Phát biểu tại hội thảo, Trợ lý Giáo sư Jaclyn Neo thuộc Đại học Quốc gia Singapore đã đề cập tới sự kiện cảnh sát Indonesia mới đây triệt phá thành công một âm mưu đánh bom nhằm vào Đại sứ quán Myanmar tại Jakarta để minh chứng cho nhận định về nguy cơ nói trên. Mặc dù vậy, bà Neo nhấn mạnh rằng cộng đồng chung đức tin ở các nước khác nhau cũng có thể là nguồn ảnh hưởng mang tính xây dựng đến các chính phủ để thúc đẩy chính sách hòa hợp tôn giáo. Chẳng hạn, cộng đồng Hồi giáo ở Malaysia đã và đang đóng vai trò trung gian quan trọng trong đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Philippines và phong trào Hồi giáo đòi độc lập ở miền Nam nước này.
Cũng tại cuộc hội thảo, các nhà nghiên cứu đã giới thiệu một báo cáo mới, được thực hiện từ tháng 2 đến tháng 12/2014 tại 10 quốc gia ASEAN về tình hình hòa hợp tôn giáo trong khu vực, trong đó nhấn mạnh yếu tố xung đột tôn giáo đang tạo ra thách thức đối với hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á.
Phó Giáo sư Eugene Tan thuộc Đại học Quản lý Singapore, thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết báo cáo mới sẽ nâng cao hiểu biết về tình hình hòa hợp tôn giáo trong khu vực, đồng thời cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện. Các nhà nghiên cứu hy vọng báo cáo mới này sẽ đóng góp vào cuộc đối thoại hiện nay giữa các tổ chức dân sự xã hội, giới học giả và chính phủ về cách thức xoa dịu căng thẳng giữa các tôn giáo khác nhau cũng như thúc đẩy hiểu biết hơn nữa về các tôn giáo trong khu vực./.
Theo: VietnamPlus