Y tế cơ sở ở Quảng Trị thay đổi diện mạo, người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ chỗ vô cùng khó khăn, giờ đây các trạm y tế xã đã có đủ thiết bị y tế cơ bản và thuốc thiết yếu, đảm bảo phục vụ người dân.

VT_ em bé bị liệt.jpg
Nhờ đến khám tại TYT xã, cháu bé người Vân Kiều đã được các bác sĩ chẩn đoán bị liệt và có lịch phẫu thuật cho bé

Niềm tin với y tế cơ sở trở lại

Trạm y tế (TYT) xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) chỉ có 6 nhân viên y tế, nhưng phải chăm sóc sức khỏe cho gần 5.000 người dân. Hai năm qua, nhờ dự án “Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở”, trạm đã được xây dựng khang trang với 13 phòng đủ công năng.

Đặc biệt, trạm đã có các thiết bị y tế cơ bản như lưu lượng đỉnh kế, máy đo huyết áp, đo tim thai, dụng cụ tiểu phẫu…nên hiện TYT đã có thể khâu vết thương, cấp cứu chuyển dạ đẻ thay vì chỉ làm được các kỹ thuật đơn giản như thay băng, rửa vết thương như trước.

Chị B.B.H (người Vân Kiều) đưa con trai đến khám, vì cháu đã 8 tháng tuổi nhưng không đứng được, 2 bàn chân choãi ra bất thường. Tại TYT, các bác sĩ đã khám và xác định cháu bị liệt, nên phối hợp với tuyến trên để lên lịch phẫu thuật chân cho cháu.

Được biết, chị H. có gia cảnh hết sức khó khăn khi chồng chị cũng bị liệt, mọi công việc trong gia đình đều một vai chị gánh vác. Bởi vậy, đây là trường hợp được PGS.TS. Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ Y tế, Giám đốc Ban QLDA “Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở’’ - đề nghị lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Trị và Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Cam Lộ đặc biệt quan tâm, hỗ trợ.

VT-Thuóc .jpg
PGS.TS. Phan Lê Thu Hằng (bìa trái) - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Giám đốc Ban QLDA “Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở’’ kiểm tra tủ thuốc của TYT xã Cam Tuyền

BS. Hoàng Ngọc Đức, Trưởng TYT xã Cam Tuyền, cho hay sau khi TYT được đầu tư xây dựng, tăng cường thuốc men, trang thiết bị, số người đến khám tăng gấp đôi so với trước, khoảng 600 -700 người/tháng, chưa kể các đợt tiêm chủng mở rộng định kỳ cho trẻ.

TYT Cam Tuyền cũng triển khai truyền thông trên mạng xã hội về lịch tiêm chủng để bà con chủ động đưa trẻ đi tiêm, nhằm góp phần giảm bệnh tật, giảm gánh nặng tài chính cho cả người dân lẫn xã hội.

"Trước đây, do TYT cũ xập xệ, chật chội, mỗi đợt tiêm chủng mở rộng cho trẻ, trạm phải mượn bàn ghế, kê dưới bụi cây cho bà con ngồi. Nay có trạm mới, lại đủ ghế cho bà con ngồi ở sảnh thoáng mát, có cả phòng lưu sau tiêm đúng quy định", ông Nguyễn Quảng, Giám đốc TTYT huyện Cam Lộ, chia sẻ.

 VT_KCB.JPG
Bà con đến khám bệnh và tiêm chủng cho trẻ ở xã TYT Cam Tuyền

Tủ thuốc của TYT Cam Tuyền đã có gần 70 loại thuốc thiết yếu: Kháng sinh, chống nấm, cảm cúm, hạ sốt, giảm đau…cơ bản đảm bảo phục vụ nhân dân. Đặc biệt, TYT đã làm tốt việc quản lý, phát thuốc cho các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như huyết áp, tiểu đường để điều trị kịp thời, giảm chi phí cho người dân, như mục tiêu trong phát triển y tế cơ sở mà Bộ Y tế hướng đến.

VT_TYT Cam Tuyen .jpg
TYT xã Cam Tuyền được xây mới và đầu tư trang thiết bị y tế cơ bản, thuốc thiết yếu nên CSSKBĐ cho 5.000 người dân trong xã, góp phần giảm tải cho tuyến trên

Chất lượng chuyên môn được nâng cao

Trưởng TYT xã Cam Chính, BS. Phan Hiền Lương, chia sẻ: Mấy năm trước, TYT cũ nát, ít thuốc nên rất ít người dân đến khám chữa bệnh, mà thường lên thẳng tuyến huyện. Từ khi TYT được xây dựng mới, có đủ các phòng chức năng, đủ thuốc và thiết bị y tế cơ bản, niềm tin của người dân đã tăng lên. Ông cho biết, mỗi tháng, có khoảng 900 người đến trạm khám, chữa bệnh.

