Thông tin thêm về Trương Dũng, người kế nghiệp Mã Vân tại Alibaba

VietTimes -- Ngày 9/10/2018 theo giờ Bắc Kinh, Mã Vân (Jack Ma) -- người sáng lập và ông chủ của Alibaba -- Tập đoàn công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc đã gửi đi một bức thư ngỏ nhân ngày “Tết nhà giáo”, tuyên bố: từ ngày 10/9/2019 ông sẽ không giữ chức Chủ tịch Alibaba nữa; đến khi đó chức vụ của ông sẽ do Trương Dũng (Daniel Zhang), hiện là Tổng giám đốc (CEO) của công ty nắm giữ.
Jack Ma cho biết ông đã chuẩn bị cho kế hoạch chuyển giao chức vụ Chủ tịch Tập đoàn Alibaba cho Trương Dũng trong 10 năm qua
Jack Ma cho biết ông đã chuẩn bị cho kế hoạch chuyển giao chức vụ Chủ tịch Tập đoàn Alibaba cho Trương Dũng trong 10 năm qua

Trong thư, Jack Ma đánh giá cao Trương Dũng: trong hơn 3 năm giữ chức CEO, Trương Dũng  với tài hoa kinh doanh siêu việt, năng lực lãnh đạo kiên định, bình tĩnh; logic và khả năng phán đoán như một siêu máy tính, đã dẫn dắt Alibaba giành được sự phát triển lâu dài; khiến công ty 13 quý liên tiếp duy trì tăng trưởng liên tục. Điều đó đã chứng minh Trương Dũng là CEO xuất sắc nhất Trung Quốc. Đó chính là lý do Jack Ma trao “bó đuốc” chạy tiếp sức cho Trương Dũng. “Ông ấy và ê-kíp của mình đã chiếm được sự tín nhiệm và ủng hộ của các nhân viên và các cổ đông” – Jack Ma nói về người được ông chọn lựa kế nghiệp.

Một năm nữa, Trương Dũng sẽ thay thế Jack Ma để trở thành người cầm lái con tàu Alibaba. Thông tin này không khiến người ta bất ngờ bởi trước đó Trương Dũng luôn được coi là người có khả năng kế tục Jack Ma nhất. 3 năm trước, Jack Ma từng công khai tuyên bố trong một bức thư ngỏ: khi Lục Triệu Hỷ rời chức CEO Alibaba thì người đảm nhận vị trí CEO thứ 3 của tập đoàn sẽ là Trương Dũng, sinh năm 1972, người đã làm việc trong công ty 8 năm. Lục Triệu Hỷ chỉ ngồi ghế CEO 2 năm, còn Trương Dũng sau 3 năm rưỡi đã trở thành người kế vị Jack Ma.

Trương Dũng: “Đừng nghĩ nhiều, thuận thế mà làm, vừa ngẩng mặt nhìn đường, vừa cúi đầu làm việc”.
Trương Dũng: “Đừng nghĩ nhiều, thuận thế mà làm, vừa ngẩng mặt nhìn đường, vừa cúi đầu làm việc”.

So với ánh hào quang rực rỡ của Jack Ma thì Trương Dũng có vẻ bình thường và ít tiếng tăm; chỉ có 11 năm ở Alibaba nhưng ông đã khiến những người cùng ê-kíp và các nhân viên có thâm niên lâu hơn đều trở thành cấp dưới của mình. Nhiều người hỏi Trương Dũng: “Kẻ rong chơi”, ông nhờ vào đâu mà lên nhanh đến thế? Trương Dũng đã có lần trả lời trước một hội nghị: “Đừng nghĩ nhiều, thuận thế mà làm, vừa ngẩng mặt nhìn đường, vừa cúi đầu làm việc”.

