Chỉ vừa mới ra mắt ít lâu nhưng liên tiếp có 2 chiếc Boeing 737 MAX 8 bị rơi trong vòng 5 tháng, điều đó không khỏi khiến người ta lo lắng về việc bay trên những chiếc phi cơ này. Theo dữ liệu từ Cơ quan hàng không liên bang Mỹ (FAA), hiện đang có khoảng 350 chiếc Boeing 737 Max 8 đang được đưa vào hoạt động trên toàn cầu. Trong lúc chờ kết luận chính thức, các quốc gia liên tiếp tuyên bố cấm loại máy bay này thuộc sở hữu các hãng hàng không nước mình cất cánh, thậm chí cấm luôn cả Boeing 737 MAX 8 và Boeing 737 MAX 9 bay qua vùng trời quốc gia.
Tờ Đa Chiều ngày 13.3 cho biết, Cơ quan An toàn hàng không châu Âu (European Aviation Safety Agency, EASA) ngày 12.3 đã ra thông báo, để thực hiện biện pháp phòng ngừa, EASA đã ra lệnh bắt đầu từ 19h ngày 12.3, tạm dừng vận hành tất cả các máy bay Boeing 737 MAX 8 và 9 trên phạm vi các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU); đồng thời yêu cầu tất cả các chuyến bay của các nước ngoài EU sử dụng hai mẫu máy bay này ngừng ra vào EU.
EASA cũng nói, cuộc điều tra về nguyên nhân vụ tai nạn đang được tiến hành dưới sự lãnh đạo của nhà cầm quyền Ethiopia. Do loại máy bay gặp nạn do Mỹ thiết kế và chế tạo nên Ủy ban An toàn vận tải quốc gia Mỹ (National Transportation Safety Board, NTSB) sẽ trợ giúp việc điều tra; EASA cũng sẽ giúp đỡ việc điều tra về sự cố này. EASA nhấn mạnh, hiện nay việc điều tra về sự cố đang được tiến hành, “bây giờ đưa ra kết luận về nguyên nhân sự cố là quá sớm”.
Hãng AFP nhận xét, một loại máy bay bị cấm bay với quy mô trên phạm vi toàn cầu là điều chưa từng có trong lịch sử ngành hàng không. Mấy chục quốc gia cấm bay đối với Boeing 737 MAX, cổ phiếu của các hãng hàng không Mỹ rớt giá thê thảm.
Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc của chiếc Boeing 737 MAX 8 thuộc hãng hàng không Ethiopian Airlines
|
Ngày 12.3, do ảnh hưởng của vụ không nạn này, thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến bất thường. Trong khi chỉ số Dow Jones Industrial (DJI) bị mất 96,22 điểm (giảm 0,38%), còn 25554,66 điểm; thì chỉ số NASDAQ Composite tăng 32,97 điểm (0,44%) đạt 7591,03 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 8,22 điểm (0,44%), đạt 2791,52 điểm. Trong khi đó giá cổ phiếu của hãng Boeing liên tục giảm trong 2 phiên giao dịch, tổng cộng sụt hơn 11%, lập kỉ lục mức giá thấp nhất kể từ tháng 7.2009 đến nay. Nếu cuộc điều tra kết luận máy bay có lỗ hổng về an toàn thì Boeing sẽ phải đối diện với vụ bồi thường kỷ lục, giá cổ phiếu của hãng sẽ còn rớt thê thảm hơn. Trang tin Đa Chiều cho biết, do ảnh hưởng của vụ tai nạn, phiên giao dịch ngày 11.3, cổ phiếu của Boeing đã giảm tới 5,36%, còn 399,89 USD; chỉ sau một ngày đã bốc hơi mất 12,8 tỷ USD. Ngày 12.3, cổ phiếu Boeing tiếp tục giảm thêm 6,15% nữa.
