Ác mộng kịch bản đại chiến Mỹ, Trung Quốc năm 2030

VietTimes -- Nhà nghiên cứu về học thuyết quân sự và an ninh quốc gia Robert Farley đã đưa ra kịch bản và những khía cạnh của cuộc chiến Mỹ - Trung có thể xảy ra vào năm 2030 khi mà quyền lực Trung Quốc đang trỗi dậy và Mỹ thì vẫn một mình tạo ra những luật chơi cho thế giới. Ông kết luận có thể với sự may mắn và kỹ năng cả hai nước sẽ tránh được cuộc chiến này, theo National Interests.

Trung Quốc và Mỹ hiện nay có vẻ như đang lao đầu vào vách đá của một cuộc chiến thương mại. Cuộc chiến có thể tạo ra ảnh hưởng lớn với cả hai nước cũng như tương lai của trật tự kinh tế toàn cầu. Nhưng hành động của hai nước sẽ không dẫn tới việc đe dọa nhau bằng bom hạt nhân hay tên lửa. Mỹ và Trung Quốc tuy có rất nhiều cuộc xung đột nhỏ nhưng không cuộc xung đột nào có thể trở thành biến cố khai mào cho một cuộc chiến tranh.

Trung Quốc đang đẩy mạnh hiện đại hóa quân sự với mong muốn tạo nên một đội quân mạnh nhất thế giới.
 Trung Quốc đang đẩy mạnh hiện đại hóa quân sự với mong muốn tạo nên một đội quân mạnh nhất thế giới.

Nhưng mọi chuyện có thể thay đổi trong thập kỷ tới. Những cuộc xung đột có vẻ còn xa sẽ trở nên khẩn cấp theo thời gian. Với quyền lực Trung Quốc đang ngày càng tăng lên, Mỹ có thể thấy các tranh chấp nhỏ sẽ gây nên những hậu quả lớn. Mặt khác, Trung Quốc có thể thấy những cánh cửa cơ hội trong chu kỳ hiện đại hóa và cung ứng của Mỹ có thể khiến cho chính Mỹ dễ bị tổn thương.

Cho tới năm 2030, cán cân quyền lực và bức tranh chiến lược có thể sẽ rất khác. Vậy cuộc chiến năm 2030 giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ diễn ra như thế nào?

Cuộc chiến sẽ bắt đầu thế nào?

Cốt lõi của cuộc xung đột vẫn như vậy - Trung Quốc và Mỹ sẽ rơi vào “bẫy Thucydides” - quan sát của một sử gia Hy Lạp cổ đại về cuộc chiến giữa thành Sparta và thành Athens vào thế kỷ 5 trước công nguyên, diễn tả những mối nguy hiểm trong thời kỳ mà một cường quốc lâu năm bị thách thức bởi một quyền lực mới đang lên. Quyền lực Trung Quốc sẽ vẫn tăng lên dù cho Mỹ tiếp tục đặt ra những luật lệ cho trật tự quốc tế toàn cầu. Nhưng ngay cả quyền lực của người Athen đang dâng lên kích động người Sparta là nguyên nhân cơ bản gây ra cuộc chiến Peloponnesus thì nó cũng cần phải phải có một đốm lửa để làm thế giới cháy rực lên. Cả Trung Quốc và Mỹ đều sẽ không gây chiến nếu chỉ xảy ra một sự kiện tầm thường.

Gần đây cả Mỹ và Trung Quốc đã có những lệnh trừng phạt kinh tế lẫn nhau gây nên một cuộc chiến thương mại.
Gần đây cả Mỹ và Trung Quốc đã có những lệnh trừng phạt kinh tế lẫn nhau gây nên một cuộc chiến thương mại. 

Người ta có thể hình dung mối đe dọa quan trọng đối với một đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan hay có thể là Philippines. Những hạt giống xung đột đã được gieo giữa Trung Quốc và tất cả những nước này dù nó có thể không bao giờ nảy mầm. Nếu một cuộc xung đột quân sự phát triển giữa Trung Quốc và bất cứ nước nào, Mỹ sẽ luôn bị kéo vào.

Một cuộc chiến dính líu tới Ấn Độ và Trung Quốc chắc chắn sẽ gây ra hậu quả lớn nhất, đe dọa không chỉ kéo Mỹ vào cuộc xung đột mà cả Pakistan và Nga. Nhưng một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Nhật cũng có thể gây ra những hậu quả khủng khiếp. Chúng ta cũng nên để ngỏ viễn cảnh sẽ có những thay đổi quan trọng về chiến lược như sự cạnh tranh giữa Hàn Quốc và Nhật Bản có thể dẫn tới một cuộc tranh chấp quân sự và kéo theo một cuộc xung đột dính líu tới Trung Quốc và Mỹ.

