Trung Quốc tin Mỹ ra tay ngăn chặn Bắc Kinh "trỗi dậy hòa bình"

VietTimes -- Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ được công bố vào tháng 12/2017 coi Trung Quốc và Nga là những nước lớn theo chủ nghĩa xét lại và đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ. Còn Trung Quốc tin rằng Mỹ đang tìm cách ngăn chặn sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty Images.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty Images.

Bắt đầu từ ngày 23/8, Mỹ tiến hành tăng thuế quan lên 25% hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc trị giá 16 tỷ USD, Trung Quốc đã đáp trả theo mức độ "đối đẳng".
Tổng thống Mỹ Donald Trump còn đe dọa trưng thu thuế quan mới đối với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ trị giá 505 tỷ USD – tờ Nhật báo Trung Quốc ngày 24/8 nhấn mạnh.
Trung Quốc là nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất trên thế giới, có khoảng 60% xuất khẩu đậu tương của Mỹ lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Mỹ là nước xuất khẩu đậu tương lớn thứ hai của Trung Quốc, chỉ sau Brazil. Năm 2017, Trung Quốc đã nhập khẩu 12,7 tỷ USD đậu tương Mỹ, chủ yếu dùng để sản xuất dầu ăn và thức ăn gia súc.
Tranh chấp thương mại Trung - Mỹ buộc ngày càng nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc chuyển sang Nam Mỹ, bao gồm các nước như Brazil, Argentina và Uruguay.
Davie Stephens là một người trồng đậu tương ở bang Kentucky và là phó hội trưởng Hiệp hội đậu tương Mỹ. Khi phản ứng với tuyên bố đánh thuế quan của ông Donald Trump, Davie Stephens nói: "Trung Quốc là nước nhập khẩu lớn nhất của đậu tương Mỹ, chúng ta không thể mất đi thị trường quan trọng này".
Theo Davie Stephens, những người trồng đậu tương và nông thôn sẽ chịu ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Trung - Mỹ trong vài năm tới.
Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Mỹ. Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp của Mỹ sang Trung Quốc đạt 23,8 tỷ USD, chiếm 17% tổng lượng xuất khẩu của Mỹ.
Lượng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc từ năm 2000 - 2017 tăng 700%. Mức sống của người dân Trung Quốc tăng nhanh, kinh tế Trung Quốc từng bước chuyển sang nền kinh tế theo mô hình tiêu dùng, điều này có sức hấp dẫn lớn đối với nông dân và người chăn nuôi Mỹ. Nhưng, hiện nay do bị đe dọa bởi chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, triển vọng thương mại nông nghiệp Trung - Mỹ trở nên mù mịt.
Ngày 9/8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc Hàn Tuấn cho biết "tính bổ sung cho nhau về thương mại nông sản giữa Trung - Mỹ rất mạnh", nhưng ông cảnh báo, chiến tranh thương mại do ông Donald Trump phát động có thể sẽ buộc Trung Quốc tìm đối tác thay thế, một khi Trung Quốc đã tìm được con đường nhập khẩu thay thế Mỹ, nông dân Mỹ có thể rất khó giành lại được thị phần ở Trung Quốc.
Quan hệ lệ thuộc lẫn nhau giữa kinh tế Trung - Mỹ không chỉ thể hiện ở nông nghiệp, hầu như còn ở mọi phương diện của kinh tế.

Máy bay chở khách Boeing Mỹ bán cho Trung Quốc. Ảnh: Chinadaily.
Máy bay chở khách Boeing Mỹ bán cho Trung Quốc. Ảnh: Chinadaily.

