5 tàu đổ bộ tấn công đáng gờm nhất thế giới: Từ America 45.000 tấn cho tới lớp Mistral của Ai Cập

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các tàu đổ bộ tấn công ngày càng trở nên phổ biến hơn kể từ đầu thế kỷ này, khi ngày càng có thêm nhiều quốc gia trên khắp thế giới đầu tư mạnh tay chế tạo.
Tàu đổ bộ tấn công ngày càng trở nên phổ biến hơn (Ảnh: Military Watch)
Tàu đổ bộ tấn công ngày càng trở nên phổ biến hơn (Ảnh: Military Watch)

Các tàu đổ bộ lưỡng cư ngày càng trở nên phổ biến hơn kể từ đầu thế kỷ này, khi ngày càng có thêm nhiều quốc gia trên khắp thế giới đầu tư mạnh tay chế tạo lớp tàu này và nhiều nước khác tỏ ra hứng thú trong việc mua chúng.

Những con tàu này có thể được sử dụng như những tàu tấn công lưỡng cư, được thiết kế để triển khai lục quân và các phương tiện chiến đấu tới các bờ biển của địch thủ, ngoài ra còn có kích thước đủ lớn để vận hành như những tàu sân bay trong nhiều trường hợp, phục vụ những chiến đấu cơ có khả năng cất/hạ cánh theo phương thẳng đứng, hoặc cũng có thể được sử dụng để tấn công, chống ngầm.

Những con tàu này có chi phí chế tạo cũng như vận hành rẻ hơn so với những tàu sân bay truyền thống, và không cần có những đặc điểm phức tạp hay đội ngũ thủy thủ nhiều người để vận hành. Tuy nhiên, những con tàu này chỉ có thể làm bãi đáp cho những chiến đấu cơ cất/hạ cánh theo phương thẳng đứng, bởi vậy mà không thể hoàn toàn thay thế tàu sân bay truyền thống.

Những con tàu lưỡng cư được đánh giá là toàn diện hơn so với tàu sân bay truyền thống nhờ vào khả năng hoán đổi nhiệm vụ một cách dễ dàng – từ hỗ trợ các cuộc đổ bộ lưỡng cư cho tới nhiệm vụ chống ngầm, hay thậm chí là tung đòn tấn công bằng các chiến đấu cơ. Loại tàu này khá phổ biến ở những quốc gia thiếu nguồn vốn hoặc không sẵn sàng đầu tư mạnh tay chế tạo những con tàu sân bay đắt đỏ. Ngay cả những siêu cường như Trung Quốc hay Mỹ cũng chế tạo những con tàu loại này.

Trong năm 2019, Nga cũng cho ra mắt 2 tàu đổ bộ lưỡng cư, được cho là để thay thế tàu sân bay truyền thống duy nhất của họ trong tương lai.

Sau đây là 5 lớp tàu đổ bộ lưỡng cư được đánh giá là đáng sợ nhất thế giới.

Lớp America

Hải quân Mỹ biên chế tàu lớp America đầu tiên, USS America, vào tháng 10/2014 và sau đó là đến tàu USS Tripoli vào ngày 15/7/2020.

Những chiến hạm này mỗi chiếc có độ choán nước 45.000 tấn, khiến chúng nặng hơn phần lớn các tàu sân bay, bao gồm cả tàu Charles De Gaulle của Pháp. Một vài dữ liệu của Hải quân Mỹ, cùng với các chuyên gia quốc phòng cho rằng nên tiếp tục chế tạo thêm tàu lớp America, do các tàu sân bay truyền thống ngày càng chịu nhiều rủi ro bị tấn công bởi tên lửa chống hạm tầm xa – khiến những siêu tàu sân bay trọng tải 100.000 tấn, chi phí đắt đỏ, dễ bị nhấn chìm.

