Apple sẽ tiếp tục ưu tiên sử dụng vật liệu tái chế trong các sản phẩm của mình. Được biết, chúng chiếm gần 20% tổng số vật liệu được sử dụng trong các sản phẩm của hãng vào năm 2021.
Theo Báo cáo Tiến bộ Môi trường năm 2022 của Apple, công bố vài ngày trước Ngày Trái đất 22/4. Gần 20% của tất cả các vật liệu được sử dụng trong các sản phẩm của Apple vào năm 2021 là kết quả của quá trình tái chế, chiếm tỷ lệ cao nhất chưa từng có trước đây về hàm lượng tái chế đạt được. Con số này bao gồm 59% nhôm trong các sản phẩm Apple xuất xưởng đến từ các nguồn tái chế, với một số sản phẩm chứa 100% vật liệu tái chế bên trong vỏ máy. Apple đã công bố thông tin chi tiết mới về tiến trình này trong Báo cáo Tiến bộ Môi trường năm 2022.
Apple cũng thông báo 45% nguyên tố đất hiếm và 30% thiếc sẽ được tái chế. Cuối cùng, khoảng 13% coban tái chế được chứng nhận sẽ sử dụng trong pin iPhone. Nhà sản xuất iPhone cũng thông báo họ đã loại bỏ gần như toàn bộ nhựa trong hộp sản phẩm của mình, đồng thời cho biết iPhone 13 là thiết bị đầu tiên của công ty không chứa vật liệu nhựa để đóng gói. Apple hy vọng sẽ loại bỏ tất cả việc sử dụng nhựa trong hộp đựng sản phẩm của mình vào năm 2025.
Lợi ích của việc tái sử dụng tất cả vật liệu này là sẽ làm giảm việc khai thác cho những vật liệu mới. Apple cho biết: "Trong 1 tấn iPhone được tái chế, lượng vàng thu hồi bằng 300 lần so với việc khai thác một tấn quặng". Ngoài việc tái sử dụng vật liệu, Apple cũng đã phân phối 12,2 triệu thiết bị tân trang vào năm ngoái.
Ảnh: Gizchina |
Ngoài những tiến bộ trong lĩnh vực tái chế, Apple tiết lộ rằng họ đã sử dụng một chiếc máy mới có tên Taz sử dụng “công nghệ giống như máy hủy tài liệu” để tách nam châm khỏi các mô-đun âm thanh và thu hồi các nguyên tố đất hiếm bổ sung. Hơn nữa, công ty cho biết robot tháo rời iPhone, Daisy đã được cải tiến để có thể tháo rời 23 loại iPhone. Ngoài ra còn có một robot khác đang được sử dụng tên là Dave, có nhiệm vụ tháo rời Taptic Engine giúp thu hồi nam châm đất hiếm, vonfram và thép.
Mặc dù Apple có khả năng chế tạo tất cả các robot có thể thu hồi các thành phần để tái sử dụng nhưng các công ty khác có thể không có những khả năng này. Để hỗ trợ các công ty khác, Apple cho biết họ cấp phép miễn phí các bằng sáng chế của Daisy cho các công ty khác để họ có thể chế tạo robot thực hiện các nhiệm vụ tương tự, điều sẽ giúp các công ty khác trở nên thân thiện với môi trường nhanh chóng hơn.
Sử dụng vật liệu tái chế chỉ là một phần trong chiến dịch trung hòa carbon kể từ năm 2020 của Apple, khi công ty đã chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo để cung cấp năng lượng cho hệ sinh thái các văn phòng, cửa hàng và trung tâm dữ liệu kể từ năm 2018. Bằng cách loại bỏ bộ sạc và tai nghe khỏi iPhone của mình vào năm 2020 để giảm rác thải điện tử, chiến lược này đã tiết kiệm cho công ty gần 6 tỉ USD.
“Chúng tôi đang đạt được tiến bộ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và một ngày nào đó sẽ tạo ra các sản phẩm không sử dụng nguyên liệu từ trái đất”, bà Lisa Jackson, Phó chủ tịch về môi trường, chính sách và sáng kiến xã hội của Apple, cho biết. “Khi chuỗi cung ứng toàn cầu của chúng tôi chuyển đổi sang năng lượng sạch thì đây sẽ là con đường để các công ty khác noi theo”, bà nói thêm.
Theo Apple, Gizchina