|
Thực hiện cách ly tại xã Sơn Lôi - Bình Xuyên - Vĩnh Phúc nhằm ứng phó dịch COVID-19. Ảnh: Anh Lê. |
"Mỗi buổi sớm thức dậy, ta vươn mình đón nhận hơi ấm của mặt trời, đâu đó nghe tiếng chim ríu rít nơi những hàng cây. Một ngày mới đã bắt đầu! Thời gian vẫn trôi và cuộc sống biến đổi khôn lường, những gì sắp xảy ra dường như là điều bất khả nhưng dù thế nào thật may vẫn còn đó một điều và chỉ duy nhất một điều ta biết chắc chắn mình luôn có thể thực hiện, đó là yêu thương, là cho đi.
Nếu như trong mỗi người, tận sâu nơi mỗi trái tim, nhịp thở là quan trọng nhất thì trong cuộc sống, không có gì quý báu hơn lòng nhân ái. Có yêu thương, sống có trách nhiệm và kỷ luật thì sắc màu cuộc sống mới trở nên rực rỡ; có yêu thương, sống có trách nhiệm và kỷ luật thì tình cảm mới ngày thêm đậm sâu và quan trọng nhất, yêu thương và biết cách yêu thương bản thân mình, chúng ta sẽ hoàn thành tốt mọi việc để rồi mỗi khi gặp bất cứ khó khăn nào, ta vẫn luôn chiến thắng, vượt qua. Trước tình hình dịch bệnh SARS-Cov-2 đang là mối nguy hại toàn cầu, quan niệm: “Khi ta yêu thương, biết cách yêu thương bản thân mình, ta sẽ sống có trách nhiệm và kỷ luật hơn” đúng đúng hơn bao giờ hết.
Thật vậy, hàng nghìn năm qua, có những thứ còn đáng sợ hơn cả chiến tranh tang thương, tàn khốc, là thiên tai, là nạn đói và đáng sợ nhất là dịch bệnh. Không phân biệt màu da, quốc tịch, chẳng cần biết già trẻ, gái trai, càng không buồn đếm xỉa người giàu, kẻ nghèo, sự xuất hiện của dịch bệnh lây lan mang theo biết bao chết chóc toàn cầu.
Ngược dòng thời gian, trở về những năm đầu thế kỉ 20, số lượng người chết do dịch cúm hoành hành còn nhiều hơn số lượng người chết trong hai cuộc chiến tranh thế giới cộng lại, rồi đến năm 2009, khi dịch cúm H1N1 khiến cả thế giới chưa hết bàng hoàng thì ngày nay, dịch bệnh SARS-CoV-2 lại một lần nữa đe dọa tính mạng công dân toàn cầu. Nó được gây ra bởi một chủng vi rút ở Vũ Hán (Trung Quốc) sau đó biến chứng và trở nên mạnh mẽ khó lường.
Hơn cả một dịch bệnh thông thường, sự lây lan chóng mặt của chủng vi rút này đã khiến WHO phải tuyên bố mức độ “đại dịch” đầu năm 2020. Theo thống kê ngày 31/3/2020, số người bị nhiễm trên toàn thế giới đã tăng lên 783.910 người, 37.775 người chết, lan rộng 203 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hậu quả ngày càng nặng nề hơn khi nó làm dấy lên nhiều mối lo ngại liên quan đến trật tự xã hội.
Sự ùn tắc các dịch vụ y tế, sự chết đứng của các hoạt động thương mại, vấn đề đi lại, làm việc, học tập của hàng triệu công dân một khi khu vực bị phong tỏa và còn biết bao điều đau đầu khác đồng loạt bủa vây. Chưa hết, dịch bệnh đáng sợ gấp một thì những nỗi bất an, lo sợ kéo theo mầm móng nhỏ nhen, ích kỉ lớn dần trong lòng người đáng sợ gấp n lần.
Có khi nào rồi đây những cảnh tượng người người chen chúc, chà đạp lẫn nhau để giành lấy quyền sống chỉ có trên phim ảnh hư cấu sẽ trở thành hiện thực đớn đau không? Đó chính là một trong những điều kinh khủng nhất mà dịch bệnh mang lại. Hơn cả những tổn hại về vật chất là những vết nứt khó lành lại của trái tim.
