|
Ông Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank. (Ảnh: T. Xuân - Thanhnien.vn) |
Tại Đại hội đồng cổ đông Sacombank diễn ra cách đây 1 tháng, vào ngày 30/06/2016, rất nhiều cổ đông Sacombank đã kêu gọi và yêu cầu ông Trầm Bê hiện diện. “Ổng đi ổng phải chào chúng tôi chứ”, một nữ cổ đông nói.
Nhưng bất chấp sức nóng của hội trường và khuất mắt khỏi những bức xúc của cổ đông, ông Bê đã không xuất hiện. Thông qua Chủ tọa Đại hội lúc đó, là ông Kiều Hữu Dũng, ông Bê đã gửi lời xin lỗi các cổ đông Sacombank.
Như giải thích của ông Dũng, thì ông Bê đã ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện quyền cổ đông của mình tại Sacombank nên không còn tư cách để đến dự đại hội cổ đông của ngân hàng.
…
Trong một diễn biến mới nhất, chiều 1/8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Trầm Bê – bị can được giới thiệu là nguyên Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank.
Bị khởi tố cùng ông Bê còn có một cộng sự thân thiết của ông, từ ngày còn ở Ngân hàng Phương Nam: ông Phan Huy Khang, nguyên là thành viên hội đồng tín dụng, nguyên Tổng giám đốc Sacombank.
Cả hai bị khởi tố vì hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Việc khởi tố ông Bê và ông Khang được cho là nằm trong việc mở rộng điều tra đại án Phạm Công Danh.
….
Quyết định khởi tố có lẽ sẽ chính thức khép lại sự nghiệp thương trường lừng lẫy nhưng cũng nhiều thị phi của nhà tài phiệt gốc Hoa, có tuổi thơ gắn bó với cộng đồng người Khơ-me.
Nhìn lại sự nghiệp thương trường của nhà tài phiệt này, thương vụ quy mô nhất, ngoạn mục nhất, danh tiếng (và tai tiếng?) nhất có lẽ phải kể đến việc thâu tóm Sacombank. Nhưng đáng tiếc, thương vụ tưởng như ngoạn mục ấy lại khởi thủy cho những sóng gió không ngờ, nguồn cơn cho những sai lầm để phải trả giá đắt.
….
Cùng nhìn lại 3 năm “triều đại” Trầm Bê tại Sacombank. Bài viết chỉ đề cập đến giai đoạn từ khi ông Trầm Bê bắt đầu “tham chính” - tháng 5/2012, cho đến khi rời đi – vào tháng 11/2015. Khi đó, Sacombank vẫn nguyên bản, không phải là Sacombank đã có một phần SouthernBank trong nó (hậu sáp nhập):
Về hình thức, ông Trầm Bê chưa từng đứng danh Chủ tịch một nhà băng. Cương vị cao nhất mà ông này đảm nhiệm chỉ là Phó Chủ tịch HĐQT, chia làm hai giai đoạn và ở hai ngân hàng khác nhau. Trong đó, nhiệm kỳ tại Southern Bank kết thúc vào tháng 4/2012, còn nhiệm kỳ tại Sacombank thì bắt đầu ngay sau đó, tháng 5/2012.
“Con đường di chuyển giữa hai văn phòng cũ – mới chỉ vỏn vẹn có vài kilomet nhưng con đường dịch chuyển giữa hai cương vị lại lắt léo và khó phát hiện như “đường chiến dịch”” – một kẻ ví von nhân sự kiện “chuyển công tác” của ông Trầm Bê.
Nhớ lại khi ấy, tại đại hội cổ đông thường niên 2012, Sacombank ra mắt tân HĐQT với 8/10 gương mặt “mới toanh”, trong đó có tới 4 người liên quan đến Southern Bank (Trầm Bê, Trầm Khải Hòa, Phan Huy Khang, Dương Hoàng Quỳnh Như) và 2 người liên quan đến Eximbank – cổ đông tuyên bố đại diện cho 51% cổ phần và “đòi” bầu lại HĐQT (Phạm Hữu Phú, Nguyễn Miên Tuấn).
Hai nhân vật hiếm hoi tái cử là cha con ông Đặng Văn Thành - Đặng Hồng Anh. Tuy nhiên, kết cục chóng vánh vẫn diễn ra.
“Triều đại” 19 năm của Đặng gia tại Sacombank khép lại bằng bức thư từ nhiệm dài nửa trang A4, do đích thân Chủ tịch Thành tự thảo vào thượng tuần tháng 11/2012.
Cơn “chính biến” cũng nhanh chóng xác lập một triều đại mới: “Trầm triều” – Sacombank dưới “triều đại” Trầm Bê.
Tương tự thời ở Southern Bank (ngân hàng mà Trầm gia sở hữu đến 21% cổ phần), tại trị sở mới, ông Bê cũng chỉ lộ diện với vai trò Phó Chủ tịch HĐQT.
Dù số liệu thực sự về sở hữu của Trầm gia tại STB không được tiết lộ nhưng quan sát mạng lưới “tâm phúc” của gia tộc này tại thượng tầng Sacombank, phần nào thấy “tầm”. Xét riêng HĐQT, đã có thể điểm mặt chỉ tên ít nhất 3 người gốc gác PNB, ngoài Phó Chủ tịch Bê.
Di sản “Trầm triều”
Gia đình ông Đặng Văn Thành chính thức rút lui khỏi STB từ cuối năm 2012 nên tạm chọn ngày 31/12/2012 là gốc thời gian để xem xét sức khỏe Sacombank dưới giai đoạn “Trầm triều”.