Cho đến trước tháng 8/2007, Trương Dũng vẫn còn là “Kẻ rong chơi”. Năm 1991, khi đến học về tiền tệ ở Đại học Tài Kinh Thượng Hải, ước mơ lớn nhất của Trương Dũng là được đến làm việc tại Sở nghiên cứu chứng khoán Vạn Quốc. Khi đó Vạn Quốc chứng khoán chả khác nào Goldman Sachs của Trung Quốc; người sáng lập nó là Quản Kim Sinh được gọi là “Cha đẻ chứng khoán Trung Quốc”. Thế nhưng, khi Trương Dũng tốt nghiệp đại học thì xảy ra Vụ án quốc trái 327 nổi tiếng; Vạn Quốc bị sáp nhập vào Thân Ngân, Quản Kim Sinh phải nhận án 16 năm tù. Thế là Trương Dũng phải thi tuyển vào An Đạt Tín và cảm thấy nơi này đầy sức sống và cơ hội. Nhưng đến 2001, An Đạt Tín lại xảy chuyện.Tháng 3/2002, An Đạt Tín bị nhập vào Phổ Hoa Vĩnh Đạo, thế là Trương Dũng bất đắc dĩ trở thành nhân viên công ty này.

Năm 2005, Trương Dũng gia nhập Thịnh Đại, làm CEO. Năm đó Trần Thiên Kiều 31 tuổi trở thành người giàu nhất Trung Quốc. Tại Thịnh Đại, Trần Thiên Kiều có ảnh hưởng lớn đến Trương Dũng. Một ngày cuối năm, Trần Thiên Kiều gọi Trương Dũng lên, nói: Trương Dũng, cậu tính hộ tôi nếu trò chơi “Truyền kỳ” miễn phí thì chúng ta được bao nhiêu.Khi đó nhiều người phản đối với lý do nếu miễn phí thì thu nhập sẽ giảm đi, nhưng Trần Thiên Kiều bỏ ngoài tai. Ngày 28/11/2005, Thịnh Đại tuyên bố miễn phí 3 game trong đó có “Truyền kỳ máu nóng”, không tính tiền bằng thời gian chơi mà tăng thu nhập thông qua việc cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng cho người chơi.

Một ngày mùa Hè 2007, Trương Dũng nhận được cú điện của một nhà “săn đầu người” hỏi có muốn biết về công ty có tên Alibaba không? Công ty này đang gấp rút tìm kiếm nhân tài. Trương Dũng biết Alibaba và cho rằng mua bán qua mạng sẽ là xu thế mới nên muốn thử xem sao. Người gọi điện hẹn ông hôm sau đến một khách sạn gặp CFO (Giám đôc tài chính) của công ty. Thứ Sáu tuần đó, Trương Dũng đáp tàu hỏa từ Thượng Hải đi Hàng Châu gặp Jack Ma…

Tháng 8 năm đó (2007) Trương Dũng gia nhập Alibaba, làm CFO của mạng bán hàng Taobao. Ông chọn cho mình nick là “Tiêu Dao tử” (Kẻ rong chơi) từ đó về sau Trương Dũng ở lỳ trong một khách sạn 5 sao, chỉ đến cuối tuần mới về Thượng Hải với vợ con.

Trương Dũng đã dẫn dắt Alibaba vượt quá một công ty thương mại điện tử, biến nó thành thực thể kinh tế số bao gồm bán hàng, tiền tệ, logistics, điện toán đám mây, giải trí… phục vụ hàng trăm triệu người tiêu dùng và hàng chục triệu xí nghiệp vừa và nhỏ
Trương Dũng đã dẫn dắt Alibaba vượt quá một công ty thương mại điện tử, biến nó thành thực thể kinh tế số bao gồm bán hàng, tiền tệ, logistics, điện toán đám mây, giải trí… phục vụ hàng trăm triệu người tiêu dùng và hàng chục triệu xí nghiệp vừa và nhỏ

Một lần khi ngồi tán chuyện với các quan chức quản lý hàng đầu của Alibaba, Jack Ma đột nhiên hỏi Trương Dũng: “Vì sao anh đến đây?”. Trương Dũng đáp: “Rất đơn giản, trước đây tôi đã là CFO công ty 3 tỷ USD, nay tôi muốn làm CFO công ty 30 tỷ USD. Khi đó Trương Dũng không dám nghĩ tới việc có ngày mình sẽ trở thành CEO của Alibaba rồi trở thành người kế vị Jack Ma.

