Mới đây, một tài xế Uber tại Hà Nội đã bạo hành với khách hàng của mình. Sự việc này đã khiến dư luận phản ứng gay gắt nhưng đại diện của Uber chỉ lấy làm tiếc về sự việc mà không đưa ra lời xin lỗi với khách hàng nói trên. Thực trạng này đặt ra một câu hỏi là các hãng taxi công nghệ đã và sẽ làm gì để có thể yên tâm về tư cách đạo đức của các tài xế làm việc cho họ.
Khác với các hãng taxi truyền thống có cả một đội ngũ, bộ máy quản lý nhân viên, các hãng taxi công nghệ chỉ có một bộ máy quản lý tinh gọn hết mức. Với đội ngũ tài xế của họ thì chỉ cần nộp hồ sơ cá nhân đầy đủ là được cấp tài khoản để tham gia. Còn với các tài xế thì lý lịch cá nhân do chính quyền địa phương xác nhận thì hoàn toàn chưa thể hiện được điều gì về tư cách đạo đức của họ. Và nếu như có xảy ra sự cố tương đối nghiêm trọng khiến họ bị cắt hợp đồng thì các tài xế đó hoàn toàn có thể đăng ký sang một hãng taxi công nghệ khác và không thể nào biết được chuyện gì sẽ có thể xảy ra sau này.
Trong thị trường vận tải, sự bình đẳng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ luôn là vấn đề được đặt ra. Với taxi truyền thống, các hãng taxi đều có hiệp hội riêng của mình để cùng thống nhất giá cước, tránh cạnh tranh không lành mạnh và đương nhiên là cả về đạo đức nghề nghiệp với đội ngũ tài xế. Còn với taxi công nghệ, sự giảm thiểu bộ máy quản lý và lợi nhuận kinh doanh luôn nổi lên hàng đầu. Hệ lụy khó tránh khỏi của nó chính là không ít vụ việc bạo hành đã xảy ra như sự việc mới đây ở Hà Nội. Nên chăng, trong việc quản lý taxi công nghệ, cơ quan nhà nước cần yêu cầu các hãng taxi công nghệ phải quản lý, kiểm tra đạo đức với đội ngũ tài xế của mình. Và trước các sự việc không hay nếu xảy ra, các hãng taxi công nghệ phải có trách nhiệm xin lỗi, thậm chí phải bồi thường khách hàng thay vì chỉ biết thu tiền và phó mặc mọi việc cho các tài xế.