VT_CamChinh.jpg
Nhân viên TYT xã Cam Chính báo cáo về tình hình quản lý bệnh không lây nhiễm ở địa phương, giúp người dân được CSSKBĐ tốt hơn

"Được đầu tư về thiết bị y tế, lại thường xuyên được đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nên chúng tôi luôn chủ động trước các tình huống. Trạm hiện đã làm được các tiểu phẫu, điều trị viêm phế quản, ngộ độc thực phẩm và đã xử lý tốt nhiều bệnh nhi sốt cao, bị sốc...", BS. Phan Hiền Lương cho biết thêm.

TYT xã Cam Chính đang quản lý 430 người bị huyết áp cao, 34 người tiểu đường, 30 bệnh nhân ung thư và nhiều người hen phế quản, tổ chức tư vấn cho phụ nữ đi khám định kỳ để tầm soát ung thư. Đây là những vấn đề trước đây rất khó triển khai.

TYT ở xã Thanh An cũng chỉ có 8 nhân viên, trong đó có 2 bác sĩ, nhưng phải chăm sóc sức khỏe cho 8.300 người dân. Từ khi có trạm mới, có máy móc, thuốc các loại, trạm đã phát huy tốt vai trò của tuyến y tế đầu tiên trong phòng, chống bệnh tật cho người dân, giảm tải cho tuyến trên.

Đầu tư cho y tế cơ sở để tạo công bằng trong CSSK

Quảng Trị từng là chiến trường ác liệt nhất trong suốt hơn 20 năm chiến tranh chống Mỹ, giờ đây lại nằm trong số các địa phương có số hộ nghèo nhiều nhất cả nước. Chính vì thế, đây là một trong 13 tỉnh được Bộ Y tế đặc biệt quan tâm đầu tư về y tế cơ sở, nhằm chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt nhất cho người dân, cũng để tri ân người dân ở mảnh đất anh hùng.

Tất cả các TYT xã sau khi được xây dựng, tăng cường máy móc và nâng cao trình độ nhân viên đều phát huy rất tốt vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Đó là kết quả sau 4 năm triển khai dự án “Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở” bằng nguồn vốn vay và viện trợ không hoàn lại của Ngân hàng Thế giới (WB), triển khai từ năm 2020 tại 13 tỉnh nghèo, trong đó có Quảng Trị.

VT_ phòng tiểu phâu.jpg
Các TYT đều có phòng tiểu phẫu với các thiết bị y tế phù hợp với tuyến công tác CSSKBĐ

Đây là dự án y tế đầu tiên thực hiện trao quyền chủ động tối đa cho các địa phương. Dự án này có ý nghĩa quan trọng với ngành y tế, vì y tế cơ sở là nền tảng trong CSSK cho nhân dân.

Ông Trương Hữu Hiếu, Phó Ban Quản lý Dự án (QLDA) đầu tư xây dựng của tỉnh Quảng Trị, cho biết bên cạnh xây dựng các TYT, Sở Y tế đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở và cô đỡ thôn bản về quản lý số liệu và thống kê y tế, phương pháp và kỹ năng truyền thông về bệnh không lây nhiễm, nâng cao kỹ thuật châm cứu phục hồi chức năng trong điều trị, xác định nguyên nhân và thống kê tử vong tại cộng đồng, cập nhật kiến thức cho cô đỡ thôn bản…

VT_ TYT Thanh AN báo cáo.jpg
Kiểm tra việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở tại TYT xã Thanh An

Theo bà Phan Lê Thu Hằng, Quảng Trị được nhận dự án với tổng mức đầu tư là 6.65 triệu USD (151,042 tỉ đồng). Sau 4 năm, địa phương đã hoàn thành 25 TYT và 7 TYT sẽ xong trong quý III. TYT đầu tiên được bàn giao từ 2021 tại huyện Vĩnh Linh, góp phần sớm củng cố cơ sở vật chất, hỗ trợ nâng cao chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Việc cung cấp trang thiết bị đã và đang được Ban QLDA tỉnh gấp rút bàn giao cho các TYT. Công tác hỗ trợ nâng cao năng lực cán bộ y tế tại Quảng Trị cũng được triển khai rộng khắp, trong đó riêng cán bộ y tế cơ sở là 1.900 lượt người. Hiện, Quảng Trị đã giải ngân tới 88% tổng mức đầu tư của Dự án.

Với những kết quả trên, Giám đốc Ban QLDA đánh giá Quảng Trị là địa phương xuất sắc nhất cả nước trong triển khai dự án, cả về thời gian lẫn phát huy hiệu quả.

VT_ CNTT.JPG
Các TYT đều sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý và theo dõi bệnh nhân

Cũng theo bà Hằng, hoạt động áp dụng thử nghiệm bảng điểm chất lượng tại 3 huyện Hướng Hóa, Đakrông và Triệu Phong đã cải thiện chất lượng dịch vụ y tế tuyến xã ở 10 lĩnh vực.

“Theo thống kê, chất lượng dịch vụ tuyến xã tại 30 TYT thuộc 3 huyện trên đã được cải thiện, trung bình số điểm đạt yêu cầu (từ 75% trở lên) tăng gấp gần 2 lần từ năm 2021 đến cuối năm 2023”, PGS.TS. Phan Lê Thu Hằng cho hay.