Ngày 29 tháng 8, Văn phòng Thông tin Quốc Vụ viện Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp báo về lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tại buổi họp báo, tướng Thái Chí Quân (Cai Zhijun), Phó Chủ nhiệm Văn phòng Lãnh đạo diễu binh, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy cho biết: đây là cuộc diễu binh lớn nhất ở Trung Quốc trong mấy chục năm gần đây. Trước đó, cuộc diễu binh lớn nhất của Trung Quốc được tổ chức ngày 3/9/2015 kỷ niệm 70 năm chiến thắng của Chiến tranh chống Nhật.
Theo truyền thông Trung Quốc, cuộc diễu binh bao gồm ba khối: khối đi bộ, khối phương tiện trang thiết bị mặt đất và khối máy bay trên không. Trong đó, khối phương tiện trang thiết bị mặt đất tập trung thể hiện khả năng đổi mới sáng tạo của ngành khoa học và công nghệ quốc phòng Trung Quốc và thành quả nghiên cứu và phát triển vũ khí trang bị.
Lực lượng tham gia diễu binh tổng duyệt đêm 7 tháng 9 vừa qua
|
Văn phòng Thông tin Quốc Vụ viện Trung Quốc cũng tuyên bố, các loại vũ khí và thiết bị được phô diễn trong cuộc diễu binh lần thứ 11 này đều được sản xuất tại Trung Quốc, một số vũ khí trong đó sẽ có lần đầu tiên ra mắt công chúng.
Ông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương sẽ kiểm duyệt các lực lượng tham gia diễu binh và “có một bài phát biểu quan trọng” tại lễ kỷ niệm. Hơn 100.000 người thuộc mọi tầng lớp sẽ tham gia vào cuộc diễu binh, diễu hành và 60.000 người thuộc mọi tầng lớp trong thủ đô sẽ tham gia các hoạt động liên hoan văn hóa văn nghệ.
Ngoài cuộc diễu binh hoành tráng và diễu hành lớn của quần chúng, lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc còn có biểu diễn văn nghệ, bắn pháo hoa, tặng huy chương, phát hành tiền kỷ niệm, tem kỷ niệm và chiếu phim tài liệu quy mô lớn.
Cuộc diễu binh tại Chu Nhật Hòa năm 2017
|
Lịch sử các cuộc diễu binh Trung Quốc và câu chuyện phía sau
Từ năm 1949 đến 1959, Trung Quốc hàng năm đều tổ chức một cuộc diễu binh cùng lúc với các lễ kỷ niệm quy mô lớn tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 1 tháng 10. Nhưng từ năm 1960 đến 1970, mặc dù ngày Quốc khánh (1 tháng 10) vẫn tổ chức một cuộc mít tinh và diễu hành quần chúng lớn tại Quảng trường Thiên An Môn, nhưng không diễu binh. Về vấn đề này, quan chức Trung Quốc khi đó nói rằng “với nguyên tắc tiết kiệm để xây dựng đất nước, đã quyết định cải cách chế độ Quốc khánh, thực hiện 5 năm kỉ niệm nhỏ, 10 năm kỉ niệm lớn, chỉ diễu binh vào dịp kỉ niệm lớn”.
Nhưng thực tế là tháng 7 năm 1960, các đội quân diễu binh đã vào ém quân tại Bắc Kinh như thường lệ. Thời điểm này, do nạn đói lan rộng ở Trung Quốc, nhiều khu vực gần như không có thu hoạch mùa màng và mối quan hệ Trung - Xô đã xấu đi, cuộc diễu binh Quốc khánh rất khó duy trì. Vào tháng 9 cùng năm, Trung Quốc đã quyết định cải cách chế độ kỷ niệm Quốc khánh. Sau đó, tất cả các đơn vị tham gia diễu binh đã rút khỏi Bắc Kinh ba ngày trước ngày Quốc khánh.
Khối xe tăng tham gia cuộc diễu binh
|
Sau đó, do xảy ra “Cách mạng văn hóa” và các lý do khác, Trung Quốc đã không tổ chức một cuộc diễu binh Quốc khánh nào trong suốt 24 năm liên tiếp. Mãi đến năm 1981, ông Đặng Tiểu Bình đề nghị tổ chức diễu binh quy mô lớn đầu tiên sau 24 năm nhân Quốc khánh lần thứ 35. Theo hồ sơ của Nhân dân Nhật báo online, Đặng Tiểu Bình chỉ ra rằng “khiếm khuyết lớn” của cuộc diễu binh Quốc khánh năm 1984 là “kiểm duyệt quân đội những người trên 80 tuổi”.
