Xử trí thế nào khi máy tính không nhận RAM?

RAM là một trong những linh kiện thiết yếu của máy tính và cũng là phần linh kiện nâng cấp dễ dàng và nhanh chóng nhất. Những module RAM hiện nay thường rất đơn giản, dễ sử dụng vì vậy những biến cố khi lắp đặt là rất ít khi xảy ra. Thế nhưng vẫn có hy hữu vài trường hợp gặp trục trặc dễ gây ức chế cho người dùng. Nếu như hệ thống máy tính của bạn không nhận được RAM thì dưới đây là những giải pháp thích hợp dành cho bạn.
Xử trí thế nào khi máy tính không nhận RAM?

Bước 1: Kiểm tra phần khe nhận RAM

Trên máy bàn, việc lắp đặt RAM rất dễ: mở 2 nếp giữ ở khe RAM, sau đó lắp thẳng thanh RAM vào. Lực đẩy sẽ khiến 2 nếp giữ trở về vị trí ban đầu và giúp cố định thanh RAM sau tiếng "cạch", nhưng cũng có một số trường hợp bạn sẽ phải thủ công đẩy 2 nếp gấp vào thanh RAM đấy. Thanh RAM sẽ không được cắm vào hoàn toàn nếu như bạn không cắm thẳng thanh RAM xuống khe module. Lúc đó hãy rút thanh RAM ra và thử lại.

Trên laptop thì lại khác, chính sự giới hạn của khoảng trống và sức chứa của máy mà công cuộc lắp đặt RAM có đôi chút phức tạp hơn. Giả dụ laptop của bạn có khả năng nâng cấp RAM thì thanh RAM đó phải được gài vào đúng chỗ trong khung bo mạch của máy. Cho dù thanh RAM đó trông có vẻ chưa được cố định, hãy đảm bảo rằng bạn đã dùng một lực đủ mạnh để cắm thanh RAM vào khe nhưng cẩn thận coi chừng quá tay kẻo lại hỏng nốt cả bảng mạch đấy.

Bước 2: Kiểm tra mức độ tương thích của bo mạch chủ

Những thanh RAM hiện nay thường được gia công theo những chuẩn hóa riêng biệt: RAM cho máy bàn sẽ chỉ có thể dùng cho máy bàn và tương tự như thế với laptop, không thể tráo RAM laptop hoặc máy bàn để dùng thay thế cho nhau được, và ngoài ra những thế hệ RAM khác nhau cũng không thể lắp vào những khe cắm không đúng chuẩn của nó được. (Ví dụ một bo mạch chủ chỉ hỗ trợ RAM DDR4 về cơ bản sẽ không thể dùng RAM DDR3 mà cắm vừa được).

Tuy là rất hiếm nhưng vẫn có những trường hợp RAM không tương thích với bo mạch chủ dù rõ ràng là bạn đã chọn đúng loại rồi. Tốc độ RAM thường sẽ giảm đi rất nhiều nếu như khe cắm không hỗ trợ nổi, vì thế sức mạnh của RAM sẽ vượt quá khả năng của bo mạch chủ.

Bo mạch chủ cũng chỉ hỗ trợ một lượng RAM nhất định nào đó thôi, bao gồm tổng các khe RAM cộng lại. Có thể ít thì 2 khe, nhiều là 8 khe, nhưng hầu hết những bo mạch cỡ bự thì thường là 4 khe. Vậy một bo mạch chủ với mức RAM tối đa được hỗ trợ là 16GB thì 4 khe RAM đó sẽ nhận được mỗi khe tối đa là 4GB, nếu bạn cố gượng lên một thanh 8GB thì có thể thanh RAM đó sẽ không được nhận đâu.

Để chắc chắn mua được đúng thanh RAM phù hợp, bạn nên tham khảo thông số của bo mạch chủ hoặc ít nhất là xem qua hướng dẫn sử dụng của thanh RAM đó. Còn nếu như bạn vẫn hơi mơ màng về những thông số trên RAM thì mong rằng bài viết này có thể giúp ích cho bạn.

