Thu cả thế giới vào trong lòng tay
Sáu họa sĩ “Ngẫu hứng với gốm” gồm có Hà Hùng Dũng, Nguyễn Thị Dũng, Ngô Trọng Văn, Bùi Thanh Thuận, Thục Quyên và Mỹ Vân. Sáu người là 6 phong cách khác nhau.
Tác phẩm của nhóm 6 họa sĩ hễ ra lò, up lên facebook là có khách hỏi mua. Các họa sĩ cho biết nhiều khi không dám đưa hình lên, phải giấu đi để có đủ tác phẩm mang đến triển lãm. Có người thì dù khách đã trả tiền mua tác phẩm nhưng vẫn chưa được nhận đồ mà phải đợi đến hôm khai mạc triển lãm mới được đến gắn nơ.
Bùi Thanh Thuận bắt đầu đến với nghệ thuật từ năm 2013, làm đồ da, chụp ảnh, vẽ tranh, làm gốm. Thuận có thể dậy từ 4-5 giờ sáng, chạy xe honda đi vài chục km chỉ để “săn lùng” một bông sen lạc giữa đồng cỏ, để chớp lấy những khoảnh khắc Sen thức giấc giữa bình minh, cánh còn lấp lánh sương đêm, Sen rạng rỡ trong ánh ngày.
Bùi Thanh Thuận đam mê sáng tác những tác phẩm gốm bé xíu cực kỳ công phu (Ảnh: HB)
|
Đam mê hình ảnh và có thành tựu với nhiếp ảnh, nhưng Thuận vẫn đi học gốm, và tiếp tục hoàn thiện hàng trăm tác phẩm gốm Sen. Đến với triển lãm lần này, Thuận mang đến 20 tác phẩm Sen.
Điều rất đặc biệt là Thuận chỉ sáng tác những tác phẩm gốm Sen có kích cỡ rất nhỏ. “Khó khăn nhất để tiến hành những tác phẩm kích cỡ nhỏ là ở khâu tạo hình. Nhỏ nhưng phải rất chi tiết, kỹ lưỡng, và vì kích cỡ nhỏ nên nếu không chú tâm thì không thể làm được, sẽ sai sót chứ đừng nói là làm nhanh cho xong được” – Bùi Thanh Thuận cho biết.
“Tôi chỉ tập trung vào tính nghệ thuật và sự tinh tế của tác phẩm chứ không quan tâm kích cỡ. Với những tác phẩm nhỏ, bạn có thể thu cả thế giới vào trong lòng tay” – Thuận tự sự.
Ngắm bộ sưu tập Gốm Sen của Bùi Thanh Thuận
|
Tác phẩm càng nhỏ, độ khó càng cao
|
Quan điểm của Bùi Thanh Thuận là vẻ đẹp của Sen phải gần với tự nhiên
|
Không đầu hàng những rào cản
Sáng tạo với gốm thực sự là một quá trình trăn trở, nhọc nhằn. Không chỉ nung nấu những ý định sáng tác, thử nghiệm các chất liệu, màu men, hình khối khác nhau, tác phẩm gốm buộc phải chịu yếu tố may rủi của hỏa biến. Nhiều nghiên cứu đến lúc vô lò bị bể thành hàng trăm mảnh, nghệ sĩ nào cũng buồn rũ, rồi lại ráng lấy hết can đảm tiếp tục thử nghiệm.
“Cũng nhiều lần tôi bị thất bại với tác phẩm cỡ nhỏ, hoa có thể gãy cánh, tác phẩm bị nứt, hoặc tạo hình rất đẹp nhưng đến lúc vào lò thì nứt làm đôi. Hỏa biến khiến cho màu men ra lò đôi khi thì đẹp hơn mình nghĩ nhưng cũng nhiều lần thất bại” – Thuận tự sự.
