Số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ mới đây, 8 tháng đầu năm, cả nước ước xuất khẩu đạt 106,3 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2014. Vẫn tăng so với cùng kỳ, song 9% là tốc độ tăng quá thấp so với mức tăng 14,1% của cùng kỳ năm trước và quan trọng hơn, là thấp hơn so với mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm nay.
Thực tế, ngay sau khi đồng nhân dân tệ giảm giá hồi đầu tháng 8, nhiều chuyên giakinh tếlo ngại, điều đó sẽ khiến xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn hơn. Lý do là vì, sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sẽ giảm so với hàng hóa Trung Quốc, trong khi Việt Nam và Trung Quốc có nhiều mặt hàng xuất khẩu giống nhau.
Tuy nhiên, theo Vụ Kinh tế dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ngay cả khi Trung Quốc chưa giảm giá đồng nhân dân tệ thì xuất khẩu của Việt Nam đã gặp khó rồi. Từ đầu năm tới nay, luôn xảy ra tình trạng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn mục tiêu đề ra.
Nguyên nhân chính của việc tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn kỳ vọng được chỉ ra là do xuất khẩu các mặt hàng khoáng sản, nông sản đã giảm mạnh so với cùng kỳ.
Số liệu thống kê cho thấy, xuất khẩu một số mặt hàng nông sản giảm mạnh, như cà phê (giảm 32,4% và 32,8% kim ngạch - tương đương 881 triệu USD); gạo (giảm 6,5% về lượng và 11% giá trị); thủy sản giảm 16,6% về giá trị (tương đương 832 triệu USD)… Nguyên nhân của sự sụt giảm mạnh này là do Trung Quốc giảm nhập khẩu gạo, còn Mỹ giảm nhập khẩu thủy sản. Áp lực từ thuế chống bán phá giá của thị trường Mỹ đối với tôm và cá tra ở mức cao, cộng thêm sự giảm giá của đồng Yên và Euro so với đồng USD cũng khiến hàng Việt Nam gặp bất lợi tại các thị trường này.
Cùng với đó, do giá dầu thô giảm, nên kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm gần 49% (tương đương 2,6 tỷ USD) so với cùng kỳ.
ViệcNgân hàngNhà nước Việt Nam nhanh nhạy điều chỉnh tỷ giá VND/USD, khiến trên thực tế, VND đã giảm giá khoảng 5% so với cuối năm 2014, khiến cho cạnh tranh xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam tốt hơn. Mặc dù vậy, cảnh báo xuất khẩu gặp khó đã được các chuyên gia tiếp tục đặt ra.
Một cách tính toán thuần túy số học, 8 tháng đầu năm, bình quân mỗi tháng, Việt Nam xuất khẩu 13,2 tỷ USD. Nhưng để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm nay (tương đương đạt 165 tỷ USD), thì bình quân 4 tháng cuối năm, mỗi tháng phải xuất khẩu trên 14,67 tỷ USD, tức là cao hơn so với 8 tháng đầu năm khoảng gần 1,5 tỷ USD. Đây là con số không dễ đạt được trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc cũng như nhiều nền kinh tế khác trên toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại, cầu hàng hóa giảm sút.
Câu chuyện với xuất khẩu của Việt Nam hiện thời còn nằm ở chỗ, 8 tháng đầu năm, trong khi xuất khẩu của khu vựcdoanh nghiệpcó vốnđầu tưtrực tiếp nước ngoài (FDI) - kể cả dầu thô - ước đạt 74,6 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước, thì xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước lại giảm 2,5%. Một bức tranh trái ngược với năm ngoái, khi cùng kỳ, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực trong nước là 11,1%.
Lý do thì rất dễ hiểu, là do các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của khu vực doanh nghiệp này (nông, thủy sản) giảm cả về nhu cầu thị trường lẫn giá xuất khẩu. Tuy nhiên, việc khu vực doanh nghiệp trong nước lại đang quay trở về về xu hướng của các năm 2012 - 2013, là xuất khẩu giảm mạnh, đang khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại. “Điều đó chứng tỏ, khu vực này vẫn còn quá khó khăn và họ đã không tận dụng được lợi thế do việc Việt Nam hội nhập mang lại”, chuyên gia Lê Đình Ân nhận xét.
Thực tế này đã được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây, khi nhiều quan điểm cho rằng, mặc cho các quan chức cặm cụi đàm phán, nhiều doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa biết tận dụng các cơ hội do hội nhập mang lại. “Đến thời điểm này, tận dụng được tốt nhất FTA đã ký chỉ là với Hàn Quốc. Theo đó, hơn 73% chứng nhận xuất khẩu sang Hàn Quốc là được hưởng ưu đãi. Nhưng đi sâu vào 73% này thì lại thấy đa phần doanh nghiệp được hưởng ưu đãi lại là doanh nghiệp Hàn Quốc, chứ không phải Việt Nam”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.
Khi chưa biết tận dụng các FTA, xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt sẽ khó được cải thiện, trong khi các doanh nghiệp FDI sẽ nhân đó mà tăng tốc.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, sự lép vế của doanh nghiệp trong nước trước các doanh nghiệp FDI càng rõ hơn. 8 tháng đầu năm, trong khi các doanh nghiệp FDI xuất siêu gần 9,4 tỷ USD (kể cả dầu thô), thì khu vực trong nước nhập siêu tới 13 tỷ USD.
Cũng cần nhắc lại một điều rằng, xuất siêu của các doanh nghiệp FDI “chỉ” được ở mức ấy còn là vì, nhiềudự ánquy mô lớn đang gia tăng nhập khẩu máy móc thiết bị cho nhà máy đang xây dựng. Chẳng hạn, Formosa nhập khẩu 1,25 tỷ USD, Lọc hóa dầu Nghi Sơn nhập khẩu gần 900 triệu USD. Chưa kể, còn nhập khẩu thiết bị của Samsung, bởi mấy nhà máy của tập đoàn này ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, TP.HCM đều đang trong quá trình xây dựng.
“Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại là vấn đề cần quan tâm, bởi đây có thể là vấn đề liên quan tới nội tại nền kinh tế Việt Nam”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận xét và cho rằng, cũng cần phải nghiên cứu kỹ, bởi hiện tại, xuất khẩu của Trung Quốc cũng đang giảm và điều đó có thể sẽ tác động tới xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Đầu tư