Đây là kết quả mới công bố của cuộc khảo sát do Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân phối hợp với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Chính phủ, các hiệp hội thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện nhằm làm rõ thực trạng thực hiện thủ tục hành chính của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19.
Khảo sát tổng kết ý kiến của 861 doanh nghiệp trên cả nước cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp có thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường mạng là khá cao ở tất cả các nhóm thủ tục hành chính được khảo sát, đều trên trên 50% bao gồm cả hình thức trực tuyến hoàn toàn và trực tuyến kết hợp trực tiếp, trừ nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đất đai thì tỷ lệ này mới đạt gần 40%.
Lượng các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến hoàn toàn vẫn còn ở mức độ khiêm tốn, trung bình là khoảng 17%, phổ biến ở mức 10 - 12%, riêng nhóm thủ tục hành chính liên quan đến thuế và khởi sự doanh nghiệp có tỷ lệ hoàn toàn trực tuyến là khá cao so với các nhóm thủ tục hành chính khác, đạt tỷ lệ 30% và 28%.
Việc thực hiện thủ tục hành chính nói chung và việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng nói riêng đã có những thuận lợi nhất định cho doanh nghiệp, với 17,3% doanh nghiệp tham gia trả lời khảo sát cho biết thời gian thực hiện thủ tục hành chính đã giảm hơn trước; 16% doanh nghiệp cho biết đã có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về quy trình, thủ tục cho người thực hiện; giảm yêu cầu về tài liệu, giấy tờ so với trước (12,1%); thực hiện được thủ tục hành chính 24/7 (11,5%) hay thanh toán phí, lệ phí, phí dịch vụ đã thuận tiện hơn (10,4%).
Riêng với thủ tục hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19, điểm sáng là 68% doanh nghiệp tham gia khảo sát trả lời đã thực hiện trên môi trường mạng.
Dẫu vậy, bên cạnh những thuận lợi, kết quả khảo sát cũng cho thấy việc thực hiện thủ tục hành chính của doanh nghiệp nhìn chung còn nhiều khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Cụ thể, 45% doanh nghiệp cho biết khó khăn họ gặp phải là khi có vướng mắc trong thực hiện thủ tục hành chính thì không biết hỏi ai để giải đáp; 34% doanh nghiệp cho biết hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính được chấp nhận ở cơ quan hành chính này nhưng lại không được chấp nhận ở cơ quan hành chính khác với cùng thủ tục; 16% doanh nghiệp cho biết họ phải trả thêm chi phí không chính thức khi thực hiện thủ tục hành chính...
Riêng với việc thực hiện thủ tục hành chính trên mạng, dù tỷ lệ thực hiện tăng cao nhưng doanh nghiệp vẫn phản ánh còn có những hạn chế cụ thể như: 30% doanh nghiệp cho biết việc nộp hồ sơ trên mạng thường không có phản hồi, 17% doanh nghiệp bị từ chối nhưng không rõ lý do. Thậm chí, việc nộp trực tuyến lại mất nhiều thời gian hơn so với nộp trực tiếp (12% doanh nghiệp), doanh nghiệp phải thực hiện trên nhiều trang giao diện khác nhau mới hoàn thành thủ tục (11%) và không thanh toán được trực tuyến hay văn bản ký số không được chấp nhận (7%).
Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cũng ghi nhận đánh giá của các doanh nghiệp về nguyên nhân của các vướng mắc trong thực hiện thủ tục hành chính cả từ phía cung cấp dịch vụ cũng như bên thực hiện thủ tục.
Nhận được báo cáo này của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ về thực trạng cung cấp, thực hiện thủ tục hành chính trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ tiến hành nghiên cứu, tiếp thu các khuyến nghị được tổng hợp tại Báo cáo của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ thiết thực cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
"Đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu, hình thành các dữ liệu dùng chung, cung cấp dịch vụ công trực tuyến giữa Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công của các bộ, ngành với Hệ thống phần mềm một cửa của các địa phương theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm trên cơ sở tái cấu trúc các quy trình thủ tục, tạo thuận lợi cho người dùng và rà soát tổng thể quy định pháp lý liên quan để chuyển đổi hình thức thực hiện từ trực tiếp sang trực tuyến" - Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá thực tiễn, làm rõ những hạn chế về quy định và thực thi liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, để triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách hỗ trợ, góp phần đẩy mạnh an sinh, mang lại động lực cho nỗ lực phục hồi, phát triển của doanh nghiệp.