Với chi phí khoảng 3,5 tỉ USD – rẻ hơn nhiều nếu so với các siêu tàu sân bay lớp Gerald Ford với giá 13 tỉ USD mỗi chiếc – và với đội ngũ thủy thủ vận hành ít hơn, tàu lớp America có thể dễ dàng được triển khai tới các khu vực tranh chấp trong khi chịu ít rủi ro bị tấn công hơn. Mỗi tàu có thể mang theo 20 chiến đấu cơ F-35B cất cánh thẳng đứng, hiện là mẫu máy bay chiến đấu tối tân bậc nhất. Mặc dù chưa thể so sánh bằng mẫu F-35C trên các siêu tàu sân bay, nhưng F-35B vẫn có nhiều đặc tính tối tân, như mạng lưới kết nối dữ liệu, các bộ cảm ứng mạnh mẽ cùng với khả năng né sự phát hiện của radar.

Lớp Type 075

Là lớp tàu đổ bộ lưỡng cư đầu tiên trên thế giới có thể sánh ngang với lớp America về kích thước và sức mạnh, lớp Type 075 của Trung Quốc đại diện cho một bước tiến lớn trên con đường truy cầu khả năng điều quân, đủ để đọ với Hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Công ty đóng tàu Hỗ Đông-Trung Hoa đã cho xuất xưởng tàu Type 075 thứ hai vào ngày 22/4/202, ngay sau con tàu đầu tiên vào ngày 25/9/2019. Với độ choán nước 40.000 tấn mỗi chiếc, những con tàu này có thể mang theo vài trăm lục quân, phương tiện thiết giáp và thậm chí cả xe tăng Type 15 để đổ bộ bờ biển. Cũng giống như tàu lớp America, Type 075 có thể đóng vai trò tàu chống ngầm, triển khai nhiều loại trực thăng như Z-20, và vai trò tàu sân bay.

Trung Quốc được cho là đang phát triển chiến đấu cơ cất/hạ cánh thẳng đứng để phục vụ cho lớp Type 075, có khả năng là theo chương trình hợp tác với Nga. Mẫu máy bay mới này rất có khả năng sẽ được trang bị radar AESA, lớp phủ tàng hình và tên lửa dẫn đường PL-15 AESA. Một số máy bay khác, bao gồm trực thăng không người lái, cũng có thể được triển khai trên tàu lớp Type 075, bởi Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển công nghệ drone chiến đấu.

Lớp Wasp

Với độ choán nước khoảng 40 tấn mỗi chiếc, các tàu lớp Wasp đã hình thành nên “xương sống” của hạm đội tàu lưỡng cư Hải quân Mỹ, với 7 tàu cỡ lớn hiện đã được biên chế.

Chiếc đầu tiên lớp Wasp được biên chế vào năm 1989, chúng đang trở nên cũ kỹ và cần có đội ngũ thủy thủ lớn để vận hành, trong khi có tính năng tự động thấp hơn so với tàu lớp America. Tuy nhiên, lớp Wasp lại mang đến một số khả năng mới mang tính cách mạng ra chiến trường vào thời điểm thay thế cho tàu lớp Tarawa, đặc biệt là khả năng triển khai tới 20 chiến đấu cơ – đầu tiên là chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 Harrier II và gần đây nhất là chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 F-35B.

Mỗi tàu lớp Wasp có thể chở 1.894 lục quân và 5 xe tăng M1 Abram, 25 xe thiết giáp, 8 pháo Howitzer M198, hơn 60 xe tải và hơn một chục phương tiện hỗ trợ.

Lớp Mistral (Ai Cập)

Tàu tấn công lớp Mistral của Pháp vốn đã rất nổi bật, thế nhưng 2 chiến hạm mà Hải quân Ai Cập mua lại, EMS Gamal Abdul Nasse và EMS Anwar Sadat, thậm chí còn được nâng cấp mạnh mẽ với sự hỗ trợ của Nga nên có khả năng tấn công cao hơn so với những chiến hạm cùng lớp trong Hải quân Pháp.