Đến năm 1989, vì xảy ra “Sự kiện Thiên An Môn ngày 4 tháng 6”, lễ kỷ niệm lớn 40 năm Quốc khánh như dự kiến đã bị hủy bỏ. Ngày 9/11/1989, ông Đặng từ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, sau đó Tổng Bí thư Giang Trạch Dân lên nắm quyền.
Năm 1999, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương Giang Trạch Dân đã tham dự cuộc diễu binh kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 50 với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của đảng, chính phủ và quân đội. Sau đó, năm 2009, ông Hồ Cẩm Đào, người kế nhiệm ông Giang Trạch Dân, đã tổ chức cuộc diễu binh nhân ngày Quốc khánh lần thứ 60. Lần này cuộc diễu binh nhân Quốc khánh lần thứ 70 của ông Tập Cận Bình rõ ràng là theo lệ cũ, nhưng cũng có những điểm khác biệt.
Máy bay chiến đấu J-10 bay tập
|
Cuộc diễu binh với quy mô cực lớn
So với các cuộc diễu binh kỷ niệm 50 năm, 60 năm Quốc khánh và kỷ niệm lần thứ 70 chiến thắng chiến tranh chống Nhật, quy mô cuộc diễu binh lần này lớn hơn nhiều. Sau khi ông Thái Chí Quân đã đưa ra thông báo như trên tại buổi họp báo ngày 29 tháng 8, quy mô cuộc diễu binh kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lớn đến đâu đã trở thành một chủ đề được bàn tán, phỏng đoán sôi nổi. Trước khi “câu trả lời” chính thức sẽ có vào ngày 1/10, quy mô của ba cuộc diễu binh lớn trước đây đã trở thành đối tượng đem ra mổ xẻ, phân tích...
Trong cuộc diễu hành kỷ niệm 50 năm Quốc khánh năm 1999, có 52 đội hình, trong đó có 17 khối đi bộ, 25 khối xe pháo và 10 đội hình trên không. Các lực lượng không quân của Lục quân, Lính thủy đánh bộ, Cảnh sát vũ trang đặc nhiệm và Lực lượng dự bị, được lập ra trong kỷ nguyên mới sau cải cách và mở cửa của Trung Quốc, lần đầu tiên xuất hiện trong đội ngũ diễu duyệt. Trong số 42 loại trang thiết bị quy mô lớn được phô diễn vào thời điểm đó, chỉ có hai loại đã tham gia cuộc diễu binh kỷ niệm 35 năm Quốc khánh năm 1984, tất cả phần còn lại đều ra mắt lần đầu và hầu hết các vũ khí này đều do Trung Quốc chế tạo.
Trong cuộc diễu binh “Kỷ niệm 60 năm thành lập nước Trung Quốc mới” năm 2009, có 56 đội hình dưới đất và trên không, bao gồm 14 khối đi bộ, 30 khối trang thiết bị và 12 đội hình trên không. Các lực lượng Lục quân, Hải quân, Không quân, Pháo binh 2 (tên lửa chiến lược), Cảnh sát vũ trang và lực lượng vũ trang địa phương đại diện cho tất cả các lực lượng hợp thành lực lượng vũ trang Trung Quốc khi đó. Cuộc diễu binh đã tập trung thể hiện một nhóm các loại vũ khí và thiết bị mới, bao gồm: máy bay chiến đấu J-10 và J-11 của không quân; thiết bị mới của Lục quân có xe tăng chiến đấu chủ lực Type 99 và xe chiến đấu bộ binh ZBD-09. Pháo binh 2 có tên lửa hành trình CJ-10 phóng từ mặt đất; bộ binh mặc quân phục mới K-07.
Máy bay tàng hình J-20
|
Ngày 3 tháng 9 năm 2015, lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng của Chiến tranh chống Nhật có 50 đội hình, bao gồm 2 khối cựu chiến binh tham gia chiến tranh, 11 khối đi bộ, 27 khối trang thiết bị và 10 đội hình trên không. Số người tham gia diễu binh chính thức là khoảng 12.000. Tham gia diễu binh có các binh sĩ từ 7 đại quân khu của Trung Quốc; các quân chủng Hải quân, Không quân, Pháo binh Hai, Lực lượng cảnh sát vũ trang và các đơn vị trực thuộc bốn Tổng bộ của PLA. Các vũ khí được phô diễn trong cuộc diễu binh này đều là các trang thiết bị chiến đấu chính được sản xuất trong nước. Bao gồm hơn 500 trang thiết bị của hơn 40 chủng loại, gần 200 máy bay thuộc hơn 20 loại được sử dụng. Trong đó 84% được ra mắt lần đầu, bao gồm xe tăng mới, pháo hỏa mới, tên lửa mới, hệ thống thông tin chỉ huy và máy bay không người lái. Ngoài ra, Nga, Kazakhstan và 15 quốc gia khác đã cử các đội hình hoặc đại diện tham gia cuộc diễu binh.