Do ảnh hưởng của vụ tai nạn này, cổ phiếu của các hãng hàng không Mỹ khác cũng xuất hiện xu thế giảm theo. Ngày 12.3, cổ phiếu hãng American Airlines bị giảm 3,53%, cổ phiếu hãng Delta Air Lines giảm 0,88%, còn cổ phiếu hãng Southwest Airlines cũng giảm 2,34%.
Sau khi nhiều quốc gia hoặc hãng hàng không tuyên bố dừng bay hoặc cấm bay loại Boeing 737 MAX thì đêm 11.3, Cục quản lý hàng không liên bang Hoa Kỳ (Federal Aviation Administration, FAA) vẫn gửi thông báo tới giới hàng không quốc tế, nói loại Boeing 737 MAX vẫn có giá trị bay.
Theo tư liệu của hãng tin Bloomberg sáng 13.3 thì đã có 43 quốc gia tuyên bố cấm Boeing 737 MAX hoạt động, bao gồm: Australia, Áo, Bỉ, Bulgaria, Trung Quốc, Croatia, Cộng hòa Czech, Cộng hòa Síp, Đức, Pháp, Phàn Lan, Hy Lạp, Hungaria, Iceland, Ấn Độ, Indonesia, Ireland, Italy, Kuwait, Latvia, Liechtenstein, Litva, Luxembourg, Malaysia, Malta, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Oman, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Rumania, Singapore, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE và Anh. Ngoài ra tại các nước Argentina, Brasin, Ethiopia, Hàn Quốc, Mexico, Mông Cổ, Ma Rốc cũng có 1 hoặc một số công ty của các quốc gia đó ngừng bay loại Boeing 737 MAX.
Trung Quốc là một trong số những quốc gia đầu tiên tuyên bố cấm bay đối với loại Boeing 737 MAX 8. Các hãng hàng không của nước này hiện đang sở hữu đội bay có tới 97 chiếc Boeing 737 MAX 8; ngay sau khi chiếc máy bay của Ethiopian Airlines rơi hôm Chủ nhật, Cục Hàng không dân dụng -cơ quan quản lý hàng không nước này đã cấm mọi chiếc 737 MAX 8 bay lên trời (thời điểm ra lệnh là 6 giờ chiều thứ Hai giờ địa phương). Trung Quốc nói họ không chấp nhận bất kì rủi ro nào về an toàn hàng không.
Việc hai chiếc Boeing 737 MAX 8 mới đưa vào sử dụng bị rơi trong vòng 5 tháng khiến người ta nghi ngờ về mức độ an toàn bay của nó
|
Tờ The Wall Street Journal hôm 11.3 đã lên tiếng chỉ trích hành động của Trung Quốc.Báo này viết, đối với cơ quan quản lý giám sát của một nước lớn mà nói, khi cơ quan quản lý giám sát của quốc gia chế tạo loại máy bay đó còn chưa có biện pháp tương tự mà đã áp dụng hành động như thế là “rất không bình thường”.
Bài báo viết, trước khi các nhân viên điều tra Mỹ đến được địa điểm máy bay rơi; thậm chí trước khi Boeing thông báo tin tức mới nhất về vụ sự cố tới các hãng bay, Trung Quốc đã đưa ra quyết định này, có thể sẽ khiến Cục Quản lý hàng không Hoa kỳ (FAA) chịu áp lực công khai xử lý vụ việc. Bài báo của The Wall Street Journal ám chỉ động thái này của phía Trung Quốc có liên quan đến quan hệ mậu dịch đang căng thẳng giữa hai nước hiện nay.
Tờ Financial Times ngày 11.3 cũng dẫn lời ông Eric Lin, chủ quản nghiên cứu về vận tải châu Á của Ngân hàng Thụy Sỹ UBS tại Hongkong cho rằng: “Chúng tôi chưa bao giờ thấy một thị trường then chốt đồng thời ra lệnh cấm bay gần 100 chiếc máy bay như thế”.