|
Ảnh: What’s New in Publishing |
Thế giới vẫn đang phải gồng mình chống lại đại dịch COVID-19 và điều này gây khó khăn cho việc dự đoán các xu hướng trong tương lai. Tuy nhiên, một số xu hướng truyền thông trong 6-9 tháng vừa qua có thể sẽ vẫn tiếp tục. Ở nhiều quốc gia, hậu quả của cuộc khủng hoảng vẫn đang ảnh hưởng đến lĩnh vực này.
Dưới đây là một số tác động và xu hướng nổi bật trong lĩnh vực truyền thông:
1. Cắt giảm và mất việc làm
Đây là tác động rõ ràng nhất của cuộc khủng hoảng. Như Bloomberg đã mô tả:
“Nhiều công ty truyền thông đang phải chật vật trong thời kỳ đại dịch do doanh thu từ quảng cáo và các hoạt động kinh doanh khác, bao gồm các sự kiện trực tiếp sụt giảm một cách đột ngột. Một số tổ chức đã xoay sở bằng việc cắt giảm lương và sa thải nhân viên”.
Vox Media đã buộc phải giảm khoảng 6% nhân viên. The Guardian đã thừa nhận rằng với việc doanh thu giảm hơn 25 triệu bảng Anh, tờ báo này đã buộc phải cắt giảm khoảng 180 nhân viên trong khi New York Times đã cắt giảm 68 việc làm, phần lớn là về mảng quảng cáo.
|
Những giải pháp như sa thải, cắt giảm và thậm chí là đóng cửa đã xuất hiện ở tất cả các lĩnh vực truyền thông trên thế giới.
Điển hình là ở Nam Phi, 17 tạp chí đã bị đóng cửa do hai công ty truyền thông Caxton và Associated Media Publishing (AMP) đóng cửa vào tháng 5/2020. Chỉ 2 tháng sau, Media24 - một công ty truyền thông khác của Nam Phi đã thông báo đóng cửa 5 tạp chí và 2 tờ báo.
2. Phân tán để tồn tại
|
Quyết định của tờ Quartz (Mỹ) về việc đóng cửa các văn phòng nhưng vẫn tiếp tục tuyển dụng nhân viên ở tất cả các khu vực là một phần của xu hướng đang diễn ra nhằm cắt giảm chi phí và tìm kiếm những nguồn thu khác.
Vào tháng 8/2020, hãng Tribune của Hoa Kỳ đã tiết lộ rằng sẽ đóng cửa vĩnh viễn các văn phòng của 5 tờ báo (Daily News ở New York, Capital Gazette và Carroll County Times ở Maryland, Allentown Morning Call ở Pennsylvania và Orlando Sentinel ở Florida) mặc dù các phóng viên và nhà báo vẫn tiếp tục làm việc.
Động thái này dẫn đến việc thiếu vắng sự hiện diện thực tế của họ trong giới truyền thông cũng như ngăn cản việc giao lưu trực tiếp giữa các nhân viên trong toà soạn.
Tuy nhiên, với việc phân tán này, các nhân viên vẫn tiếp tục được làm việc nhưng dưới một hình thức khác - làm việc tại nhà - hoặc trải nghiệm làm việc ở các địa điểm khác linh hoạt hơn. Xu hướng này đang ngày càng rõ rệt hơn, được thúc đẩy bởi sự kết hợp giữa các cân nhắc về tài chính và nhân sự.
3. Giảm sự phụ thuộc vào quảng cáo
|
Trước bối cảnh đại dịch, nhiều cơ quan báo chí đã đa dạng hóa các nguồn doanh thu của họ. COVID-19 và cuộc khủng hoảng doanh thu quảng cáo liên quan đến đại dịch đã đẩy mạnh nhu cầu thực hiện chiến lược này.
Các cơ quan báo chí đã cố gắng phát triển cơ sở người đăng ký trả phí của mình, chuyển từ tổ chức các sự kiện trực tiếp sang trực tuyến và mở rộng các nỗ lực phát triển nền tảng thương mại điện tử. Cả 3 xu hướng này được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Doanh thu từ người đọc đang trở thành xu hướng quan trọng được các nhà xuất bản khai thác. Tại The Dallas Morning News, một phương pháp mà tờ báo này đã thử nghiệm thời gian gần đây là sử dụng mã quảng cáo dành cho từng phóng viên cụ thể để khuyến khích người theo dõi/người hâm mộ đăng ký.
Các sự kiện trực tuyến sẽ tiếp tục khẳng định sự hiện diện của các tổ chức tin tức trong bối cảnh giãn cách xã hội. Với cách tổ chức này, quy mô khán giả cũng sẽ được mở rộng hơn nhiều so với khi tổ chức các sự kiện trực tiếp.
4. Hợp tác để tồn tại
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, giai đoạn mà thói quen tiêu dùng, doanh thu và số lượng nhân sự đều bị ảnh hưởng, động lực cho sự hợp tác trở thành một xu hướng được nhiều tổ chức hướng tới và nó diễn ra dưới nhiều hình thức.
Vào tháng 9, The Washington Post và Financial Times đã công bố một ưu đãi đặc biệt dành cho độc giả mới của một trong hai tờ báo. Cụ thể, độc giả của tờ báo này có quyền truy cập vào tờ báo còn lại trong vòng 90 ngày như một phần của gói đăng ký.