Họa sĩ Hà Hùng Dũng cho biết: “Chỉ một yếu tố nhỏ thôi là khi đưa vào lò, tác phẩm xếp vào các góc khác nhau thì lửa và nhiệt sẽ tác động đến tác phẩm, cho ra màu men khác nhau”. Trước giờ, mọi người biết tới Hà Hùng Dũng là ở hàng ngàn tác phẩm được vẽ với hoa văn thổ cẩm đặc trưng của vùng núi Sa Pa. Ở triển lãm lần này, Hà Hùng Dũng sẽ mang tới bộ sưu tập các tác phẩm gốm.
Bộ sưu tập bình gốm của Hà Hùng Dũng
|
Hà Hùng Dũng quan niệm màu của đất chính là màu thời gian
|
Bình gốm của Hà Hùng Dũng có màu sắc độc đáo, gây bất ngờ
|
Theo đuổi nghệ thuật gốm cần một thời gian rất dài để thử nghiệm, trở nên lành nghề. Nhưng ngay cả thế, nếu không có lò riêng thì rất khó làm. “Chúng tôi may mắn là được đi trại sáng tác gốm do Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức trong quãng thời gian giãn cách xã hội vừa rồi, nên được thỏa đam mê sáng tác với gốm” – Hà Hùng Dũng chia sẻ.
Triển lãm gốm lần này, Hà Hùng Dũng có tông màu mới, màu của đất, vẫn trung thành với hoa văn Sa Pa cách điệu. Tuy là tông màu của đất nhưng trong quan niệm của Hà Hùng Dũng, sắc nâu nhiều nhất chứ không phải đất không có màu khác nữa, Dũng dùng cả màu trắng, và điểm nhấn là màu đỏ, bởi với Hà Hùng Dũng thì màu của đất chính là màu thời gian.
Hà Hùng Dũng mang đến triển lãm lần này 25 tác phẩm, trong đó 5 bức tranh gốm, còn lại là bình gốm lớn, đèn ngủ, đôn, chậu…
Chiếc đèn gốm, một sáng tạo của Hà Hùng Dũng
|
Tranh gốm của Hà Hùng Dũng thu hút với tông màu và họa tiết Sa Pa
|
Hoa văn Sa Pa được Hà Hùng Dũng đưa vào tác phẩm tranh gốm
|
Hà Hùng Dũng bảo: “Tôi cũng có những sáng tác với Sen, nhưng Sen của tôi khác với Sen của Thuận. Mọi người chỉ quan tâm đến lúc Sen nở rộ trên mặt nước, đẹp lộng lẫy. Nhưng tôi lại chỉ quan tâm đến cái đẹp úa tàn, quăn queo. Sen tàn, còn lại gương Sen trơ trọi trên mặt nước, những hạt Sen già rớt xuống gốc, rồi lại mọc lên những mầm mới. Sự sống tái sinh thật diệu kỳ”.
Mỹ Vân - cô giáo dạy mỹ thuật - là nghệ sĩ trẻ nhất với gốm nên thường rất lo lắng, hồi hộp mỗi khi gốm vào lò nhưng như đánh giá của các đồng nghiệp còn lại thì Vân là người có duyên với gốm nên thường được đón những mẻ tác phẩm rất có hồn.
Vẽ tranh hay làm gốm, Mỹ Vân cũng chỉ làm những tác phẩm mang dấu ấn hình ảnh của bạn Cún nhỏ đáng yêu. Triển lãm lần này, Mỹ Vân sẽ giới thiệu những bức tranh gốm cỡ vừa “Chị em” (48x38), “Yêu thương” (40x52), “Cún” (32x42)…
Yêu thương, Gốm, 40x52, họa sĩ Mỹ Vân
|
Họa sĩ Hà Hùng Dũng trong xưởng gốm
|
Họa sĩ Thục Quyên trăn trở với cách pha màu men cho tác phẩm
|
Thục Quyên đã vẽ rất nhiều tác phẩm với nhiều chất liệu khác nhau về quê hương đất nước. “Quyên là một họa sỹ chứ không chuyên về gốm nên việc phối men hay nung lò thật sự rất khó với riêng bản thân tôi. Tạo hình và vẽ màu lên tác phẩm chủ yếu dựa vào cảm giác và cảm xúc. Trước khi làm tác phẩm, tôi luôn vẽ bảng phác thảo và khi phối màu men dựa vào cảm giác pha màu của các chất liệu khác vì màu men rất khó nhìn bằng mắt thường, tất cả đều màu đều là xám, trắng, hồng” - Họa sĩ tự sự.