Những công nghệ mới nào sẽ được sử dụng trong chiến đấu?

Chiến trường sẽ dựa vào nguyên nhân xung đột nhưng khả năng những sân khấu chiến tranh sẽ nằm ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng về năng lực của hải quân và không quân của mỗi nước, khiến quân đội và quân đoàn thủy quân lục chiến của Mỹ phải tập trung phát triển những phương cách để góp phần theo đuổi "một cuộc chiến trên nhiều lĩnh vực".

Tới 2030, Trung Quốc sẽ có 4 tàu sân bay.
 Tới 2030, Trung Quốc sẽ có 4 tàu sân bay.

Có rất nhiều lý do để tin rằng cán cân quân sự sẽ thay đổi dần có lợi cho Trung Quốc trong khoảng 12 năm tới. Điều này không có nghĩa là Trung Quốc sẽ có lợi thế hơn nhưng so với thực trạng hiện tại thì thời gian đang ủng hộ Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc đang phát triển nhanh hơn Hải quân Mỹ dù Mỹ đang có tới 355 tàu chiến. Tiếp theo, không quân Trung Quốc cũng hiện đại hóa nhanh hơn không quân Mỹ dù Mỹ đã đưa những chiếc máy bay F-35 và B-21 vào hoạt động.

Nhưng cả hai bên sẽ đưa những vũ khí có kỹ thuật phổ biến với số lượng lớn vào chiến trường. Trung Quốc sẽ có 4 tàu sân bay vào năm 2030, 2 tàu sân bay STOBAR kiểu Liêu Ninh và 2 tàu sân bay CATOBAR loại thông thường. Mặc dù Mỹ có nhiều tàu sân bay hơn (bao gồm cả những hạm đội tàu sân bay tấn công) và có chất lượng cao hơn, Trung Quốc vẫn có tiềm năng chiếm được lợi thế tạm thời về mặt địa phương vào thời điểm bắt đầu cuộc xung đột.

Trung Quốc sẽ triển khai tàu ngầm và tàu trên mặt nước vào số lượng lớn mà không cần phải dàn lực lượng hải quân của mình vòng quanh thế giới. Hải quân Mỹ chiếm ưu thế hơn nhưng ưu thế này sẽ ngày càng bị thu hẹp.

Máy bay ném bom tàng hình tầm xa B-21 của Mỹ.
 Máy bay ném bom tàng hình tầm xa B-21 của Mỹ.

Với máy bay, không quân, hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ, tất cả sẽ triển khai dùng chiến đấu cơ tàng hình F-35 với số lượng lớn. Không quân cũng sẽ đưa máy bay ném bom B-21 Raider vào sử dụng cũng như những hạm đội máy bay ném bom cũ. Trung Quốc thì đưa J-10 và J-11 ra đối đầu với những máy bay F-15, F-16 và F/A-18. Cũng sẽ có một số lượng J-20 đi cùng với J-31 nếu quân đội Trung Quốc quyết định mua vũ khí này.

Chương trình hiện đại hóa của Trung Quốc sẽ không đủ để nước này đạt tới những tiêu chuẩn của Mỹ vào năm 2030 nhưng không quân Trung Quốc sẽ bù đắp những thiếu sót và sẽ có lợi thế ở số lượng lớn những căn cứ quân sự và sự hỗ trợ của một lượng khổng lồ tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và những hệ thống phòng không.

Điểm khác biệt nhất ở năm 2030 là sự bùng nổ của những vũ khí, thiết bị không người lái mà sẽ tác chiến cùng hoặc thường là thay thế những vũ khí có người điều khiển. Những sáng tạo trong lĩnh vực này đang có bước phát triển cao và rất khó để dự đoán chính xác những nền tảng nào sẽ chiếm vị trí trung tâm nhưng rất có thể những thiết bị không người lái trên không, trên biển và dưới mặt nước sẽ tổ chức hầu hết các vụ tấn công, đánh lại nhau hoặc chống lại các vũ khí có người lái. Những thiết bị không người lái hoạt động phần lớn dựa vào những hệ thống trinh sát và truyền thông - những hệ thống mà cả hai bên đều sẽ cố gắng để phá vỡ của nhau từ những giờ đầu của cuộc xung đột.

Sẽ không có chiến tranh quân sự mà là chiến tranh mạng?

Về xã hội, kinh tế và quân sự, cả Trung Quốc và Mỹ đều dựa rất nhiều vào kết nối mạng. Việc phá vỡ kết nối mạng sẽ gây ra những hậu quả to lớn. Nhưng một vài nhà phân tích về chiến tranh mạng chỉ ra Mỹ và Trung Quốc ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào internet, những cấu trúc củng cố kết nối ngày càng trở nên dễ khôi phục và rất khó bị phá vỡ.