5. Giải quyết sự bùng nổ của thông tin sai lệch
|
“Trong bối cảnh truyền thông ngày càng phân cực, các cáo buộc về tin tức giả mạo đã đặt ra câu hỏi cấp thiết về tương lai của báo chí”, Andrea DenHoed - Biên tập viên quản lý trang web NonDoc nhấn mạnh.
Sự gia tăng của các thông tin sai lệch trên các phương tiện truyền thông xã hội ở quy mô toàn cầu đang trở thành một mối lo ngại lớn. Mặc dù đây không phải là một hiện tượng mới nhưng nó đã trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh đại dịch. Các thuyết âm mưu nổi tiếng được biết tới bao gồm việc lắp đặt mạng 5G góp phần vào sự lây lan của COVID-19 cùng một số loại thuốc và phương pháp chữa trị COVID-19 chưa được chứng minh,…
“Chúng tôi không chỉ chiến đấu với dịch bệnh, các tin tức giả mạo còn lây lan với tốc độ nhanh hơn và dễ dàng hơn loại virus này”, Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết vào giữa tháng 2/2020.
Các cơ quan y tế trên toàn cầu, nhà xuất bản tin tức và mạng xã hội đã thực hiện nhiều bước để chống lại những thông tin sai lệch này.
“Cũng giống như đại dịch, chúng ta cần hiểu về dịch bệnh nếu chúng ta muốn ngăn chặn nó. Chúng tôi vẫn còn một chặng đường dài mới để tìm ra các giải pháp cho cả hai [đại dịch và tin tức sai lệch]” - Alistair Reid, người đứng đầu dự án chống thông tin sai lệch First Draft cho biết trong một tuyên bố.
6. Xây dựng lòng tin và mối quan hệ lâu dài
|
Đối với các công ty báo chí truyền thông, nhu cầu xây dựng lòng tin với khán giả và đảm bảo cung cấp thông tin chính xác, kịp thời là điều quan trọng nhất. Đây là yêu cầu cơ bản trong lĩnh vực báo chí. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, đối với nhiều công ty truyền thông, điều này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
“COVID-19 đã dạy chúng tôi rằng khao khát và nhu cầu tìm kiếm các nguồn thông tin đáng tin cậy chưa bao giờ lớn đến như vậy”, Marc Walder - CEO của tập đoàn truyền thông Thụy Sĩ Ringier cho biết.
“Nếu internet là một môi trường phức tạp với rất rất nhiều nội dung đa dạng mà người dùng có thể tiếp cận thì các hãng truyền thông cần làm rõ, giải thích và đưa ra những thông tin đáng tin cậy. Có như vậy họ mới trở thành người chiến thắng trong cuộc đua. Đó là việc giúp mọi người tìm thấy hướng đi đúng đắn trong một cuộc sống đang trở nên phức tạp” - ông Marc nhấn mạnh.
Để giải quyết điều này, các công ty truyền thông đã ra mắt các sản phẩm mới liên quan đến COVID-19, gỡ bỏ thông tin sai lệch và tìm ra những cách mới để phân tích diễn biến dịch bệnh.
Bên cạnh đó, khi các tin tức về COVID-19 bắt đầu trở nên nhàm chán, các hãng tin cũng đang khám phá các cách mới để giới thiệu tới độc giả các nội dung không liên quan đến COVID-19 nhằm cung cấp những thông tin phong phú hơn tới người đọc.
Lưu lượng truy cập và số lượng người đăng ký tại nhiều kênh thông tin cho thấy, nếu các công ty truyền thông có thể xây dựng lòng tin và đáp ứng nhu cầu của độc giả, tờ báo hoặc tạp chí của họ có thể mở rộng tầm ảnh hưởng, đồng thời tăng doanh thu ngay cả trong bối cảnh đại dịch. Mặc dù vậy, liệu điều này có thể bù đắp cho sự sụt giảm của các nguồn thu khác hay không vẫn đang là một vấn đề được phân tích, mổ xẻ - một nghịch lý đã được đề cập ở đầu bài viết.
Đại dịch Covid-19 đã tạo ra những đợt sóng lớn trong lĩnh vực truyền thông kể từ đầu năm 2020. Mặc dù những thách thức đã giảm bớt nhưng rõ ràng, con đường phía trước vẫn còn dài và nhiều chông gai.
Tương lai có thể tốt hơn hoặc tệ hơn nhưng COVID-19 đã mở ra một thế giới kỹ thuật số mới đầy kịch tính. Giới báo chí truyền thông cần phải đáp ứng nhu cầu về nội dung của hiện tại cũng như dự đoán cách chúng có thể thay đổi và phát triển khi đại dịch vẫn đang tiếp tục diễn ra và sau khi đại dịch kết thúc.
Bất chấp sự sụt giảm của doanh thu quảng cáo, nhiều tòa soạn phải đóng cửa và cắt giảm việc làm, vẫn có một số tin tốt cho các tờ báo về số lượng độc giả sẵn sàng thử nghiệm những điều mới và trả tiền cho nó. Có thể nói rằng việc thu hút và giữ chân độc giả vẫn là hai mối quan tâm hàng đầu đối với các công ty báo chí truyền thông.
Theo What’s New in Publishing