Năm 2017, hãng chế tạo máy bay Boeing dự đoán trong 20 năm tới, thị trường hàng không Trung Quốc cần mua khoảng 7.240 máy bay thương mại, tổng trị giá lên tới 1.100 tỷ USD.
Trung Quốc đã tuyên bố áp dụng thuế quan mang tính báo thù đối với máy bay cỡ nhỏ, tạm thời chưa áp dụng biện pháp đối với máy bay cỡ lớn của Boeing. Nhưng cùng với chiến tranh thương mại leo thang, điều này sẽ không thể kéo dài.
Quan hệ thương mại không ngừng xấu đi giữa Trung - Mỹ có thể sẽ cung cấp cơ hội phát triển cho đối thủ cạnh tranh chủ yếu của hãng Boeing trên thị trường Trung Quốc, đó là công ty Airbus của châu Âu.
Trung Quốc là thị trường thương mại lớn nhất của máy bay Boeing, có 1/4 máy bay sản xuất của họ bán cho khách hàng Trung Quốc. Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (International Air Transport Association) dự đoán, tính theo số lượng hành khách, đến năm 2024, Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ trở thành thị trường hàng không lớn nhất toàn cầu.
Từ khi Trung Quốc cải cách mở cửa vào cuối thập niên 1970 đến nay, quan hệ phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế Trung - Mỹ ngày càng rõ rệt. Dưới sự thúc đẩy của đầu tư trực tiếp nước ngoài, mô hình tăng trưởng theo hướng xuất khẩu của kinh tế Trung Quốc làm cho Trung Quốc cung cấp hàng hóa giá rẻ cho người tiêu dùng Mỹ.
Năm 2017, công ty General Motors Mỹ đã tiêu thụ trên 4 triệu chiếc xe hơi ở Trung Quốc, trong khi đó ở nước Mỹ mới tiêu thụ được 3 triệu chiếc.
Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001, đã đẩy nhanh hòa nhập vào nền kinh tế thế giới, giúp cho Trung Quốc trở thành một bộ phận quan trọng của chuỗi cung ứng của các công ty xuyên quốc gia trong đó có rất nhiều công ty Mỹ.
Số liệu công bố của Tập đoàn Rhodium Group có trụ sở ở New York cho thấy, tính đến cuối năm 2017, giao dịch đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Trung Quốc đã trên 256 tỷ USD, Trung Quóc đầu tư trược tiếp tại Mỹ đạt 140 tỷ USD.
Từ năm 1979 đến nay, kim ngạch thương mại Trung - Mỹ đã tăng hơn 200 lần, kim ngạch thương mại Trung - Mỹ năm 2017 đã đạt 636 tỷ USD, xuất siêu thương mại hàng hóa của Trung Quốc với Mỹ đạt 375 tỷ USD. Nhưng, xuất siêu thương mại dịch vụ của Mỹ với Trung Quốc năm 2017 là 38,5 tỷ USD; con số này dự tính sẽ nhanh chóng tăng lên cùng với việc Trung Quốc tiếp tục mở cửa ngành dịch vụ tài chính.
Một nghiên cứu vào năm 2017 của Viện nghiên cứu kinh tế Oxford cho thấy, thương mại Trung - Mỹ đã cung cấp 2,6 triệu việc làm cho Mỹ, giúp các gia đình phổ thông Mỹ tiết kiệm được 850 USD/năm.
Nhà nghiên cứu lịch sử Niall Ferguson và nhà nghiên cứu kinh tế Moritz Schularick sử dụng từ "Chimerica" (gộp hai nước Trung Quốc và Mỹ làm một) để hình dung về hai nền kinh tế Trung - Mỹ, bởi vì quan hệ giữa chúng rất chặt chẽ.
Nhà nghiên cứu cao cấp Stephen Roach, Viện nghiên cứu các vấn đề toàn cầu Jackson, Đại học Yale, Mỹ cho rằng mức độ phụ thuộc kinh tế giữa Trung - Mỹ ngày càng cao. Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất của thế giới, cần có sự ủng hộ của người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ.
Cựu chủ tịch khu vực châu Á kiêm nhà kinh tế học hàng đầu Stephen Roach của Morgan Stanley cho rằng Mỹ lệ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc, giúp cho những người tiêu dùng thu nhập thấp có thể duy trì cuộc sống.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Mỹ và cũng là thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ, đồng thời cũng là quốc gia mua trái phiếu chính phủ và tài sản đồng USD khác nhiều nhất của Mỹ, chắc chắn là điểm tựa rất quan trọng đối với thâm hụt ngân sách lâu dài của Mỹ.