Một điểm tương đồng có ích là sự vững mạnh của những hệ thống công nghiệp đầu thế kỷ 20. Trong khi nền công nghiệp Đức bị tổn thất nặng nề do bom đạn của phương Tây, nó vẫn không bị sụp đổ như nhiều người mong đợi, phần lớn bởi một hệ thống tinh vi có rất nhiều thặng dư trong nó không dễ bị hủy hoại. Ngược lại, nền kinh tế ít phức tạp như của Nhật Bản sẽ thiệt hại nặng nề hơn vì bị phong tỏa hay đánh bom. Nói một cách khác, sự phức tạp không dễ bị ảnh hưởng và chúng ta không thể cho rằng nền kinh tế dựa vào số hóa nhiều hơn sẽ dễ bị tấn công.

Rất có khả năng sẽ xảy ra tấn công mạng giữa hai nước Mỹ - Trung.
 Rất có khả năng sẽ xảy ra tấn công mạng giữa hai nước Mỹ - Trung.

Nhưng không thể nói cuộc chiến sẽ không có những thành phần liên quan tới mạng. Thực tế, một cuộc chiến số sẽ dính líu tới mặt quân sự nhiều hơn là dân sự. Cả Mỹ và Trung Quốc sẽ sử dụng mọi nỗ lực để khám phá và hủy hoại những kết nối liên quan tới trinh sát - thăm dò và thông tin của mỗi bên - cố gắng để che mắt địch thủ trong khi tìm cách để nhìn qua đôi mắt của kẻ thù. Bên phối hợp tốt những cuộc tấn công mạng với "thế giới thật" của những chiến dịch quân sự sẽ chiến thắng.

Cuộc chiến sẽ kết thúc như thế nào?

Rất nhiều điều về cách cuộc chiến Mỹ - Trung kết thúc đã được viết ra. Nhưng nếu không có một sự am hiểu vững chắc về lý do đặc biệt để xảy ra cuộc chiến năm 2030 thì sẽ rất khó để xác định mỗi bên muốn đẩy nó đi đến đâu. Tới 2030, Trung Quốc chưa chắc đã có thể sở hữu những vũ khí phi hạt nhân đe dọa được Mỹ. Mặt khác, khó có thể tưởng tượng ra một kịch bản mà trong đó Mỹ hủy diệt hoàn toàn Trung Quốc vì khi đó sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng, lâu dài. Chiến thắng sẽ dựa vào bên nào có thể tiêu diệt những lực lượng chính của kẻ thù, dù qua tấn công quyết định hay qua chiến tranh tiêu hao.

Lợi thế của Mỹ sẽ bị thu hẹp khi phải dàn quân trên khắp thế giới.
 Lợi thế của Mỹ sẽ bị thu hẹp khi phải dàn quân trên khắp thế giới.

Việc phong tỏa cũng không phải là câu trả lời cho vấn đề này. Tới năm 2030, nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc sẽ tăng lên nhưng Bắc Kinh có khả năng đã tính đến vấn đề chiến lược này. Việc xây dựng thêm những đường ống dẫn dầu với Nga cùng sự phát triển những nguồn năng lượng phụ khiến Trung Quốc có đủ khả năng vượt qua bất cứ cuộc xung đột nào với Mỹ. Trừ phi những cuộc chiến thương mại do chính quyền ông Trump gây ra hủy hoại hoàn toàn hệ thống kinh tế toàn cầu, thiệt hại lớn nhất với Trung Quốc sẽ là sự sụp đổ nền ngoại thương.

Trong mọi trường hợp, việc kết thúc cuộc chiến Mỹ-Trung 2030 sẽ đòi hỏi phải có biện pháp ngoại giao kỹ lưỡng để cuộc chiến chỉ xảy ra ở giai đoạn đầu xung đột và không kéo dài đến cả thế kỷ.

Trong 4 thập kỷ, rất nhiều nhà phân tích cho rằng cuộc chiến giữa Mỹ và Liên Xô là không thể tránh khỏi nhưng điều đó đã không bao giờ xảy ra. Và có thể, Mỹ và Trung Quốc sẽ không có xung đột quân sự. Cũng cần suy nghĩ về cán cân năng lực của hai nước sẽ thay đổi qua thời gian và những cánh cửa cơ hội sẽ mở ra thế nào.

Với sự may mắn và kỹ năng, Washington và Bắc Kinh sẽ tránh chiến tranh ngay cả là ở năm 2030. Nhưng những nhà hoạch định chính sách ở cả hai nước có vẻ cũng đang rất nghiêm túc suy xét về hậu quả nếu có xảy ra xung đột.