Khởi đầu với trung tâm mua sắm Aeon Mall Tân Phú Celadon (Tp. HCM), từ năm 2014 tới nay, Aeon đã phát triển thêm các trung tâm mua sắm quy mô lớn tại Hà Nội, Hải Phòng và Bình Dương.
Bên cạnh đó, tập đoàn đến từ Nhật Bản cũng tìm kiếm cơ hội đầu tư ở khu vực miền Trung, cụ thể là việc xúc tiến đầu tư các trung tâm thương mại tại Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng.
Ở Thừa Thiên Huế, Công ty TNHH AeonMall Việt Nam (AeonMall Việt Nam) đã được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án “Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế” với tổng vốn đầu tư khoảng 170 triệu USD.
Đáng chú ý, Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế dự kiến sẽ được xây dựng trên khu đất 8,6ha thuộc dự án “Trung tâm thương mại dịch vụ tại Khu A - Đô thị mới An Vân Dương” do CTCP Đầu tư Newland (Newland) làm chủ đầu tư.
Theo tìm hiểu của VietTimes, Newland là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện đáp ứng năng lực, kinh nghiệm của hồ sơ mời quan tâm dự án “Trung tâm thương mại dịch vụ tại Khu A - Đô thị mới An Vân Dương”. Việc phê duyệt kết quả mời quan tâm dự án này được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua vào tháng 7/2021.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, ít tháng trước đó, ngày 5/4/2021, Newland đã ký hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng dự án gắn với quyền sử dụng đất với Aeon Mall Việt Nam. Giá trị hợp đồng được cho biết là 1.284 tỉ đồng.
Nên biết, trong yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm mà UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra, để thực hiện dự án “Trung tâm thương mại dịch vụ tại Khu A - Đô thị mới An Vân Dương”, nhà đầu tư phải đáp ứng tiêu chí có văn bản thoả thuận hoặc hợp đồng với:
“+ Đối tác thuộc Công ty mẹ có chuỗi trung tâm thương mại đang hoạt động ở các nước trên thế giới, đã đầu tư và có kinh nghiệm quản lý vận hành dự án có thương hiệu quốc tế.
+ Đối tác là doanh nghiệp đã đăng ký và có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, trong đó, tối thiểu có 01 dự án có tổng vốn đầu tư trên 3.900 tỷ đồng”.
Newland lớn cỡ nào?
Theo dữ liệu của VietTimes, Newland được thành lập vào tháng 11/2010, đặt trụ sở chính tại một số nhà trên đường Trần Phú, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội.
Cập nhật tới tháng 4/2021, Newland đã tăng vốn gấp 2,4 lần, từ 819 tỉ đồng lên mức 2.028 tỉ đồng. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty này là ông Phạm Trung Kiên (SN 1977).
Trên website newlandgroup.vn, tự nhận là của Newland, doanh nghiệp này cho biết đã và đang triển khai nhiều dự án bất động sản tại tỉnh Hải Dương.
Trong đó, có thể kể tới một số dự án như: Khu dân cư Thanh Bình (71.252 m2); Tổ hợp chung cư hồ Bạch Đằng (52.041 m2); Khu đô thị mới Tân phú Hưng; Khu dân cư Trần Hưng Đạo (134.827 m2); Khu dân cư Tôn Đức Thắng (10.470 m2).
Cùng với đó, Newland là đơn vị tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng Cụm công nghiệp An Phụ, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, tỷ lệ 1/500 (CTCP Tư vấn xây dựng Cotana là đơn vị tư vấn), với quy mô 47,39ha.
Ngoài Newland, ông Phạm Trung Kiên còn là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Nhựa Trung Liên, CTCP Xây dựng và Dịch vụ Sơn Đông (Sơn Đông).
Tính tới tháng 2/2019, Newland là cổ đông lớn nhất của Sơn Đông, với tỉ lệ sở hữu 50% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại của Sơn Đông được chia đều cho bà Nguyễn Thị Mỹ Bình và ông Vũ Đăng Thành.
Sinh năm 1975, ông Vũ Đăng Thành từng có nhiều năm sinh sống và làm việc tại Nga. Sau khi về nước, giai đoạn 2010 – 2013, ông làm giám đốc CTCP Màu Xanh Việt. Từ năm 2013 tới nay, ông Vũ Đăng Thành chuyển sang làm Giám đốc CTCP Môi trường Quế Võ, Phó Giám đốc CTCP Môi trường Thuận Thành.
Ngoài ra, ông Thành còn là Thành viên HĐQT CTCP Môi trường và Công trình đô thị Bắc Ninh./.