Nhiều bệnh nhân vượt cửa tử nhờ kết nối từ xa
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (BV ĐHYHN), chia sẻ: Mới đây, BV Đa khoa Mường Khương (Lào Cai) có ca bệnh rất phức tạp mà nếu chuyển về Hà Nội ngay thì bệnh nhân khó có cơ hội sống sót do đường xa.
Các bác sĩ của BV Mường Khương đã chụp cắt lớp vi tính rồi đẩy vào “cổng hội chẩn” với các bác sĩ của BV ĐHYHN và chỉ 15 phút sau, các chuyên gia của BV ĐHYHN đã đưa ra phác đồ điều trị tối ưu để hỗ trợ tuyến dưới.
Hệ thống Telehealth (hệ thống hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa) của BV ĐHYHN hiện kết nối 136 cơ sở y tế, thực hiện hơn 3.500 ca hội chẩn, khám chữa bệnh (KCB) từ xa cho 1.232 lượt bệnh nhân với sự tham gia của 165 bác sĩ ở nhiều chuyên khoa. Ngoài ra, còn hỗ trợ cả BV của Lào và Campuchia.
Trong đợt bão Yagi, khi nhiều khu vực bị chia cắt, hệ thống Telehealth đã giúp giảm bớt hậu quả thiên tai rất nhiều.
TS Dương Đức Hùng, Giám đốc BV Việt Đức, cũng cho hay: Khi đó, một nạn nhân nguy kịch do bị vùi dưới đống đổ nát tại thị trấn Văn Yên (Yên Bái) với đa chấn thương nặng, vỡ xương chậu, vỡ bàng quang, vết thương tầng sinh môn rất phức tạp, phải thở nội khí quản. Do đường sạt lở, bệnh nhân không thể chuyển về Hà Nội để phẫu thuật.
Lập tức, qua hệ thống Telemedicine, BV Việt Đức đã hướng dẫn chuyên môn cho các bác sĩ tuyến dưới để chuyển bệnh nhân đến BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ, rồi hội chẩn trực tuyến với các bác sĩ của BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ và Trung tâm Y tế huyện Văn Yên, để đưa ra phương án phẫu thuật tốt nhất cho bệnh nhân. Quá trình phẫu thuật, các chuyên gia BV Việt Đức theo dõi sát sao và hỗ trợ qua Telemedicine.
Ngay sau đó, cũng qua Telemedicine, các chuyên gia của BV Việt Đức tiếp tục hội chẩn trực truyến để cấp cứu 3 bệnh nhân bị lũ quét vùi lấp tại thôn Làng Nủ (Lào Cai), trong đó, có một bệnh nhi 7 tuổi vỡ gan độ I, chấn thương tuyến thượng thận, chấn thương sọ não, gãy 1/3 giữa xương đùi trái
Chia sẻ với VietTimes, TS Phan Phúc, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, cho biết cũng nhờ Telehealth, BV Nhi Trung ương đã hỗ trợ từ xa cứu sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo tại các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên.
Trường hợp tại Sơn La, một bé gái 2 tuổi bị viêm màng não mủ nguy kịch. Nhờ truyền hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) qua hệ thống 5G, các bác sĩ tại Hà Nội phát hiện ổ áp xe tiểu não, chỉ định mổ cấp cứu kịp thời, mà nếu chậm trễ, trẻ có thể đã tử vong.
Tại BV Bạch Mai, hệ thống Telehealth đã được triển khai cho hơn 400 cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện. Nhờ công nghệ 5G, các buổi chỉ đạo tuyến, hội chẩn từ xa được thực hiện hàng ngày, hoặc theo yêu cầu khẩn cấp. Nhiều ca nặng như đột quỵ, suy hô hấp ở tuyến huyện được xử trí đúng phác đồ ngay từ đầu, nhờ có sự hướng dẫn của các chuyên gia qua Telehealth. Nhờ đó, tỷ lệ tử vong giảm đáng kể.
5G – bệ phóng cho hệ thống y tế không còn khoảng cách
Từ năm 2020, Bộ Y tế đã triển khai Đề án KCB từ xa với 1.000 điểm cầu, nhưng bước ngoặt thực sự đến từ khi mạng 5G được phủ sóng rộng rãi ở nhiều địa phương từ 2024. Bởi trong hoạt động KCB từ xa, yếu tố Internet – đặc biệt là tốc độ, độ ổn định và độ trễ của mạng – là nền tảng quyết định thành bại của cả hệ thống.
Internet tốc độ thấp hoặc gián đoạn sẽ khiến hình ảnh bị nhoè, chậm, thậm chí mất tín hiệu – dẫn đến bác sĩ tuyến trên không thể đưa ra quyết định chính xác và kịp thời. Một ca hội chẩn có thể kéo dài từ 15–30 phút, thậm chí lâu hơn. Trong thời gian đó, chỉ cần đường truyền “rớt mạng” vài phút cũng khiến việc chẩn đoán bị gián đoạn, phải làm lại từ đầu.
Nhưng mạng 5G với tốc độ truyền dữ liệu nhanh gấp 10 lần 4G và độ trễ chỉ 1–5 mili giây - đã giúp các cuộc hội chẩn trực tuyến, truyền hình ảnh chẩn đoán, dữ liệu xét nghiệm hay hình ảnh phẫu thuật nội soi diễn ra gần như tức thời, không gián đoạn. Trước đây, khi truyền hình ảnh CT, MRI dung lượng lớn, có lúc chờ 15 phút, thậm chí bị rớt kết nối, nay chỉ cần vài giây, là lợi thế cực lớn cho công tác cấp cứu.
Ở nhiều nơi, bệnh nhân không thể tiếp cận bác sĩ giỏi do xa xôi, cách trở, nhưng nhờ Internet chất lượng cao, bác sĩ tuyến trung ương có thể “hiện diện” ngay tại xã, huyện, giúp người dân được khám bệnh sớm hơn, chính xác hơn và giảm chi phí. Có Internet mạnh, y tế không còn bị giới hạn bởi địa lý, mọi người dân đều có quyền được chăm sóc sức khỏe (CSSK) kịp thời và chất lượng cao.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc BV Việt Đức, khẳng định: “5G không chỉ giúp bác sĩ hỗ trợ tuyến dưới hiệu quả hơn mà còn làm thay đổi hoàn toàn mô hình CSSK – từ thụ động sang chủ động, từ chữa trị sang dự phòng”.
Mạng 5G đang chứng minh là “bệ phóng” mạnh mẽ cho y tế số, đặc biệt trong KCB từ xa. Khi độ trễ không còn là rào cản, khoảng cách địa lý cũng không còn là vấn đề. Người dân vùng cao, vùng xa giờ đây đã có thể được bác sĩ tuyến trung ương cứu chữa kịp thời như ở giữa thủ đô.
“Chăm sóc sức khỏe vượt khỏi giới hạn BV” không còn là khẩu hiệu. Với nền tảng 5G, Telehealth đang thực sự đưa dịch vụ y tế về tận nhà người dân, chỉ bằng một cú nhấp chuột.