Trước tình hình toàn cầu đang chống chọi với dịch bệnh SARS-CoV-2, yêu thương trở thành sức mạnh to lớn đáng được đề cao và trân trọng. Quả thật, con người sinh ra tồn tại trong cuộc sống không phải là những chiếc bóng mờ nhạt, lặng lẽ như những cơn mưa rào chợt đến rồi chợt đi mà mỗi người, với tấm lòng của mình phải cố gắng hoàn thiện chữ “nhân” một cách trọn vẹn nhất. Khi ta trao đi yêu thương, ta sẽ nhận được nhiều yêu thương hơn.
Thế nhưng để yêu thương người khác, trước hết ta phải yêu thương và biết cách yêu thương bản thân mình. Có thể nói, biết cách yêu bản thân là một việc làm rất cần thiết vì khi đó ta sẽ học được tinh thần trách nhiệm và kỷ luật cao. Những người biết yêu thương bản thân là những người không chỉ luôn biết cách chăm sóc, bảo vệ cơ thể của chính mình mà còn biết hoàn thiện mình về phẩm chất, tính cách, xây dựng và giữ gìn danh dự để ngày một hoàn thiện hơn.
Hằng ngày, ngoài việc lập kế hoạch ăn uống, làm việc và vui chơi hợp lí, họ còn luôn cố gắng sống đúng, sống đẹp, phù hợp với đạo đức, chuẩn mực của xã hội.. Ông bà xưa có câu: “Thương người như thể thương thân”. Vậy cớ gì ta lại khiến thân xác bị tổn thương chỉ vì thiếu trách nhiệm và kỷ luật với bản thân? Thật vậy, mỗi người sinh ra đều có một hình hài riêng biệt, không ai giống ai, vì thế hãy yêu quí, trân trọng và làm những điều ta muốn, chỉ mình mới hiểu mình và biết mình cần gì.
Hơn nữa, yêu bản thân còn được thể hiện qua cách chúng ta tôn trọng chính mình. Trong cuộc sống, bên cạnh những lời khen, bị la mắng chê trách là điều khó thể nào tránh khỏi nhưng nếu yêu bản thân, chúng ta sẽ hạn chế tối đa những việc tiêu cực ấy, thay vào đó là sẽ làm nhều điền bổ ích hoàn thiện trách nhiệm và kỷ luật. Vậy “trách nhiệm” là gì? “Kỷ luật” là gì? Hai cụm từ nghe thật mơ hồ nhưng lại mang theo đó là cả sự lo âu xuyên thế kỉ. Sống trên đời, chắc chắn ai cũng có trách nhiệm riêng mình.
Đối với học sinh, đó là trách nhiệm học tập thật giỏi, biết nghe lời người lớn; đối với ba mẹ, đó là trách nhiệm nuôi dạy con cái trưởng thành, đối với thầy cô, đó là trách nhiệm truyền đạt những kiến thức bổ ích, hay đối với mỗi công dân, trách nhiệm đó không gì khác chính là cống hiến sức lực và trí tuệ xây dựng đất nước. Chúng ta có được cuộc sống hòa bình và phát triển như ngày hôm nay, tất cả nhờ vào ý thức trách nhiệm của mỗi người.
Thế nhưng nếu chỉ có trách nhiệm không thì chưa đủ, kỷ luật cũng đóng vai trò đáng xem trọng. Đó có thể chỉ là những hành động đơn giản như dừng xe khi đèn đỏ, bỏ rác đúng nơi quy định hay đội mũ bảo hiểm khi chạy xe máy,… hay chỉ là tuân thủ, chấp hành quy định cộng đồng. “Trách nhiệm” và “kỷ luật” là hai cụm từ liên quan, bổ trợ ý nghĩa cho nhau. Không ai có trách nhiệm mà thiếu kỷ luật, cũng như không ai có kỷ luật mà thiếu trách nhiệm.
Và hơn hết, chỉ khi mỗi người bắt nguồn từ “tình yêu thương”, thì chúng ta mới sống trách nhiệm kỷ luật hơn, đồng thời lúc đó trách nhiệm kỷ luật càng đáng được xem trọng và đề cao. Lòng nhân ái chính là đôi cánh thiên thần giúp con người thoát khỏi vực thẳm “vô cảm, ích kỉ” và đưa ta vào cuộc sống “trách nhiệm, kỷ luật”. Vậy nên, khi dang rộng vòng tay yêu thương, tự khắc bạn sẽ tuân thủ kỷ luật và sống trách nhiệm với bản thân, người thân, cộng đồng xã hội hơn.
|
Một khu vực bị phong tỏa tại Hà Nội. Ảnh minh họa: Anh Lê.
|
Bông hoa xinh tươi ngày ngày tỏa hương thơm ngát cuộc đời, con chim nhỏ bé sáng sáng cất cao tiếng hót chào ngày mới, bác nông dân chăm chỉ gặt lúa chờ mùa bội thu,… có thể nói, vạn vật quanh ta đều có một sứ mệnh và trách nhiệm riêng đối với thế giới này. Vì thế, nếu sống mà không hành động, chúng ta chắc chắn sẽ bị cuộc đời đào thải. Điệu nhạc lạc loài với những ham muốn ích kỉ, xấu xa tầm thường chẳng bao giờ tồn tại được lâu.