Bước 3: Dùng chương trình chẩn đoán

Nếu như 2 bước trên vẫn chưa thể giải quyết sự cố của bạn thì có thể thanh RAM đó đã bị hỏng. Bạn có thể kiểm tra bằng cách dùng những công cụ chuyên dụng, chẳng hạn như Memtest 86.

Windows từ lâu đã đính kèm một công cụ kiểm tra sâu vào bộ nhớ phòng khi máy của bạn không thể khởi động vì không có RAM. Nếu như bạn không thể khởi động Windows hoặc bạn đang chạy Linux, bạn có thể chạy công cụ MemTest86 hoặc MemTest86+ ở dạng tiền khởi động (pre-boot) để kiểm tra sự cố.

Nếu như phần kiểm tra bộ nhớ phát hiện lỗi, chắc chắn thanh RAM đó đã bị hỏng và bạn nên thay nó đi (trường hợp RAM còn trong hạn bảo hành thì bạn có thể đem đến cho đại lý mà bạn đã mua).

Bước 4: Vệ sinh chân tiếp xúc

Nếu như RAM của bạn báo lỗi hoặc không được nhận, nguyên nhân có thể là do các chân tiếp xúc của RAM đã bị bám bụi hoặc những vật thể lạ gây tắc nghẽn tiếp xúc. Để vệ sinh, hãy dùng bông tăm thấm nhẹ cồn sau dó chùi từng chân tiếp xúc. (Không nên dùng bộ vệ sinh thông thường, những hóa chất trong đó có thể ăn mòn kim loại). Hãy đảm bảo cồn được bay hơi hoàn toàn sau đó kiểm tra qua những chân tiếp túc xem có còn bụi bẩn hay gì khác nữa không. Giờ thì bạn hãy thử cắm vào lại xem máy có nhận không nhé.

Bước 5: Kiểm tra với những máy tính khác

Ở giải pháp cuối cùng này có thể không khả thi đối với nhiều người vì không hẳn ai cũng sở hữu được nhiều máy tính nhưng nếu bạn bè hoặc đồng nghiệp của bạn có thì hãy thử mượn của họ, biết đâu bạn lại gặp may.

Nếu như đến cả những chương trình chẩn đoán trong máy cũng không giúp gì được cho bạn thì có vẻ như bạn đang gặp biến lớn rồi đấy. Những hỏng hóc phiền toái này có thể xuất phát từ RAM nhưng ít ra thì đó là thứ còn có thể dễ dàng thay thế, nhưng trường hợp nguyên nhân hỏng hóc đến từ chính bo mạch chủ thì quả là một thiệt hại không hề nhỏ. (Cho những ai chưa biết, một phần linh kiện nhỏ trong bo mạch chủ khi hỏng cũng có thể dẫn đến những hỏng hóc cho các phần linh kiện khác).

Hãy cố gắng tìm một chiếc máy tính sử dụng chung loại RAM với bạn và thử trên chiếc máy đó. Nếu máy tính đó khởi động thành công và nhận được RAM của bạn thì chia buồn... Hỏng hóc nằm ở bo mạch của bạn, không phải ở RAM.

Sau đó, hãy thử lấy một thanh RAM khác gắn vào máy tính của bạn lần nữa (tất nhiên là phải đúng loại và tương thích với bo mạch nữa đấy nhé). Nếu máy của bạn khởi động thành công và nhận ra RAM, có vẻ bạn vẫn còn may mắn hơn so với biến cố ở trên, chỉ hỏng RAM và thay thế là xong.

Theo Tạp chí Diễn đàn đầu tư
http://vnreview.vn/tu-van-may-tinh/-/view_content/content/2188311/xu-tri-the-nao-khi-may-tinh-khong-nhan-ram