Tuần trước, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của lãnh đạo Chính phủ về việc đồng ý với đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Kiên Giang về việc áp dụng hình thức chỉ định thầu để thực hiện dự án xây dựng cảng hành khách quốc tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Tuy nhiên, văn bản này không cho biết cụ thể là nhà đầu tư nào sẽ được chỉ định thầu theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Kiên Giang.
Theo tìm hiểu của VnEconomy, nhà đầu tư đã đứng ra đề xuất kế hoạch này và được Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Kiên Giang ủng hộ, đưa đề xuất lên Chính phủ là Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển du lịch Phú Quốc, gọi tắt là Công ty Du lịch Phú Quốc.
Cụ thể, cuối tháng 10/2014, công ty đã có tờ trình lên Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Kiên Giang về kế hoạch này. Theo tờ trình, công ty được biết Bộ Giao thông Vận tải và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang đã thống nhất sẽ xây dựng cảng biển hành khách quốc tế Phú Quốc tại thị trấn Dương Đông.
Với mong muốn được đóng góp cho sự phát triền của Phú Quốc, Công ty Du lịch Phú Quốc đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Kiên Giang xem xét cho phép được làm nhà đầu tư bỏ kinh phí thực hiện dự án.
Vẫn theo tờ trình, đây là dự án phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ công có vốn đầu tư lớn (khoảng 1.257 tỷ đồng), có thời gian thu hồi vốn dài, thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) và hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), theo quy định tại Nghị định 108/2009/NĐ-CP Chính phủ, do đó Công ty Du lịch Phú Quốc xin đề xuất được triển khai đầu tư theo phương án kết hợp giữa hình thức BT và hình thức BOT.
Chi tiết hơn, trong dự án này, khoảng 70% tổng kinh phí đầu tư của dự án sẽ được hoàn trả cho nhà đầu tư bằng các dự án khác (hình thức BT), cụ thể là dự án khai thác khoảng 85 ha iện tích đất sân bay cũ tại thị trấn Dương Đông để đầu tư xây dụng khu đô thị mới, dự án tổ hợp du lịch cao cấp trên diện tích khoảng 560 ha tại Bãi Vòng và các dự án có sử dụng đất khác.
Khoảng 30% tổng kinh phí đầu tư còn lại sẽ được nhà đầu tư thu hồi vốn thông qua việc khai thác sau đầu tư của dự án cảng biển theo hình thức BOT.
Ngoài ra, để hạn chế thời gian tính lãi vay, giảm chi phí lãi vay, giảm chi phí bồi hoàn của nhà nước, nhà đầu tư cũng đề xuất được giao triển khai đồng thời cả dự án cảng biển và các dự án khác. Đây là cơ chế mà theo nhà đầu tư là đã được cho phép triển khai đối với nhiều dự án cơ sở hạ tầng được thực hiện theo hình thức hợp đồng BT trong thời gian gần đây.
Công ty Du lịch Phú Quốc cũng tự giới thiệu mình là công ty thành viên của tập đoàn Vingroup, hiện hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, bất động sản cao cấp…
Theo quy hoạch, cảng hành khách quốc tế Phú Quốc có thể tiếp nhận tàu chở 5.000 - 6.000 hành khách, trọng tải 225.000 GT, đồng thời kết hợp khai thác container hàng sạch.
Với thông báo mới nhất của Văn phòng Chính phủ, có thể nói dự án này đã được "bật đèn xanh" để thực hiện sớm trong thời gian tới, trở thành một điểm nhấn quan trọng trong lộ trình xây dựng Phú Quốc thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế của Việt Nam.
Theo Vneconomy