Vừa qua, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn đến Mỹ để tiến hành đàm phán nhằm giải quyết vấn đề chiến tranh thương mại, nhưng không đạt được kết quả gì. Ảnh: Sohu.
Vừa qua, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn đến Mỹ để tiến hành đàm phán nhằm giải quyết vấn đề chiến tranh thương mại, nhưng không đạt được kết quả gì. Ảnh: Sohu.

Vấn đề dự trữ
Nhà nghiên cứu Stephen Roach cho rằng: “Cùng với sự thay đổi của thời gian, việc tái cân bằng của Trung Quốc sẽ đem cơ cấu nhu cầu chuyển từ xuất khẩu sang tiêu dùng trong nước, tôi nghi ngờ quan hệ lệ thuộc lẫn nhau giữa Trung - Mỹ sẽ giảm đi”.
Stephen Roach cho rằng cùng với Trung Quốc từ dự trữ thặng dư chuyển sang dự trữ hấp thụ, dự trữ còn lại dùng để hỗ trợ Mỹ sẽ tương đối ít. Vấn đề dự trữ của Mỹ có thể sẽ ngày càng trở nên gay go bởi sự mở rộng thâm hụt ngân sách nhanh chóng trong vài năm tới. Việc Trung Quốc giảm dự trữ và Mỹ lãng phí cơ hội tái dự trữ luôn là mối đe dọa lớn nhất đối với sự phụ thuộc lẫn nhau của hai bên.
Sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy tái cân bằng kinh tế để tránh bẫy thu nhập trung bình, đồng thời đưa nền kinh tế từ mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và đầu tư nợ sang mô hình phát triển kinh tế bền vững dựa vào tiêu dùng trong nước, sáng tạo và nâng cao sức cạnh tranh toàn cầu của chuỗi cung ứng.
Cùng với tiêu dùng, dịch vụ và lĩnh vực công nghệ trở thành động lực mới của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, Trung Quốc đã đạt được thành công to lớn về tái cân bằng kinh tế.
Một báo cáo hồi tháng 5 của công ty tư vấn McKinsey cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ. Thị trường thương mại điện tử Trung Quốc từ con số 0 đến nay đã trở thành thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới, chiếm 40% lượng giao dịch toàn cầu trở lên trong ngành này.
Do người tiêu dùng Trung Quốc sớm đặc biệt hoan nghênh hình thức thanh toán di động, kim ngạch giao dịch thanh toán di động của Trung Quốc hiện nay gấp 11 lần Mỹ.
Từ đường sắt cao tốc đến sân bay, rồi đến cầu, đường cao tốc và hệ thống đường sắt, sự phát triển nhanh chóng của xây dựng cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc đã để lại ấn tượng sâu sắc cho thế giới.
Sự phát triển nhanh chóng về kinh tế không chỉ đã làm cho Trung Quốc trở thành đối tác thương mại của Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác, mà còn từng bước được coi là đối thủ cạnh tranh của họ. Mối liên hệ kinh tế ngày càng chặt chẽ cũng đã dẫn đến nhiều va chạm, xung đột hơn.
Nhiều năm qua, Trung Quốc và Mỹ luôn tiến hành đối thoại để giải quyết những quan ngại của nhau, chẳng hạn Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung - Mỹ thường niên và Ủy ban hỗn hợp thương mại, nội dung đối thoại từ trợ cấp chính phủ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đến hạn chế đầu tư và xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ bỏ cách làm này. Ông không tham gia đối thoại, mà trực tiếp phát động cuộc chiến thuế quan đe dọa Trung Quốc và các nước khác trên thế giới, trong đó lấy an ninh quốc gia làm lý do, sử dụng Điều 301 của Luật Thương mại Mỹ năm 1974. Điều khoản này trao quyền cho Tổng thống áp dụng hành động báo thù đối với chính phủ nước ngoài trong một số trường hợp.
Nhà nghiên cứu Simon Lester từ Viện nghiên cứu Cato cho rằng Mỹ sẽ thua bất cứ vụ kiện nào nhằm vào thuế quan của Điều 301, nhưng các vụ kiện có thể phải mất thời gian vài năm.
“Tôi cho rằng ông ấy (Donald Trump) thực sự tin rằng thâm hụt thương mại song phương là bất lợi. Ông ấy không phải là người duy nhất giữ quan điểm này, chỉ là người có tiếng nói mạnh mẽ nhất” – Simon Lester nhận định.
Henry Levine, cố vấn cấp cao của công ty tư vấn – Tập đoàn Albright Stonebridge, cựu phó trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho rằng ông Donald Trump quyết định trưng thu thuế quan mang tính trừng phạt đối với Trung Quốc đã phản ánh hai tín điều lâu dài của ông: Thứ nhất, thương mại là một trò chơi tổng bằng không. Thứ hai, trong mấy chục năm qua, các nước khác luôn thông qua xuất siêu thương mại để chiếm lấy lợi ích của Mỹ, đồng thời dựa vào đó để đảm bảo an ninh trong tình hình không gánh trách nhiệm công bằng.
Đa số các nhà kinh tế học không đồng ý với quan điểm về thâm hụt thương mại của ông Donald Trump. Nhà nghiên cứu Simon Lester cho rằng quan điểm của ông Donald Trump là sai lầm. Từ năm 1976 đến nay, hàng năm Mỹ đều nhập siêu thương mại, ở mức độ rất lớn nguyên nhân là ở chính sách tài chính, tỷ lệ dự trữ trong nước thấp, chức năng làm đồng tiền dự trữ toàn cầu của đồng USD Mỹ.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của hãng Apple Mỹ có thể bị ảnh hưởng lớn từ chiến tranh thương mại Trung - Mỹ. Ảnh: Telegraph.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của hãng Apple Mỹ có thể bị ảnh hưởng lớn từ chiến tranh thương mại Trung - Mỹ. Ảnh: Telegraph.

