Được biết, hiện hầu hết nội dung dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi (do Thanh tra Chính phủ chủ trì soạn thảo và trình) đã được thống nhất. Nhưng riêng quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc vẫn chưa thống nhất được.
Vì vậy, từ các ý kiến đóng góp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định 2 phương án xử lý.
Theo đó, phương án một là khi người có nghĩa vụ kê khai không giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập, cơ quan kiểm soát sẽ chuyển kết luận xác minh và các tài liệu liên quan để yêu cầu tòa án xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình.
Qua xét xử, Tòa án có thể phán quyết thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm, hoặc bác yêu cầu của cơ quan kiểm soát.
Phương án hai là nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập, như Nhà nước cũng không chứng minh được tài sản, thu nhập đó do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có, thì tạm coi đây là một khoản thu nhập phải chịu thuế, người kê khai phải nộp thuế thu nhập cá nhân ở mức dự kiến là 45%.
Tuy nhiên, cả hai phương án này vẫn có nhiều ý kiến khác nhau…
Do đó, Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ủy ban Tư pháp và các cơ quan hữu quan chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Trong đó, liên quan tới việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc quy định tại Điều 57 của Dự thảo luật sửa đổi này, Thủ tướng đề nghị cơ quan thanh tra và các đơn vị liên quan tham mưu giúp Đảng đoàn Quốc hội chuẩn bị báo cáo Bộ Chính trị về cả phương án đã nêu ở trên.
Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp dự kiến khai mạc ngày 22/10.
Như vậy, trường hợp trình Bộ Chính trị về 2 phương án xử lý, khó có khả năng Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi được thông qua tại kỳ họp này.