Du khách quốc tế đến với di sản phố cổ Hội An luôn tăng |
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, qua 20 năm được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Toàn bộ hệ thống đền tháp, nhà cổ đều được bảo tồn nguyên vẹn, đảm bảo tính chân xác của di tích, góp phần tạo nên sức hấp dẫn thu hút khách tham quan.
Tại lễ kỷ niệm diễn ra tối 8/9 tại Khu đền tháp Mỹ Sơn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự cùng Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện và 4.500 đồng bào, người dân. |
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 20 năm Hội An-Mỹ Sơn được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết, thời gian qua, Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An được quản lý và bảo tồn ngày càng tốt hơn các di sản vật thể kiến trúc, cùng cảnh quan sinh thái và không gian văn hóa. Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An đã trở thành một trong những điển hình bảo tồn đa dạng tài nguyên sinh thái, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Các di sản dã được bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và trở thành cầu nối với bè bạn năm châu.
Sau 20 năm, lượng khách tham quan đến Hội An, Mỹ Sơn tăng đều hằng năm, năm sau cao hơn năm trước. Theo thống kê của Sở VHTT&DL Quảng Nam, nếu năm 1999, khách tham quan đến Hội An-Mỹ Sơn chỉ vài trăm lượt, thì đến năm 2018 số lượng khách đến đô thị cổ Hội An lên đến hơn 2,3 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt 62,170 tỷ.
Du khách quốc tế đến tham quan Mỹ Sơn
|
Không những vậy, đối tượng du khách ngày càng đa dạng, thị trường khách ngày càng mở rộng. Lượng khách du lịch đến với đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn luôn vượt so với chỉ tiêu hằng năm, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội địa phương, tăng thu ngân sách nhà nước, thực hiện chính sách phúc lợi xã hội, tạo nguồn lực đầu tư lại cho công tác bảo tồn di sản.
Đối với đô thị cổ Hội An, điều tạo nên giá trị khác biệt cho di sản này đó là có đến 85% di tích do người dân sở hữu. Đây vừa là điều đặc biệt, vừa là thách thức của chính quyền địa phương trong việc bảo tồn, phát huy và duy trì cuộc sống của cư dân di sản trong suốt 20 năm qua.
“Di sản phố cổ Hội An là di sản sống với cả phần gốc lẫn phần hồn. Nên với ý thức về giá trị di sản, chúng tôi vừa phải thực hiện nhiệm vụ phải bảo tồn giá trị gốc, văn hóa truyền thống của đô thị ở thế kỷ XIX, nhưng đồng thời phải đáp ứng tối ưu các nhu cầu sống của cư dân đương đại của thế kỷ XXI. Đây là bài toán khó, nhưng 20 năm qua, chúng tôi cũng đã làm được khi giải quyết hài hòa các lợi ích của các bên, tạo điều kiện tối đa, sinh kế tối đa cho người dân được hưởng lợi từ di sản của chính mình”- ông Trần Ánh, Bí thư Thành ủy Hội An chia sẻ.
Sức hấp dẫn của Hội An đối với du khách quốc tế
|
Cùng với việc bảo tồn di sản văn hóa vật thể, nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đa dạng tại Hội An, Mỹ Sơn cũng được phục hồi và phát huy giá trị. Công tác nghiên cứu khoa học về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, khảo cổ … đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Hoạt động hợp tác quốc tế đã tạo những tiền đề, kinh nghiệm quý trong công tác bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích. Công tác phát huy giá trị di sản với những sản phẩm du lịch độc đáo đã khẳng định thương hiệu, điểm đến 2 di sản văn hóa Hội An, Mỹ Sơn trên bản đồ du lịch miền Trung, Việt Nam và có sức lan tỏa đến khu vực và thế giới.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Hội An, Mỹ Sơn hiện nay là niềm tự hào của không riêng người dân tỉnh Quảng Nam mà còn là của cả nước. Hiếm có nơi nào mà trong một tỉnh, một phạm vi không lớn nhưng lại có hai Di sản thế giới như tỉnh Quảng Nam. Không chỉ vậy, sau khi UNESCO đưa Hội An và Mỹ Sơn vào danh sách di sản thì chỉ 10 năm sau đó tổ chức này lại vinh danh cù lao Chàm thành khu dự trữ sinh quyển thế giới.
"Đây thực sự là những ghi nhận xứng đáng của thế giới đối với những giá trị mà tỉnh Quảng Nam đang có, đồng thời khích lệ tinh thần chung tay gìn giữ di sản, đưa di sản vào đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng trong dịp kỷ niệm 20 năm này, thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL đã trao bằng nghệ nhân ưu tú cho 13 cá nhân; Bộ Ngoại Giao cũng đã tặng bằng khen cho 5 tập thể và 5 cá nhân đã có nhiều thành tích trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn qua 20 năm được Unesco công nhận di sản văn hóa thế giới và 10 năm Cù Lao Chàm- Hội An được công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ngoài ra, UBND tỉnh còn tôn vinh một số tổ chức, cá nhân đã có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn các di sản thế giới; Bộ Ngoại Giao tặng bằng khen cho các tập thể có nhiều thành tích trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích. |