Do Trung Quốc đã trở thành một dây chuyền của các công ty xuyên quốc gia, nhập siêu thương mại của Mỹ với Trung Quốc đang dẫn dắt sai lầm cho công chúng. Một ví dụ thường được nhắc đến là điện thoại di động iPhone, linh kiện của nó đến từ các khu vực trên thế giới. Trung Quốc chỉ tăng chi phí lao động khoảng 10 USD cho mỗi chiếc iPhone, nhưng dựa vào tính toán của hải quan Mỹ, con số này là trên 300 USD khi Trung Quốc xuất khẩu.
Theo hãng tin Reuters, năm 2017, chỉ iPhone đã đóng góp 15,7 tỷ USD cho thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, chiếm 4,4% thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
Chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp như vậy làm cho nhà kinh tế học Mary Lovely của Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson đưa ra kết luận: Thuế quan của Điều 301 mà ông Donald Trump trưng thu từ Trung Quốc thực sự không có lợi cho các nhà sản xuất Mỹ, đồng thời gây thiệt hại cho các đồng minh của Mỹ ở Đông Á.
David Dollar, nhà nghiên cứu cao cấp Viện Brookings, cựu đặc phái viên Bộ Tài chính Mỹ tại Bắc Kinh cũng đồng quan điểm này, cho rằng: “Cùng với việc Mỹ trưng thu thuế quan (đối với Trung Quốc), các nước khác cũng sẽ cảm thấy bị ảnh hưởng 50%”. Theo ông, những thiệt hại đi kèm sẽ còn lan đến các công ty Mỹ tiến hành sản xuất và kinh doanh tại Trung Quốc.
Ông Donald Trump luôn quy tội việc việc mất đi việc làm của người Mỹ cho Trung Quốc, nhưng đa số các nhà kinh tế học cho rằng, điều này là do tiến trình tự động hóa của doanh nghiệp, chứ không phải là do Trung Quốc hay Mexico.
Trong nhiệm kỳ của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, Trung Quốc và Mỹ từng tiến hành đàm phán về Hiệp định đầu tư song phương, dự tính hiệp định này sẽ có lợi cho tăng cường mức độ lệ thuộc kinh tế giữa hai nước trong thế kỷ 21.
Số liệu của công ty tư vấn Rhodium Group cho thấy hiện nay có khoảng 150.000 việc làm ở Mỹ là nhờ có đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Dưới sự lãnh đạo của chính quyền Donald Trump, đàm phán Hiệp định đầu tư song phương rơi vào đình trệ, cho dù giới doanh nghiệp khẳng định đây là một trong những hiệp định song phương có lợi cho Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ tăng cường hạn chế Trung Quốc đầu tư tại Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Vào ngày 13/8, ông Donald Trump đã ký Luật hiện đại hóa đánh giá rủi ro đầu tư nước ngoài (FIRRMA), đây là một phần của Luật ủy quyền quốc phòng (National Defense Authorization Act).
Mặc dù FIRRMA không chỉ rõ đối tượng là đầu tư của Trung Quốc, nhưng căn cứ vào luật mới, dự tính đầu tư trực tiếp của Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học công nghệ sẽ đối mặt với các cuộc xét duyệt nghiêm khắc nhất trong lịch sử.
Hiệu ứng kinh tế
Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ được công bố vào tháng 12/2017 coi Trung Quốc và Nga là những nước lớn theo chủ nghĩa xét lại và đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ.

Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ có khả năng kéo dài dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Oneplusnews.
Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ có khả năng kéo dài dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Oneplusnews.

Nhà nghiên cứu cao cấp Gary Hufbauer từ Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson cho rằng các phân tích của bản thân ông và đồng nghiệp cho thấy sự lệ thuộc lẫn nhau về kinh tế rất có lợi cho Mỹ. Nhưng ông cho rằng chỉ cần Tổng thống là ông Donald Trump, sự lệ thuộc lẫn nhau về thương mại và đầu tư giữa Mỹ và các nước khác sẽ giảm đi.
Cựu phó trợ lý Bộ trưởng phụ trách chính sách thương mại và đầu tư quốc tế Bộ Tài chính Mỹ Gary Hufbauer cho rằng: “Điều này rất đáng tiếc, hơn nữa sẽ gây tổn thất cho cả hai nước về sáng tạo và hiệu quả kinh tế”.
Douglas Paal, phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie cho rằng mục tiêu của rất nhiều người trong Chính phủ và Quốc hội Mỹ là giảm, thậm chí tìm cách loại bỏ sự lệ thuộc lẫn nhau về kinh tế. “Chính phủ hai nước đều chưa ý thức được cái giá phải trả cho việc làm như vậy là gì”.
Nhà nghiên cứu Stephen Roach từ Đại học Yale đã phản bác sự tấn công của Mỹ đối với chính sách công nghiệp của Trung Quốc, cho rằng rất nhiều quốc gia công nghiệp hóa cũng thực hiện hoặc từng thực hiện chính sách như vậy. Ông còn phản bác quan điểm cho rằng các công ty nước ngoài bị ép chuyển nhượng bản quyền sở hữu trí tuệ khi lập liên doanh ở Trung Quốc.
Stephen Roach cho rằng chính phủ hai nước cần chấm dứt tăng thuế quan lên nhau. “Thuế quan gây thiệt hại cho lợi ích, trên thế giới không tồn tại chiến tranh thương mại có ích”. Stephen Roach phản bác quan điểm “chiến tranh thương mại là tốt, hơn nữa dễ dàng giành chiến thắng” do ông Donald Trump đăng trên Twitter trước đây.
Theo Stephen Roach, hai nước cần tập trung xây dựng một khuôn khổ WTO kiện toàn hơn, xử lý tranh chấp thương mại trong khuôn khổ hệ thống lấy quy tắc làm nền tảng, được hai nước ủng hộ lâu dài.
Stephen Roach cảnh báo, cùng với sự thay đổi của thời gian, quan điểm của mọi người có rủi ro trở thành hiện thực: Mỹ bắt đầu tin rằng Trung Quốc ăn cắp công nghệ, phát minh; còn Trung Quốc bắt đầu cho rằng Mỹ đang tìm cách ngăn chặn sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc.
“Tranh chấp hiện nay càng gay gắt, những quan điểm này sẽ càng có khả năng ăn sâu trong lòng người ở hai nước. Việc tiếp tục nhấn mạnh tính cấp bách giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay là không có gì quá mức” – Stephen Roach kết luận.