Aeon chi 4.300 tỉ đồng mua lại PTF, thêm một công ty tài chính Việt về tay người Nhật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Aeon Financial Service – thành viên tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Aeon Group – mua lại 100% vốn của Công ty TNHH MTV Bưu Điện (PTF) từ SeABank.

Aeon chi 4.300 tỉ đồng mua lại PTF, thêm một công ty tài chính Việt về tay người Nhật

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank – Mã CK: SSB) thông báo vừa ký kết hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Tài Chính TNHH MTV Bưu Điện (PTF) cho Aeon Financial Service Co., Ltd (Aeon Financial Service) với giá 4.300 tỉ đồng.

Thành lập vào tháng 10/1998, PTF được biết tới là một trong những tổ chức tín dụng phi ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam. Công ty tài chính này được SeABank mua lại từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vào năm 2018.

"Thời gian qua, PTF đã tập trung xây dựng và cung cấp nhiều loại hình dịch vụ cho vay; tập trung phát triển mạng lưới, mở rộng đối tác kinh doanh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển sản phẩm dịch vụ, số hóa quy trình" - thông cáo của SeABank viết.

PTF hiện có gần 2.000 nhân sự, với quy mô vốn điều lệ 1.550 tỉ đồng. Như vậy, nếu tính theo quy mô vốn điều lệ này, mỗi cổ phần PTF được Aeon Financial Service mua lại với mức giá 27.741,9 đồng.

Theo SeABank, việc chuyển nhượng PTF Service sẽ giúp nhà băng này có thêm nguồn lực để tăng cường năng lực tài chính, mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở các phân khúc trọng tâm.

Sau khi ký kết hợp đồng, hai bên sẽ xin ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền cũng như sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) để hoàn tất giao dịch chuyển nhượng.

Aeon Financial Service là thành viên thuộc mảng tài chính của Aeon. Công ty này bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2008 thông qua việc thành lập Công ty TNHH Thương mại ACS Việt Nam, chuyên cung cấp dịch vụ bán hàng trả góp liên kết với các nhà bán lẻ đối với hàng hóa tiêu dùng lâu bền như máy tính, thiết bị gia đình, nội thất, xe máy.

Như VietTimes từng đề cập, Việt Nam là ‘thị trường quan trọng bậc nhất’ trong chiến lược vươn ra nước ngoài của gã khổng lồ bán lẻ Nhật Bản.

Tham vọng của Aeon có lẽ không chỉ dừng lại ở việc thâu tóm PTF. Đã rót những khoản đầu tư khổng lồ và thể hiện chiến lược mở rộng mạnh mẽ ở Việt Nam, sẽ là không bất ngờ nếu tập đoàn Nhật Bản có những bước tiến xa hơn nữa trên thị trường tài chính Việt, chẳng hạn như việc trở thành cổ đông chiến lược của một ngân hàng thương mại cổ phần có số má.

Hấp lực công ty tài chính

Trước SeABank, nhiều ngân hàng Việt – kể như: VPBank, SHB, Techcombank, MB và HDBank - đã bán vốn công ty tài chính cho nhà đầu tư nước ngoài.

Đơn cử, VPBank đã bán 49% cổ phần FE Credit cho SMBC. Ở thương vụ này, FE Credit được định giá 2,8 tỉ USD, tương ứng với số tiền mà VPBank thu về là gần 32.000 tỉ đồng. Đây cũng là thương vụ bán vốn công ty tài chính có giá trị lớn nhất tại Việt Nam từng được biết đến.

Liên quan đến thương vụ này, trước thềm bán vốn cho SMBC, vào tháng 4/2021, FE Credit đã tăng vốn điều lệ từ 7.328 tỉ đồng lên mức 10.928 tỉ đồng.

Hồi tháng 5/2023, SHB cho biết đã hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ SHBFinance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) – thành viên Tập đoàn MUFG (Nhật Bản).

Dẫn lời trên tờ Nikkei Asia, đại diện Krungsri từng tiết lộ nhà băng này sẽ chi 5,1 tỉ Baht, khoảng 3.500 tỉ đồng cho thương vụ. Dữ liệu của VietTimes cập nhật tới tháng 6/2023 cho thấy, SHBFinance có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, MSB đã công bố kế hoạch bán 100% vốn công ty tài chính FCCOM cho đối tác ngoại. Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào cuối năm 2021, lãnh đạo MSB cho biết thương vụ chuyển nhượng FCCOM có giá trị trên 2.000 tỉ đồng. Ở thời điểm đó, FCCOM có vốn điều lệ 500 tỉ đồng./.