Tên lửa chiến lược DF-31A
|
Những vũ khí nào sẽ ra mắt lần đầu
Ngoài quy mô được công bố chính thức lớn hơn ba cuộc diễu binh trước đây thì “các trang thiết bị tham gia diễu binh được sản xuất trong nước” cũng là điểm nổi bật của cuộc diễu binh lần này.
Trong cuộc diễu binh tại thao trường Chu Nhật Hòa (Zhurihe) năm 2017, những bức ảnh được phát hành chính thức thỉnh thoảng hé lộ một số thiết bị nhập khẩu. Cuộc diễu binh lần này tất cả các vũ khí trang thiết bị sẽ đều do Trung Quốc sản xuất, cũng sẽ là màn thể hiện tập trung các thành tựu của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã được trang bị cho quân đội.
Truyền thông Hồng Kông trích dẫn nhiều nguồn tin nói, cuộc diễu binh lần này hiển thị sức chiến đấu của PLA sau khi thực hiện cải cách; như lực lượng tấn công hạt nhân chiến lược với tên lửa liên lục địa DF-31A kiểu cải tiến, máy bay cất hạ cánh trên tàu sân bay J-15. Trong cuộc họp báo của Văn phòng Thông tin Quốc Vụ viện hôm 29 tháng 8, khi trả lời một phóng viên hỏi liệu tên lửa liên lục địa Dongfeng-41 (DF-41) có tham gia vào cuộc diễu binh này hay không, ông Thái Chí Quân đã trả lời: “Xin hãy kiên nhẫn chờ đợi thêm một tháng”.
Tên lửa liên lục địa DF-41 sẽ lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng
|
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Dongfeng-41 là tên lửa di động nhiên liệu rắn ba tầng có khả năng mang theo khoảng mười đầu đạn với tầm bắn tối đa 14.000 km có khả năng tấn công bất kỳ vị trí nào trên trái đất. Tờ báo chính thức của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đưa tin rằng Dongfeng-41 là tên lửa chiến lược thế hệ thứ tư. Hiệu suất của nó tương đương với “Minuteman-III” của Mỹ và RT-2PM2 “Topol-M” của Nga.
Cũng có tin tiết lộ, lực lượng tên lửa chiến lược của PLA được quan tâm nhất trong các cuộc diễu binh, sẽ lần đầu tham gia với tư cách là Quân chủng Tên lửa. Ngoài ra, Lực lượng hỗ trợ chiến lược PLA, được chính thức thành lập vào ngày 31/12/2015, cũng sẽ ra mắt trong cuộc diễu binh này.
Trên không, các máy bay chiến đấu tàng hình J-20 đã xuất hiện trong cuộc diễu binh Chu Nhật Hòa năm 2017 cũng được cho là sẽ xuất hiện thành một khối. Một số báo dẫn các nguồn tin cho biết: “Đây là lần đầu tiên J-20 xuất hiện trước công chúng với quy mô lớn, chứng tỏ J-20 đã được trang bị rộng rãi và đã hình thành sức mạnh chiến đấu đầy đủ”.
Trực thăng Z-20 sẽ lần đầu tiên tham gia đội hình diễu binh?
|
Các đội hình trên không cũng có thể có loại máy bay cảnh báo sớm mới KJ-500, máy bay tiếp dầu trên không và các máy bay chiến đấu chủ lực J-11B, Y-8. Ngoài ra máy bay trực thăng vũ trang WZ-10 của không quân Lục quân, trực thăng Z-20 – được cho là phiên bản Trung Quốc của máy bay trực thăng Black Hawk, máy bay ném bom chiến lược H-6K, máy bay không người lái kiểu mới cũng sẽ xuất hiện trên bầu trời; các máy bay J-15 cất hạ cánh trên tàu sân bay cũng có cơ hội xuất hiện.
Mặc dù những thông tin này chỉ là suy đoán, nhưng đó không phải là suy đoán vô căn cứ. Vào ngày 1 tháng 10 tới tất cả sẽ có câu trả lời.
(Theo Đa Chiều, Exmoo)