60% đối tượng xâm hại tình dục trẻ em là người quen, hàng xóm

VietTimes -- Các số liệu trẻ em bị bạo hành được cập nhật qua Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (năm 2017 và 2018) cho thấy, hơn 59% đối tượng xâm hại tình dục trẻ em là người quen, hàng xóm; 21,12% đối tượng là người thân; giáo viên, nhân viên nhà trường chiếm hơn 6%; các đối tượng khác gần 14%.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chiều hướng phức tạp, nghiêm trọng hơn

Tính chất của các vụ việc có chiều hướng phức tạp, nghiêm trọng hơn. Trẻ em bị bạo lực, xâm hại ở nhiều độ tuổi, xảy ra ngay trong môi trường gia đình hoặc trường học, do nhiều đối tượng gây ra, trong đó có cả chính người thân trong gia đình, giáo viên và bạn bè trong trường học. 

Đó là nội dung đáng quan tâm tại hội thảo xây dựng kế hoạch hành động quốc gia phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, do Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (Unicef) tổ chức hôm nay (18/4).

"Đây cũng chỉ là phần nổi của tảng băng, bởi ở Việt Nam vẫn có nhiều vụ việc không được báo cáo", bà Lesley Miller – Phó Trưởng đại diện Unicef nhấn mạnh.

Bà Lesley Miller, Phó Trưởng Đại diện Unicef tại Việt Nam
Bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam

Đáng lưu ý khi việc này còn xảy ra ở cả môi trường giáo dục. "Hiện nay, vẫn có những thầy cô bạo hành, xâm hại trẻ, nên cần kế hoạch dài hạn, hành động liên tục, có chiến lược từ cấp cao nhất để bảo vệ trẻ em. Kế hoạch quốc gia cần có sự tham gia, ban hành đến điều hành của nhiều bộ, ngành, cùng hợp tác để bảo vệ trẻ. Kế hoạch cần xác định rõ trách nhiệm của mỗi cơ quan, có sự giám sát các chương trình hành động của mỗi bộ, ngành"  - Phó Trưởng đại diện Unicef nhấn mạnh.

Bà Lesley Miller cho rằng bây giờ chính là thời điểm quan trọng đối với Việt Nam để tạo ra kế hoạch, tác động tích cực đến công tác bảo vệ trẻ em.

Bà Miller lưu ý rằng bạo lực, xâm hại gây tác động xấu đến trẻ em, đặc biệt là sức khỏe tâm thần, kết quả học hành của trẻ cũng bị ảnh hưởng nặng nề… Để xây dựng kế hoạch hành động quốc gia, Phó Trưởng đại diện Unicef cho rằng phải tăng cường khuôn khổ pháp lý, sửa Luật trẻ em để mọi trẻ em dưới 18 tuổi đều được bảo vệ trước mọi hành vi bạo lực, xâm hại. Bên cạnh đó là tăng cường hệ thống an sinh xã hội, có chương trình đào tạo cho cán bộ làm công tác xã hội. Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ phải vào cuộc quyết liệt hơn. Xây dựng hệ thống, kế hoạch bảo vệ trẻ em hiệu quả cũng cần có sự lồng ghép vào chiến lược của các ngành và chương trình an sinh xã hội tổng thể của quốc gia.

2.000 trẻ bị bạo lực, xâm hại mỗi năm

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho rằng công tác bảo vệ trẻ em nói chung, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng vẫn còn những thách thức, khó khăn.

Dẫn ra thống kê, trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho rằng: ”Tính chất của các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Trong đó có cả chính người thân trong gia đình, giáo viên và bạn bè trong trường học“.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội thảo
Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà.

Bà Hà cho rằng, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới quy định và hướng dẫn việc xác định các dấu hiệu cụ thể để định tội về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi còn chưa cụ thể, rõ ràng; các quy định pháp lý về một quy trình tố tụng thân thiện, có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan tư pháp với các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em bắt đầu từ giám định pháp y cho đến xét xử, phục hồi, hòa nhập đối với trẻ em tham gia quá trình tư pháp chưa cụ thể, chậm được sửa đổi, bổ sung.

Mặt khác, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể, tổ chức xã hội, đặc biệt ở cấp cơ sở chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức về công tác bảo vệ trẻ em; thực hiện chưa đầy đủ quy định của pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội, dẫn báo cáo của Bộ Công an, cho biết năm 2018 cả nước xảy ra 1.547 vụ xâm hại trẻ em, với gần 1.700 đối tượng, xâm hại 1.579 trẻ, trong đó có 1.293 em bị xâm hại tình dục.