Tháng 3/2009, Trương Dũng được giao nắm trang mạng bán hàng trực tuyến Taobao khi nó đang lâm vào cảnh khốn đốn. Ông đã chủ đạo sự trỗi dậy của Thiên Miêu (Tmail.com), sáng tạo ra phương thức mới có thể bán hàng ra toàn cầu. Sau đó ông tập trung vào nghiên cứu sử dụng điện thoại di động làm sàn bán hàng khiến Taobao trở thành sàn thương mại điện tử qua điện thoại di động lớn nhất thế giới. Có thể nói, chính Trương Dũng là người đã đặt nền móng cho việc kinh doanh qua PC chuyển sang qua điện thoại di động. Tháng 5/2015, Trương Dũng được giao giữ chức CEO của Tập đoàn Alibaba. Trong bài diễn văn nhậm chức ông tuyên bố 3 phương hướng chiến lược của tập đoàn là toàn cầu hóa, nông thôn và dữ liệu điện toán đám mây; ngoài thương mại điện tử và tiền tệ, Alibaba mở rộng sang các lĩnh vực khác như logistics, xuất nhập khẩu…

Theo cách nói lưu truyền trong nội bộ Alibaba thì Trương Dũng là “người thay động cơ trên đường cao tốc, biến máy kéo thành máy bay Boeing 747”. Ông đã dẫn dắt Alibaba vượt quá một công ty thương mại điện tử, biến nó thành thực thể kinh tế số bao gồm bán hàng, tiền tệ, logistics, điện toán đám mây, giải trí…phục vụ hàng trăm triệu người tiêu dùng và hàng chục triệu xí nghiệp vừa và nhỏ, ảnh hưởng sâu sắc và tạo dựng nền thương mại tương lai.

Nói đến Trương Dũng, không thể không nhắc đến sáng kiến bán hàng khuyến mãi ngày “Tết độc thân 11 tháng 11”, biến ngày này thành “Lễ hội bán hàng”, trở thành hiện tượng kinh doanh lan ra ngoài biên giới Trung Quốc, đến nay chưa có đối thủ nào vượt được Taobao. Số liệu doanh thu của Taobao trong ngày “Tết độc thân 11/11” tăng trưởng liên tục qua các năm thể hiện rõ tài năng của Trương Dũng: năm 2009: 50 triệu NDT (tệ), 2010: 936 triệu tệ, 2011: 3,36 tỷ tệ, 2012: 19,1 tỷ tệ; 2013: 35 tỷ tệ, 2014: 57,1 tỷ tệ, 2015: 91,2 tỷ tệ; 2016: 120,7 tỷ tệ; 2017: 168,2 tỷ tệ.

Với sáng kiến bán hàng khuyến mãi nhân ngày Tết độc thân, Trương Dũng đã biến ngày này thành “Lễ hội bán hàng”, trở thành hiện tượng kinh doanh lan ra ngoài biên giới Trung Quốc
Với sáng kiến bán hàng khuyến mãi nhân ngày Tết độc thân, Trương Dũng đã biến ngày này thành “Lễ hội bán hàng”, trở thành hiện tượng kinh doanh lan ra ngoài biên giới Trung Quốc

Trương Dũng từng đề xuất, mục tiêu trung hạn của Alibaba là đến năm 2020, Gross Merchandise Value (viết tắt GMV - Tổng giá trị giao dịch) của Alibaba đạt 1000 tỷ USD; mục tiêu dài hạn là năm 2036 phục vụ 2 tỷ người tiêu dùng toàn cầu, có 10 triệu xí nghiệp doanh lợi và tạo ra 100 triệu việc làm.

Jack Ma cho biết ông đã chuẩn bị cho việc bàn giao chức Chủ tịch Tập đoàn cho Trương Dũng trùng với kỷ niệm 20 năm thành lập của Alibaba và kế hoạch này đã được vạch ra trong một thập kỷ. “Tôi đã đặt rất nhiều suy nghĩ và chuẩn bị cho kế hoạch kế nhiệm này trong 10 năm”. Ông bày tỏ hoàn toàn tin tưởng vào tài năng của Trương Dũng và nói: “Sự chuyển giao này chứng minh rằng Alibaba đã bước lên cấp quản trị doanh nghiệp mới, từ một công ty dựa vào cá nhân đến một công ty được xây dựng trên hệ thống tổ chức xuất sắc và văn hóa phát triển tài năng”.