Luận tội Trump: Hạ viện chuyển điều khoản luận tội cho Thượng viện, chuẩn bị tổ chức phiên xét xử

VietTimes -- Hạ viện Mỹ đã chuyển các điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump tới Thượng viện, nơi sẽ tổ chức phiên tòa xét xử có thể đào bới những chứng cứ mới gây bất lợi cho ông Trump ngay trong lúc mà kỳ bầu cử Tổng thống 2020 đang bước vào giai đoạn cao trào.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ký 2 điều khoản luận tội Trump để chuyển cho Thượng viện (Ảnh: Guardian)
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ký 2 điều khoản luận tội Trump để chuyển cho Thượng viện (Ảnh: Guardian)

Hạ viện đã thông qua một nghị quyết để chuyển 2 điều khoản luận tội Trump tới Thượng viện. Phát biểu trước những đồng nghiệp tại Hạ viện, Chủ tịch Nancy Pelosi một lần nữa cực lực bác bỏ những chỉ trích mà phía đảng Cộng hòa đưa ra, nói rằng bà cố tình trì hoãn việc chuyển các điều khoản luận tội.

“Đừng nói với tôi về vấn đề thời gian của tôi” – bà Pelosi nói. Sau nhiều tháng chống lại những lời kêu gọi “đến từ khắp đất nước” trong việc luận tội ông Trump, bà nói rằng ông Trump cuối cùng “không cho chúng tôi được lựa chọn. Ông ấy không cho chúng tôi một sự lựa chọn nào khác”.

Tổng thống Trump đã bị luận tội trong tháng 12/2019 vì cáo buộc lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội, liên quan tới vụ bê bối ông gây sức ép với lãnh đạo Ukraine để nước này mở cuộc điều tra nhằm vào cựu Phó Tổng thống Joe Biden.

Thủ lĩnh phe đa số của đảng Cộng hòa tại Thượng viện, Mitch McConnell, nói rằng Thượng viện sẽ chuẩn bị các vấn đề liên quan tới tiến trình luận tội trong tuần này và mở các phiên tranh luận công khai trong hôm thứ Ba tuần tới.

“Chúng tôi cam kết sẽ vượt qua tư tưởng bè phái và đem tới công lý cho các thể chế của chúng ta, cho các bang và cho cả đất nước chúng ta” – ông McConnel nói trong bài phát biểu tại Thượng viện.

Sau cuộc bỏ phiếu diễn ra hôm 15/1, bà Pelosi đã ký 2 điều khoản luận tội, được đặt trong nhiều tệp và chuyển chúng từ Hạ viện sang Thượng viện. Ông McConnell tuyên bố những điều khoản này sẽ chính thức được đọc trước Thượng viện vào chiều 16/1. Sau đó, Chánh án Tòa án tối cao John Roberts sẽ tuyên thệ để chủ tọa phiên tòa.

Tiếp theo, các thượng nghị sĩ sẽ tuyên thệ với tư cách là bồi thẩm, Thượng viện gửi trát hầu tòa tới ông Trump và các công tác chuẩn bị sẽ được tiến hành cho một phiên tòa luận tội vào ngày 21/1.

Các điều khoản luận tội được chuyển tới Thượng viện (Ảnh: Guardian)
Các điều khoản luận tội được chuyển tới Thượng viện (Ảnh: Guardian)

Trước đó, bà Pelosi đã công bố một đội công tố gồm 7 thành viên chịu trách nhiệm tố tụng trong phiên tòa tại Thượng viện. Đội này gồm 6 luật sư và được dẫn dắt bởi ông Adam Schiff – Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện – và Jerry Nadler – Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện. Nhóm này cũng bao gồm cả phụ nữ, 2 người Mỹ gốc Phi và 1 gốc Latin – đối lập với đội công tố toàn người da trắng trong các phiên tòa xét xử Tổng thống Andrew Johnson năm 1868 và Bill Clinton năm 199 trước kia.

Ông Trump là vị Tổng thống thứ ba trong lịch sử Mỹ đối diện với phiên xét xử luận tội tại Thượng viện – và có khả năng bị phế truất, dù khả năng này được cho là rất thấp bởi các thành viên đảng Cộng hòa hiện rất đoàn kết trong việc bảo vệ ông.

Phía Nhà Trắng còn đưa ra một tuyên bố nói rằng “Tổng thống Trump không làm điều gì sai” và “sẽ được trắng án”.

Chưa từng có vị Tổng thống Mỹ nào bị phế truất thông qua quá trình luận tội, mặc dù trước đây Tổng thống Richard Nixon đã phải từ chức khi đối diện với viễn cảnh này. Để phết truất ông Trump phải cần có sự đồng thuận của 2/3 số thành viên trong Thượng viện.

Trong lúc chuẩn bị tiếp nhận các điều khoản luận tội, giới lãnh đạo Thượng viện đã đưa ra một số quy định về nghi thức của phiên xét xử. Các quy định này yêu cầu các thượng nghị sĩ có mặt “mọi lúc”, ở vị trí ghế ngồi của họ mỗi khi Chánh án xuất hiện, duy trì sự im lặng trong suốt tiến trình xét xử và không mang theo điện thoại di động hay các thiết bị điện tử.

Tiến trình xét xử dự kiến sẽ kéo dài trong khoảng thời gian ít nhất là 2 tuần lễ, và có thể kéo dài hơn trong trường hợp các bên gọi thêm nhân chứng.