng như không có đủ ngân sách. Lãnh đạo Đảng Dân chủ, Tom Perez, bản thân là một người thiểu số, không phàn nàn gì về sự vắng mặt của họ. Ông ta nói rằng người dân đã lựa chọn như vậy.
Bernie Sanders và Joe Biden, hai ứng viên đang có cơ hội tốt nhất để trở thành người quyết đấu với Trump tháng 11 này.
|
Một vấn đề gây rắc rối liên quan đến chủng tộc, theo các nhà phê bình, là còn hai ứng viên khác hầu như không được đề cập đến khi thảo thuận về chủ đề này. Andrew Yang là một người Mỹ gốc Đài Loan và Tulsi Gabbard, một người Mỹ gốc Samoa. Những người Dân chủ nên ghi nhận hai ứng viên này như là điểm nhấn, nhưng họ đã không làm vậy.
Mỗi ứng viên đều đề cập đến các nhóm thiểu số một cách hời hợt, thay vì là một trọng tâm trong tranh luận. Có lẽ vì sự vắng mặt của các ứng viên thiểu số trên sân khấu đã khiến họ xao lãng. Điều này không tốt cho phe Dân chủ chút nào.
Biden được thừa hưởng sự ủng hộ của cử tri Mỹ gốc Phi từ Obama. Điều này có ý nghĩa quan trọng.
Việc luận tội Trump có thể có ảnh hưởng quan trọng
Trump đang đối mặt với cuộc đấu vì sinh mệnh chính trị của mình trong vòng vài tuần tới. Các nghị sĩ Dân chủ đã thành công trong việc luận tội ông ta vì những hành xử trong vấn đề Ukraine, và ông ta sẽ bị xét xử ở Thượng viện để quyết định xem Trump có đáng bị phế truất hay không.
Những người ủng hộ Trump và Đảng Cộng hòa coi việc luận tội này thuần túy là một thủ đoạn chính trị nhằm trừ bỏ Trump vì Dân chủ không thể đánh bại Trump trong một cuộc bầu cử công bằng vào tháng 11 tới. Phe Dân chủ sợ Trump.
Điều quan trọng là, Biden và con trai cũng dính líu sâu vào nghi án tham nhũng ở Ukraine và có thể bị cuốn vào quá trình luận tội Trump. Mặc dù chưa được chứng minh, nhưng những cáo buộc chống Biden có thể loại ông ra khỏi cuộc đua tổng thống.
Tùy thuộc vào những diễn biến trong phiên xử tại Thượng viện sắp tới, phe Dân chủ hoặc có thể thành công trong việc phế truất Trump và giành lại chính quyền, hoặc họ có thể bị thiêu rụi khi nỗ lực loại bỏ Trump thất bại. Nền dân chủ Mỹ đang ở ngưỡng quá mong manh.
Dự đoán của tôi
Tôi tin rằng cả Biden và Sanders đều đang có cơ hội tốt nhất để trở thành ứng viên được đề cử của đảng Dân chủ. Nếu đó là cuộc đấu giữa Sanders và Trump, Trump sẽ thắng. Lý do là vì số người theo xã hội chủ nghĩa không đủ đông đảo để giành ưu thế cho Dân chủ.
Nếu đó là cuộc đua giữa Biden và Trump, Biden vẫn có cơ hội. Nhưng Biden cũng có nhiều “gót chân Asin” mà Trump có thể khai thác và về tuổi tác, Biden ít lợi thế hơn Trump.
Do đó, nếu Trump sống sót và đứng vững sau phiên xét xử tại thượng viện, ông ta sẽ rất khó bị đánh bại. Nếu Trump không phải là ứng viên, phe Dân chủ đương nhiên sẽ thắng./.