Đáng chú ý nhất trong số những nâng cấp này là việc trang bị các trực thăng tấn công Ka-52 Alligator trên tàu. Ka-52 hiện được xem là mẫu trực thăng chiến đấu mạnh mẽ nhất trên thế giới. Chúng được trang bị hệ thống kiểm soát hỏa lực, trong đó tự động chia sẻ mọi thông tin về mục tiêu theo thời gian thực, cho phép một trực thăng khóa mục tiêu bị phát hiện bởi trực thăng khác. Ka-52 được trang bị vũ khí “tận răng” với 12 tên lửa, nhiều loại súng và 80 rocket 80mm, 20 rocket 122mm hoặc 12 tên lửa chống tăng 9K121, tên lửa không-đối-không R-73 và tên lửa laser dẫn đường Kh-25.

Nhờ phi đội Ka-52 mà mỗi tàu lớp Mistral của Ai Cập có được hỏa lực hùng mạnh để hỗ trợ các chiến dịch đổ bộ lưỡng cư, giúp con tàu này trở thành một tài sản quân sự quý giá của lực lượng hải quân.

Ka-52 không được trang bị đặc biệt để phục vụ cho vai trò tấn công dưới mặt đất, nhưng nó lại có khả năng chống hạm, do vậy mà các tàu lớp Mistral của Ai Cập là tàu đổ bộ lưỡng cư duy nhất trên thế giới có sức mạnh chống hạm tầm xa. Ka-52 có thể phóng các tên lửa chống hạm Kh-31 và Kh-35, trong đó Kh-31 có vận tốc Mach 3, tầm bắn trên 100 km. Kết hợp với các bộ cảm biến, điều này cho phép Ka-52 hoạt động không khác gì “thợ săn hạm”.

Kh-35, có tầm bắn trên 300 km, càng tăng cường khả năng chống hạm của trực thăng Ka-52 khi bù lấp điểm khuyết thiếu cho Kh-31. Có thông tin chưa xác nhận rằng, Hải quân Trung Quốc cũng có kế hoạch mua trực thăng Ka-52 để trang bị cho các tàu lớp Type 075 của họ.

Lớp Dokdo

Hải quân Hàn Quốc biên chế tàu lớp Dokdo thứ hai của họ trong tháng 5/2018, và Bộ Quốc phòng nước này sẽ bắt đầu xem xét việc chỉnh sửa một hoặc cả hai con tàu này để có thể chở theo các chiến đấu cơ F-35B.

Mặc dù không được trang bị những máy bay trực thăng chiến đấu hiện đại như tàu lớp Mistral của Ai Cập, nhưng tàu lớp Dokdo vẫn là một chiến hạm đáng gờm nếu xét về khả năng chống ngầm và đổ bộ lưỡng cư. Tàu lớp Dokdo được trang bị hệ thống phòng không K-SAM phát triển trong nước, được cho là có công nghệ tương tự như hệ thống S-400 của Nga. Thêm nữa, các tàu Dokdo có mức độ tự động cao, chi phí vận hành thấp nên có thể cạnh tranh được với những tàu có trọng tải tương đương, như lớp Mistral của Pháp.

Tàu thứ ba lớp Dokdo hiện đang được đóng, và với giá khoảng 650 triệu USD mỗi chiếc, thì tàu lớp này được coi là giá rẻ hơn đáng kể nếu so với một chiếc tàu khu trục cao cấp. Nhờ yêu cầu số lượng thủy thủ vận hành thấp nên chi phí vận hành tàu lớp Dokdo càng rẻ. Mỗi con tàu có thể chở 720 lục quân cùng các phương tiện tấn công đi kèm, và 15 trực thăng. Hàn Quốc hiện đang phát triển một lớp trực thăng chiến đấu mới, và chúng có thể được trang bị cho tàu lớp Dokdo để tăng khả năng tấn công.

Đáng chú ý, Nga trước đây muốn mua tàu lớp Dokdo của Hàn Quốc thay vì lớp Mistral của Pháp bởi lớp Dokdo ưu việt hơn, nhưng Pháp sau đó ngỏ ý muốn chuyển giao công nghệ đóng tàu và giúp Nga chế tạo thêm tàu tấn công tại các xưởng của họ, nên Bộ Quốc phòng Nga cuối cùng chấp nhận mua lớp Mistral, trước khi tất cả kế hoạch mua tàu nước ngoài bị hủy vào năm 2014.