Hơn nữa, khi bản thân có trách nhiệm cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang tự nhìn lại chính mình để rồi khi phạm phải lỗi lầm, luôn tự sửa chữa, hoàn thiện bản thân hơn. Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng, chông gai, thử thách là hoàn toàn khó tránh khỏi, phải chăng chỉ có trách nhiệm mới là cách giúp ta vượt qua mà không cần phải hối hận với hai chữ “nếu như”? Và nhờ vậy, mỗi người sẽ khẳng định được giá trị bản thân để rồi luôn được yêu quý, trân trọng. Song song đó, ta cũng không thể phủ nhận vai trò trách nhiệm đối với cộng đồng.
Mỗi người sinh ra trong cuộc đời hầu như đều có công việc riêng nhưng suy cho cùng đều hỗ trợ lẫn nhau với mục đích là xây dựng đất nước làm cho thế giới này ngày càng tốt đẹp hơn. Vậy nên, hoàn thành trách nhiệm là lẽ đương nhiên. Quê hương, cội nguồn nuôi ta khôn lớn, ta phải hết sức cố gắng xây dựng, thế mới đúng với đạo lí “uống nước nhớ nguồn” của ông cha ta.
Hơn nữa, khi một người thực hiện, nhiều người sẽ theo đó thực hiện rồi lan rộng toàn cầu, tạo nên một sức mạnh to lớn chiến thắng mọi khó khăn. Một cây dù to lớn vững chãi đến đâu cũng không thể tạo nên một “khu rừng”. Thế nên, cùng nhau thực hiện rồi một ngày nào đó, khu vườn sẽ thêm xanh và rộng lớn hơn.
Đứng trước tình hình dịch bệnh, trách nhiệm là yếu tố cần hơn bao giờ hết. Có trách nhiệm, ta mới khống chế được sự lây lan, có trách nhiệm, ta mới cứu được mạng sống của nhiều người và hơn hết, có trách nhiệm, toàn cầu mới chiến thắng bệnh tật. Và ngày nay, không ít người đã thực hiện tốt nhiệm vụ, đáng cho chúng ta ngưỡng mộ và tuyên dương.
Đó là những hành động hết lòng vì nước vì dân của phó thủ tướng Vũ Đức Đam, tìm mọi cách ngăn chặn dịch bệnh với câu nói bất hủ: “Chúng ta chưa chiến thắng cả cuộc chiến nhưng nhất định phải chiến thắng cả cuộc chiến”. Đó là sự cố gắng của các nhà nghiên cứu ngày đêm tìm ra thuốc chữa bệnh. Kết quả, ngày 30/3/2020, tại Mỹ, con số người được chữa có tác dụng phục hồi rõ rệt với phương án dùng thuốc chữa sốt rét. Số người nhiễm & tử vong có dấu hiệu giảm xuống.
Cả thế giới nhẹ nhõm và vui mừng! Đó là nỗ lực của những y bác sĩ ngày đêm chăm sóc bệnh nhân. Hơn ai hết, họ biết rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nhưng vẫn hi sinh hoàn thành tốt cái tâm của một y đức để rồi không may ra đi vì bị lây nhiễm, họ vẫn được người đời tôn trọng và ca ngợi. Đó là hình ảnh của các tình nguyện viên, hậu cần tranh thủ chợp mắt trong những ca làm thâu đêm suốt sáng vào sáng 19/3, giữa các chuyến xe đưa người tới cách ly tại ký túc xá Đại Học Quốc Gia (Quận Thủ Đức).
Thật xúc động làm sao! Hay đó là bản nhạc “Ghen Cô Vy” được Khắc Hưng sáng tác, qua giọng hát của Min, Erik và điệu nhảy của vũ công Quang Đăng, nó càng trở nên phổ biến, khích lệ tinh thần cả thế giới giữa mùa dịch và hơn hết là trở thành niềm tự hào đối với những người con sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Tất cả những hành động đó, dù to dù nhỏ, dù nổi tiếng hay âm thầm, nhưng cũng đủ cho thấy ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trước cộng động.