Vài nét phác thảo về các ứng viên: Bernie Sanders. Sanders là một người theo xã hội chủ nghĩa kiểu cũ công khai và kiên định. Ông không thay đổi các quan điểm chính sách trong suốt hàng thập kỷ, đặc biệt là kể từ khi ông này bị thua trong tay Hillary Clinton năm 2016. Sanders thu hút được những người bất mãn với nước Mỹ, với văn hóa, truyền thống và nền kinh tế của nó. Ông là một diễn giả lớn tiếng, sẵn sàng “đập thẳng vào mặt bạn” để hạ gục đối thủ. Sức hút của Sanders nằm ở sự chân thật của ông ta: những gì bạn thấy là những gì bạn sẽ nhận được. Như thường lệ, Sanders thể hiện khá tốt trong cuộc tranh luận. Nhưng giờ đây, ông đã trở thành một triệu phú nhờ tư cách ứng viên của mình. Joe Biden. Biden là cựu phó tổng thống của Obama (trong 8 năm) và là một thượng nghị sĩ trong hàng chục năm. Biden đã cố gắng chiếm vị trí trung dung hơn bằng cách ẩn nấp sau các quan điểm của Obama, trong khi đồng thời âm thầm dịch chuyển sang phía tả để tranh giành cử tri từ tay Sanders và Warren. Vấn đề của Biden là ông đã ở trong chính quyền quá lâu đến mức những chính sách trong quá khứ của ông hoàn toàn trật nhịp với phe tả trong Đảng Dân chủ. Quá khứ của Biden cho thấy ông giống như một người Cộng hòa trung dung hơn là một người Dân chủ hiện nay. Vì vậy, ông đang tranh cử trong cuộc bầu cử sơ bộ như một người đáng tin cậy, và không phải là một người xã hội chủ nghĩa. Biden đã đứng vững trong cuộc tranh luận vừa rồi, không bị nói vấp như các vòng tranh luận trước kia. Nhưng, Biden giờ đây cũng là một triệu phú. Elizabeth Warren. Warren được xem như một “con tắc kè hoa” trong chính trị. Bà ăn cánh với giới doanh nghiệp và là một thành viên của giới tinh hoa, từng là một giáo sư luật doanh nghiệp của Đại học Harvard. Bà này cũng là một triệu phú. Nhưng bà cố tình khiến người ta lầm tưởng mình là một người lao động, thiểu số, và là nạn nhân của tệ phân biệt đối xử khi là một phụ nữ. Warren đã bị bắt quả tang nói dối nhiều lần: bà tuyên bố rằng bà gửi con cái đến học ở các trường công trong khi thực ra chúng theo học ở các trường tư đắt tiền. Bà tự đánh bóng bản thân như một “người làm chính sách miệt mài”, có một “kế hoạch” để sữa chữa mọi vấn đề. Chí ít, Warren là một người theo chủ nghĩa xã hội như Sanders. Vấn đề của bà này, cũng giống như Sanders, là các chính sách của bà quá đắt đỏ, phi thực tế và không được ủng hộ trong hệ thống Mỹ. Pete Buttigieg. Ứng viên này mới ngoài 30 tuổi, và vì thế thuộc thế hệ “millennial”. Buttigieg là ứng viên có nền tảng giáo dục tốt nhất, có bằng Harvard và là học giả Rhodes của Đại học Oxford. Anh ta là ứng viên duy nhất có kinh nghiệm trong quân đội. Kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực công của Buttigieg cho đến giờ là thị trưởng của một thị trấn nhỏ ở Indiana. Đây là diễn giả sâu sắc nhất và hiệu quả nhất trong tất cả các ứng viên. Buttigieg là một người thiên tả, chứ không phải là xã hội chủ nghĩa. Anh ta đang tụt lại trong các cuộc thăm dò, có thể bởi vì Buttigieg còn quá trẻ để chạy đua chức tổng thống. Amy Klobuchar. Là Thượng nghị sĩ trong 12 năm, Klobuchar là một nhà lập pháp giàu thành tựu, từng đưa ra nhiều đạo luật quan trọng và sâu sắc. Bà cũng rất giỏi trong việc hợp tác với các nhà lập pháp khác, kể cả các thành viên Cộng hòa. Klobuchar có quan điểm chính sách trung dung hơn cả. Bà đang tụt lại trong các cuộc thăm dò và không có được màn biểu diễn đột phá trong các vòng tranh luận. Tom Steyer. Là một tỉ phú, quản lý quỹ đầu tư, Steyer ra tranh cử như một nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu, giống như một ứng viên Đảng Xanh. Ông cũng ghét Trump. Ông ta đã đầu tư hàng triệu đô vào các quảng cáo kêu gọi luận tội Trump, kể từ đầu năm 2017 khi Trump vừa mới nhậm chức. Các quan điểm chính sách của ông ta theo kiểu “Tôi đồng ý với các ứng viên khác.” Steyer mua chỗ đứng của mình trên sân khấu cuộc tranh luận nhờ đã bỏ ra 100 triệu đô từ tiền túi. Ông ta đại diện cho mọi thứ mà những người Dân chủ căm ghét. |