Theo quyết định 1258 của Thủ tướng Chính phủ (ban hành năm 2020), số thủ tục hành chính phải triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia là 261 thủ tục, tăng thêm 10 thủ tục so với quyết định trước đó.
Theo đánh giá, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, các bộ, ngành đã tích cực phối hợp với cơ quan thường trực là Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) trong việc triển khai các thủ tục hành chính mới thông qua Cơ chế một cửa quốc gia theo kế hoạch được giao.
Theo thống kê, đến hết tháng 6, tổng số đã có 249 trong tổng số 261 thủ tục hành chính được triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia. Nhiều bộ, ngành đã hoàn thành kế hoạch được giao. Cụ thể, Bộ Y tế với tổng số 56 thủ tục, Bộ TT&TT với 5 thủ tục, Bộ VHTT&DL với 1 thủ tục và Ngân hàng Nhà nước có 2 thủ tục.
|
Cơ chế một cửa quốc gia đem lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, người dân. Ảnh: Duy Vũ |
Các bộ, ngành còn lại đang tiếp tục triển khai thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia gồm: Bộ Công Thương (6 thủ tục); Bộ Giao thông vận tải (1 thủ tục liên ngành); Bộ NN&PTNT (1 thủ tục). - đang đề nghị chưa triển khai xây dựng phần mềm này); Bộ Quốc phòng (1 thủ tục); Bộ TNMT (1 thủ tục); Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) (1 thủ tục); Bộ LĐTB&XH (1 thủ tục).
So với năm 2020, đã có 42 thủ tục hành chính mới được triển khai thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Các thủ tục còn lại đang trong quá trình triển khai. Theo đánh giá, cơ sở hạ tầng, cổng thông tin một cửa quốc gia và các hệ thống quản lý chuyên ngành của các bộ, ngành đã được nâng cấp, bổ sung trang, thiết bị nên tỉ lệ sự cố và lỗi phát sinh liên quan đến hệ thống đã được hạn chế.
Đối với công tác cải cách kiểm tra chuyên ngành, các bộ, ngành đã hoàn thành gần 89,5% kế hoạch khi sửa đổi, bổ sung 34/38 văn bản. Số văn bản đang sửa đổi bổ sung 2/38, chiếm 5,26 %; còn số văn bản chưa triển khai chiếm 5,26 %.
Thời gian qua, các bộ, ngành đã ban hành 51/60 danh mục hàng hóa kèm mã số HS (chiếm 85% kế hoạch). Các danh mục đang làm 5/60, chiếm tỷ lệ 8,3%. Ngoài ra, vẫn còn 4/60 danh mục chưa được thực hiện, chiếm tỷ lệ 6,7%.
Bên cạnh đó đã hoàn thành ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc loại bỏ khỏi danh mục hàng hóa nhóm 2 và danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu cho 22/22 nhóm hàng. Đặc biệt, loại bỏ 3 nhóm hàng phế liệu khỏi danh mục phế liệu được phép nhập khẩu phục vụ sản xuất của Bộ TN&MT; loại bỏ 2 nhóm hàng khỏi danh mục hàng hóa nhóm 2 phải kiểm tra chất lượng của Bộ Y tế.
Nhiều bộ, ngành đã chuyển đổi thời điểm kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ tiền kiểm sang hậu kiểm, chẳng hạn như: Bộ Công Thương và Bộ KH&CN đã chuyển hơn 90%; Bộ TT&TT và Bộ Công an đã chuyển 100% mặt hàng sang hậu kiểm.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã bước đầu áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Một số văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng: Tăng đối tượng được miễn kiểm tra; áp dụng miễn giảm kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa đã có 3 lần nhập khẩu đạt yêu cầu; thay đổi phương thức kiểm tra an toàn thực phẩm từ kiểm tra chặt đối với tất cả các lô hàng nhập khẩu sang áp dụng 3 phương thức kiểm tra chặt, thông thường, giảm.
Từ nay đến cuối năm 2022, các bộ, ngành sẽ tiếp tục hoàn thành triển khai 12 thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Đồng thời tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia theo nhiệm vụ được giao.
Theo ICTNews