Và phải chăng, chúng đều bắt nguồn từ truyền thống nhân ái “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta từ ngàn đời nay. Đúng vậy, dịch bệnh có thể đe dọa cả thế giới nhưng chắc chắn một ngày không xa sẽ thua cuộc trước tình yêu thương cũng như tinh thần trách nhiệm cao của cộng đồng.
|
Việc kiểm tra thân nhiệt được thực hiện nghiêm ngặt tại các sân bay.
|
Nếu như trách nhiệm là nét bút vẽ lên bức tranh yêu thương thì kỷ luật chính là gam màu tươi sắc tô đậm bức tranh ấy. Thật vậy, sống trên đời không ai có thể hoàn hảo bản thân, có người giỏi điểm này, song lại yếu điểm khác. Tuy nhiên khi mỗi cá nhân biết sống kỷ luật thì chúng ta sẽ tiệm cận hơn đến sự hoàn hảo? Chỉ những người có ý thức, mới thật sự yêu bản thân để hằng ngày luôn yêu thương chăm sóc mình một cách phù hợp.
Đó có thể là hằng ngày ăn uống điều độ; biết sắp xếp làm việc, học tập hợp lí; sáng sớm chạy bộ tập thể dục hay cũng có thể dành một chút thời gian đọc sách bồi đắp tâm hồn. Tất cả tuy đơn giản nhưng lại giúp ta thoát khỏi sự lười biếng vốn tìm ẩn trong mỗi người để ngày càng sống kỷ luật hơn. Không những thế, kỉ luật còn giúp chúng ta gặt hái thành công trong những lĩnh vực mà chúng ta dấn thân vào. Và cũng nhờ vậy, ta sống tự tin, hạnh phúc, lạc quan hơn.
Đây chẳng phải là cách ta yêu bản thân mình sao? Hơn nữa, mỗi người tồn tại trong cuộc đời không chỉ là những cá thể độc lập mà còn là một tập thể, một cộng đồng, cho nên biết tuân theo kỷ luật cũng là cách ta thể hiện tình yêu thương đối với tập thể cộng đồng. Ông bà xưa có câu: “Muốn tròn phải có khuôn, muốn vuông phải có thước”, ở nơi đâu cũng có phép tắc, kỷ luật riêng, nếu muốn tồn tại trên cuộc đời, ta phải theo những “khuôn thước” kỷ luật .
Hay nói cách khác, pháp luật chính là cán cân công lí, vi phạm kỷ luật cũng có nghĩa là chúng ta đứng về phía cái ác, cái xấu, làm hại mọi người. Mặt khác, một người tuân theo, nhiều người tuân theo, nhà nhà tuân theo thì sẽ tạo nên một xã hội trật tự. Một đất nước chỉ thật sự phát triển khi người dân có một cuộc sống khỏe mạnh, bình an, hạnh phúc. Do đó, nếu mỗi người cùng có ý thức kỷ luật thì chắc chắn toàn cầu sẽ ngày một hòa bình, văn minh hơn.
Ngày nay, khi cả thế giới đang ngày ngày chiến đấu với dịch bệnh, kỷ luật được xem như một trong những vũ khí đắc lực. Nếu như hằng ngày, chúng ta chăm sóc bản thân bằng những việc làm điều độ thì giữa mùa dịch, ý thức kỷ luật ấy cần được nâng cao gấp bội. Nó không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh tật. Cuộc sống chỉ thật sự hạnh phúc khi con người khỏe mạnh hay nói cách khác, chỉ khi con người có sức khỏe, chúng ta mới làm tốt công việc của mình mới cháy hết mình công việc đất nước. Vậy nên, có thể nói, chỉ có kỷ luật mới giúp ta có sức khỏe thật tốt mà không sợ bất kì một loại vi rút nào.
Thế nhưng, SARS- COV-2 là một dịch bệnh lây qua đường hô hấp nên chỉ kỷ luật chính bản thân thì chưa đủ, cộng đồng cần chung tay thực hiện. “Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân” nhưng nếu mỗi một con người trong thế giới hơn bảy tỉ người này đều là những cánh én lan tỏa yêu thương thì đó nhất định sẽ mang đến một sức mạnh vô song, một sự cổ vũ tuyệt vời trong phòng chóng dịch bệnh và những khó khăn khác.