“Đến với triển lãm lần này do “duyên” cùng với các anh chị em. Quyên mang tới với công chúng yêu nghệ thuật lần này 3 bộ bình gốm và 5 bức tranh gốm, trong đó có một tác phẩm bộ 5 tấm. Hoa chuối được cách điệu, tạo dáng và khắc nét lên bình, đèn, và tranh, điểm xuyết thêm ít vàng, bạc, vẽ màu sơn mài lên gốm” – Thục Quyên cho biết.
Bình gốm Hoa chuối của Thục Quyên
|
Hoa chuối là ý tưởng chính trong bộ sưu tập tác phẩm gốm của Thục Quyên mang tới triển lãm
|
Thục Quyên cho biết phối màu men dựa vào cảm giác pha màu của các chất liệu khác vì màu men rất khó nhìn bằng mắt thường
|
6 cá tính nghệ thuật cùng khoe sắc
Hà Hùng Dũng đã có 2 triển lãm gốm cá nhân tại TP.HCM, để lại dấu ấn với “Sen” và “Sen cuối thu”. Bùi Thanh Thuận đã tham gia 2 triển lãm nhóm về gốm ở TP.HCM, đến “Ngẫu hứng với gốm” là lần thứ 3.
Cặp vợ chồng Ngô Trọng Văn và Nguyễn Thị Dũng cũng vừa kết thúc 10 ngày triển lãm “Lời thì thầm” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, một cặp đối lập trong phong cách sáng tạo với gốm. Nguyễn Thị Dũng thăng hoa bay bổng với màu và men bao nhiêu thì Ngô Trọng Văn lại trầm ấm, vững chãi bấy nhiêu. Nguyễn Thị Dũng giữ nét truyền thống với gốm xưa, Ngô Trọng Văn phá cách hoàn toàn, chỉ sử dụng ngôn ngữ đương đại.
Nguyễn Thị Dũng rất giỏi thể hiện ý tưởng cũng như cơ hội thực hành, kiểm soát rất tốt quá trình hỏa biến nên tác phẩm của Dũng ào ạt ra lò, còn Văn thì chậm rãi, trầm ngâm, suy tư, kiệm lời.
Nguyễn Thị Dũng sẽ mang đến “Ngẫu hứng với gốm” một loạt những chiếc thạp gốm ở mẻ ra lò mới nhất. Mặc dù đã dầy dạn kinh nghiệm với hỏa biến, nhưng Nguyễn Thị Dũng bảo: “Đồ to, miệng rộng dễ bị hư lắm. Làm mấy chiếc thạp này, tỷ lệ hư là 1-1. Biết là không “ngon ăn” đâu nhưng làm riết rồi cũng quen”.
Thạp gốm của Nguyễn Thị Dũng khó chế tác vì miệng rộng rất dễ bể
|
Cách xử lý màu men nhà nghề của Nguyễn Thị Dũng khiến tác phẩm ra lò đạt được hiệu ứng mong muốn
|
Sen cuối hạ, tác phẩm gốm của Ngô Trọng Văn
|
Ngô Trọng Văn vẫn tha thiết trăn trở với “Nguyệt dạ” – serie tác phẩm mà Văn muốn tiếp tục thử nghiệm, hoàn thiện. Ở triển lãm nhóm lần này, Ngô Trọng Văn sẽ mang tới thêm tác phẩm gốm “Sen cuối hạ”, cũng về chủ đề Sen nhưng sẽ là một nét đẹp rất khác, hoàn toàn không có điểm chung nào với Sen của Hà Hùng Dũng hay Sen của Bùi Thanh Thuận.
Mỗi người một phong cách, chiêm ngưỡng “Ngẫu hứng với gốm”, công chúng sẽ hiểu hơn về nghệ thuật đặc biệt này.