Xuất khẩu bụi lò thép, ý tốt cũng khó lọt “cửa” quy định

VietTimes -- Công ty TNHH Kim Phúc Hà đã gửi văn bản số 40 lên Bộ Công Thương đề nghị được xuất khẩu 300.000 tấn bụi lò thép sang Trung Quốc
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Theo nhận định của Công ty TNHH Kim Phúc Hà, bụi lò thép là chất thải được tạo ra trong quá trình sản xuất thép ở Việt Nam chưa được tái chế. Hiện bụi lò thép được các nhà máy ở Việt Nam thu gom, đóng bao và lưu trữ trong các nhà kho không đảm bảo quy định về quản lý chất thải nguy hại với số lượng ngày một tăng mà chưa có phương án xử lý hoặc tái chế.

Hiện tại, trên thế giới đã có nhiều công nghệ tận dụng bụi lò thép này để tái sử, tuy nhiên tại Việt Nam, chưa có đơn vị nào đủ năng lực xử lý loại chất thải này. Do vậy, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, các nhà máy thép này sẽ không còn chỗ để chứa lượng bụi lò phát sinh.

Từ nhận định trên, Công ty Kim Phúc Hà đã nghiên cứu thị trường và ký hợp đồng xuất khẩu với Công ty Hữu Hạn thương mại Phú Bang thành phố Cảng Phòng Thành Trung Quốc. Đây là đơn vị có nhà máy nhiều năm kinh nghiệm trong việc xử lý bụi lò đã được các cơ quan chức năng Trung Quốc cấp phép.

Do vậy, công ty Kim Phúc Hà đề nghị Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu bụi lò thép sang Trung Quốc với số lượng khoảng 300.000 tấn. Kim Phúc Hà cũng cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về vận chuyển, quản lý chế thải nguy hại.

Theo Hiệp hội thép Việt Nam, bụi lò thép nói trên được lấy từ quá trình luyện sắt, thép phế trong lò điện. Khi khói thải ra, trước khi xả ra môi trường, được lọc lại thành bụi.

Bụi này được quy định là chất thải độc hại, nguy hại theo tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên - môi trường vì chứa nhiều kim loại nguy hiểm, trong đó có kẽm.

Trung Quốc muốn mua bụi lò thép chủ yếu để lấy nguyên liệu kẽm bằng phương pháp tách kim loại. Vì trong bụi lò thép luyện từ lò điện đang chứa 19-20% hàm lượng kẽm, cao hơn nhiều so với tỉ lệ cần có từ việc khai thác từ quặng kẽm thông thường.

Đây là lần đầu tiên có doanh nghiệp Việt chính thức xin xuất khẩu bụi lò thép.

Tuy nhiên, đáng lưu ý là Việt Nam đã tham gia Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển qua biên giới các phế thải nguy hiểm và việc tiêu hủy chúng. Do đó, đề nghị của doanh nghiệp dù là tốt khi tạo cơ sở đưa chất thải nguy hại khỏi Việt Nam, nhưng lại vướng quy định không cho xuất khẩu, vận chuyển loại chất thải này.