Đó có thể là những hành động nhỏ như đeo khẩu trang khi ra đường và đến chỗ đông, rửa tay sát khuẩn thường xuyên hay tự cách li khi có những triệu chứng như ho, cảm, sốt, đặc biệt là hạn chế đến chỗ đông người và chấp hạnh mọi pháp lệnh của nhà nước, chính phủ. Hằng ngày, phải ăn uống điều độ, tăng cường sức đề kháng bằng những thực phẩm dinh dưỡng như nước chanh sả, mật ong.
Hơn nữa, vào ngày 1/4/2020, cần tuân theo yêu cầu của Sở, “mỗi người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng."
Và quan trọng hơn hết, chính là phải bình tĩnh, đừng vì sợ hãi trước tâm dịch mà làm suy nhược bản thân, thường xuyên cập nhật tin tức báo đài, thực hiện tốt qui định y tế. Bên cạnh đó, nhà nước cần bắt giữ những kẻ vô trách nhiệm, lách luật, không chịu cách li, mang dịch bệnh đến cộng đồng cũng như phạt nặng những tên đăng tin giả mạo trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận. Có như vậy chúng ta mới thật sự mang yêu thương đến cộng đồng. Và khi đó, theo hiệu ứng “domino” một người thực hiện sẽ khiến nhiều người thực hiện tạo nên sức mạnh to lớn giúp toàn cầu thoát khỏi mọi khó khăn, dịch bênh, ổn định và phát triển.
Trách nhiệm và kỷ luật đóng vai trò quan trọng nên nếu ai thiếu ý thức, chắc chắn sẽ nhận những hậu quả không lường. Đời người chỉ sống có một lần, ta không có kỷ luật, không có trách nhiệm, vậy ta sống trên đời phải chăng chỉ là phần dư của xã hội? Nghiêm trọng hơn, thái độ vô cảm, thờ ơ, thiếu kỷ luật của một số cá nhân còn ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng, đặc biệt là vào mùa dịch hiện nay.
Liệu Việt Nam có tăng số ca vượt quá 100 nếu bệnh nhân thứ 17, bệnh nhân thứ 34, bệnh nhân thứ 61 khai báo thành thật với bản thân và chịu cách li theo đúng qui định? Liệu xã hội có trở nên lo sợ hơn khi một người phụ nữ thản nhiên lên mạng khoe chiến tích “lách luật” mang dịch bệnh về cộng đồng? Hay liệu chúng ta có không khỏi bàng hoàng khi ở châu Âu, giữa mùa dịch bệnh, đeo khẩu trang được xem là hành động bị kì thị để rồi tổng số người chết tăng lên chóng mặt, đặc biệt là ở Ý?
Nếu dịch bệnh trực tiếp giết chết con người thì “vô cảm”, “ích kỉ” là con dao gián tiếp khiến không ít người thiệt mạng. Và kéo theo đó, là biết bao khổ đau, nước mắt của người dân trong gia đình: con mất mẹ, vợ mất chồng, cháu mất bà,…và có hể mất cả một gia đình và dòng họ. Cứ thế, xã hội chỉ toàn khổ đau và mất mát…
Thế nhưng, nếu ta lấy hai gam màu “trách nhiệm’ và “kỷ luật” tô đậm cho cuộc sống thì sẽ không còn bức tranh ấy. Quả thật, trách nhiệm là hoàn thành nhiệm vụ nhưng không có nghĩa là ta đè lên vai mình một gánh nặng to lớn; kỷ luật là tuân theo qui tắc nhưng không có nghĩa ta gò ép bản thân một cách thái quá. Sống trên cuộc đời, cái gì cũng có một giới hạn riêng nhưng khi ta vượt qua giới hạn của chính mình, có thể ta sẽ làm hại chính mình.
Bạn chăm chỉ trong công việc là tốt nhưng để bản thân ngày đêm gồng gánh nhiệm vụ mà mình không thể đảm đương nổi phải chăng là đúng? Bạn tuân theo qui định “không nên tiếp xúc nhiều người trong mùa dịch bệnh” nhưng để bản thân thờ ơ, tránh né khi gặp một cụ già muốn băng qua đoạn đường nguy hiểm phải chăng là hợp lí? Ở trường hợp này, đừng lấy kỷ luật hay trách nhiệm làm cái cớ. Bất cứ khi nào sự tử tế luôn là điều cần thiết.