Cụ thể, tại thời điểm đó, tổng tài sản Sacombank đạt 161.378 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 17.064 tỷ đồng, chiếm 10,6%. Tiền gửi huy động đạt 131.644 tỷ đồng, trong khi, cho vay khách hàng đạt 110.566 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ LDR (cho vay/huy động) là 84%. Kết thúc năm 2012, STB báo lãi ròng 2.229 tỷ đồng, hiệu suất sinh lời ROA đạt 1,42%.
Sau 2,5 năm “Trầm triều”, tới báo cáo tài chính bán niên 2015, tổng tài sản STB tăng trưởng 30,6% lên mức 210.778 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 12,24%/năm. Vốn chủ sở hữu tăng trưởng trung bình 4,44%/năm lên 18.959 tỷ đồng. Huy động vốn tăng trưởng trung bình 14,7%/năm lên mức 179.941 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng trưởng trung bình 10,9%/năm lên 140.407 tỷ đồng. Tỷ lệ LDR đạt 78%. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2015, ngân hàng báo lãi ròng 1.180 tỷ đồng, chênh lệch không đáng kể so với con số lãi ròng 1.174 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm 2012.
Thoạt nhìn các so sánh số học vừa đề cập, có thể thấy tình hình hoạt động kinh doanh của Sacombank đã phát triển tương đối khả quan dưới thời của đại gia Trầm Bê.
Thậm chí, câu chuyện về nợ xấu (NPL) cũng khá ổn khi tỷ lệ nợ xấu luôn được duy trì ở mức thấp và có xu hướng giảm. Cụ thể, tại ngày 31/12/2012, giá trị NPL của Sacombank là 1.610 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu 1,46%. 2,5 năm sau, đến ngày 30/6/2015, giá trị NPL là 1.698 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ nợ xấu giảm về chỉ còn 1,21%.
Song cần phải nhớ, so với con số NPL cuối năm 2012, số liệu bán niên 2015 đã bớt được một lượng nợ xấu đáng kể thông qua việc “chuyển khẩu” thành các khoản trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Tổng mệnh giá trái phiếu đặc biệt tại ngày 30/6/2015 mà Sacombank nắm giữ là 6.236 tỷ đồng, và theo nhiều chuyên gia, 6.236 tỷ đồng này về bản chất vẫn là nợ xấu.
Hay có nghĩa rằng, ngoài những số liệu tăng trưởng khả quan về tài sản, sau 2,5 năm tồn tại, “triều đại” Trầm Bê cũng đã kịp tạo cho Sacombank thời điểm đó tương đối nợ xấu.
Nước cờ cuối…
Nếu phải lựa chọn một sự kiện “ghi dấu” giai đoạn cầm quyền của Trầm gia tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, có lẽ không gì biểu tượng hơn thương vụ sáp nhập Southern Bank – Sacombank. Thậm chí, có người còn gọi đó là “nước cờ cuối trong thế trận thâu tóm của Trầm Bê”.
Quan điểm trên từng có không ít có cơ sở, chí ít là cho đến ngày 13/8/2015.
Trước đó một hôm, ngày 12/8, khi NHNN quyết định “chấp thuận nguyên tắc việc sáp nhập NHTMCP Phương Nam (PNB) vào NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) trên cơ sở tự nguyện của 02 ngân hàng về sáp nhập, hợp nhất, mua lại TCTD”, nhiều người đã tin rằng “đại nghiệp” của Trầm gia đã thành công rực rỡ.
Nhưng, cũng chỉ một ngày sau, 13/8/2015, khi thông tin “ông Trầm Bê tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo qui định của pháp luật và Điều lệ ngân hàng PNB, Điều lệ ngân hàng Sacombank sau khi nhận sáp nhập PNB đối với toàn bộ số cổ phần tại Sacombank, PNB và ngân hàng sau sáp nhập thuộc quyền sở hữu của ông Trầm Bê và các bên có liên quan” bất ngờ phát đi thì tất cả mới vỡ lẽ rằng, tham vọng thôn tính Sacombank của Trầm gia, không biết từ lúc nào, vốn đã tan như “bong bóng xà phòng”.
Không có được Sacombank đã đành, Trầm gia thậm chí còn chẳng giữ nổi Southern Bank – nhà băng phát tích của mình. Diễn biến thực tế đã “bỏ nhỏ” suy luận của quá nhiều người (!).
Tại thời điểm đó, cũng có ý kiến khen rằng, với quyết định tự nguyện ủy quyền cổ phần cho NHNN, ông Trầm Bê đã đi nước cờ cuối cùng… quá “tỉnh”.
Ngay cả việc quyết định sáp nhập một Southern Bank đang “nguy kịch” vào một Sacombank “giàu sức đề kháng” trước đó cũng là một bước đi đầy ranh mãnh của “ông trùm” quê Trà Vinh, nhất là trong bối cảnh bấy giờ của thị trường tài chính.
Dù cho đã xử lý nước cờ chót cực kỳ tháo vát thì tất nhiên, câu chuyện cũng chỉ ra sự kém duyên và nhiều ít hạn chế của đại gia Trầm Bê trong sân chơi tài chính – ngân hàng.
Và rồi, kết cục cuối cùng cũng xảy ra. HĐQT Sacombank đã thống nhất ban hành Nghị quyết số 65/2015/NQ - HĐQT quyết nghị cho ông Trầm Bê thôi giữ chức Phó chủ tịch thường trực từ 11/11/2015 theo “nguyện vọng cá nhân”.
Nhà tài phiệt gốc Hoa “đoạn duyên” ngân hàng theo một cách âm thầm nhất có thể./.