Có thể chúng ta không đủ sức đưa bà cụ hãy gọi điện cầu cứu, tìm cách giúp đỡ khác chẳng hạn? Có thể chúng ta không đủ điều kiện như những mạnh thường quân góp hàng trăm triệu đồng ủng hộ phòng chống dịch bệnh như Hà Anh Tuấn, Tóc Tiên, Chi Pu,… nhưng hãy tuân thủ đúng mọi qui định cơ quan chức năng, Chính phủ, đặc biệt là việc khai báo y tế và cách li khi cần thiết, đó chẳng phải là bạn đang đóng góp sức mình vào phòng chống dịc bệnh, xây dựng đất nước hay sao?
Biết yêu thương và biết cách yêu thương bản thân trong hoàn cảnh này cũng có nghĩa là ta biết yêu thương người thân, gia đình, cộng đồng hay nói cách khác chính là ta đang thể hiện tình yêu nước một cách sâu sắc. Vậy nên hơn lúc nào hết cần sống trách nhiệm và kỷ luật với bản thân, gia đình, xã hội..
Thật đáng buồn thay, ngày nay, không ít cá nhân thiếu trách nhiệm và kỷ luật. Nghiêm trọng hơn, điều này lại xảy ra giữa mùa dịch bệnh SARS-COV-2. Thay vì đeo khẩu trang, khử tay sát khuẩn và khai báo thành thật với bộ y tế thì một số cá nhân lại không thực hiện đúng, họ đi khắp nơi truyền bệnh cho người khác. Thử hỏi, xã hội sẽ yên ổn chăng khi có những con người ứng xử thế này với cộng đồng hay?
Bên cạnh đó, xã hội còn xuất hiện là những “Chí Phèo bàn phím”, lợi dụng tốc độ phát triển công nghệ hiện đại mà đăng những tin sai sự thực. Đáng lo ngại hơn, trong mùa dịch hiện nay, không ít những tin đồn sai lệch về số người nhiễm SARS- COV-2 ở Việt Nam khiến nhiều người hoang mang, sợ hãi. Bill Gates đã từng nói “Người sợ hãi là kẻ thua cuộc”, vậy nếu người dân cứ bị trấn áp tinh thần như thế thì đất nước Việt Nam và thế giới có thể chiến thắng đại dịch? Cộng đồng chúng ta hãy cùng nhau loại bỏ những kẻ vô trách nhiệm này để xã hội ngày một văn minh, phát triển.
Đại dịch rồi cũng sẽ qua, khó khăn rồi cũng sẽ phai nhưng tình yêu thương giữa người với người, yêu thương bản thân sẽ luôn đúng và đang đến cho cuộc sống chúng ta những điều tốt đẹp. Hiểu được điều đó, là thanh niên thời đại, tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt trách nhiệm của một công dân tương lai và tuân theo những kỷ luật cộng đồng.
Đường đi phía trước dù khó khăn đến mấy, tôi vẫn luôn chuẩn bị trước cho mình những hành trang cần thiết. Đó là quá khứ hào hùng của dân tộc từ thuở vua Hùng dựng nước, đó là sự hy sinh thầm lặng của những y bác sĩ giữa mùa dịch, là lí tưởng cao đẹp của thanh niên thời đại Hồ Chí Minh và trái tim yêu thương của một công dân trẻ toàn cầu. Quả thật, biết yêu thương và biết cách yêu bản thân mình, có trách nhiệm, kỷ luật, tôi thấy cuộc đời ý nghĩa biết bao.
Đại dịch SARS- COV-2 cũng như những cuộc chiến tranh, nó mang đến khổ đau, bệnh tật nhưng qua đó, ta thấm thía hơn giá trị của lòng nhân ái. Có yêu thương, ta mới sống trách nhiệm, biết quan tâm người khác; có yêu thương, ta mới sống kỷ luật, hơn. Quả thật, tình yêu như một món ăn, chỉ khi người đầu bếp biết cho vào đó một chút hương “cố gắng”, một chút vị “qui tắc’ thì chắc chắn, món ăn sẽ trở nên hoàn hảo và lan rộng khắp toàn cầu. Vậy nên, chúng ta hãy yêu bản thân mình, yêu thương nhau nhiều hơn, sống có trách nhiệm và kỷ luật hơn để cùng nhau vượt qua đại dich và những khó khăn khác, để cuộc đời thêm ý nghĩa và xã hội ngày một tốt đẹp".