Nội dung nói trên được công bố trong báo cáo “Việt Nam: Tìm kiếm cho ngày mai” của Google, tổng hợp các xu hướng tìm kiếm thịnh hành trong năm qua.
COVID-19 thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ trực tuyến tại Việt Nam
Thống kê năm 2020 của Google đã phân tích sở thích tìm kiếm của người dùng qua nhiều lĩnh vực. Cụ thể, lượng tìm kiếm về các nền tảng video trực tiếp (livestreaming) tăng gấp hai lần trong 6 tháng đầu năm. Các từ khóa liên quan đến giải trí cũng tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, các truy vấn về dịch vụ, ứng dụng trong lĩnh vực tài chính tăng mạnh trong năm qua. Nền tảng giáo dục online cũng chiếm tỷ lệ lớn trong xu hướng tìm kiếm của người tiêu dùng.
Bên cạnh các đô thị lớn, xu hướng này còn ảnh hưởng đến các vùng nông thôn tại Việt Nam. Hiện nay, 77% khu vực nông thôn trên các nước đã có truy cập internet, chủ yếu để liên lạc, học tập, phát triển bản thân và giải trí.
Cụ thể, các tìm kiếm phổ biến tại khu vực nông thôn gồm làm đẹp (60%), sức khỏe (60%), công việc và giáo dục (70%). Theo báo cáo của Google, 45% người dân tại nông thôn ưu tiên công cụ tìm kiếm để tra cứu thông tin về sản phẩm, vượt xa phương tiện truyền thống (24%) và mạng xã hội (27%). Với sự gia tăng nhanh chóng của lượng người dùng Internet tại nông thôn, các dịch vụ và sản phẩm có cơ hội tiếp cận gần hơn với khách hàng mới thông qua môi trường mạng.
Các truy vấn trên Google được cụ thể hóa hơn. |
Hình thành xu hướng tiêu dùng thông minh
Khi tích hợp công nghệ vào cuộc sống, người tiêu dùng ngày càng khám phá nhiều sự lựa chọn khác nhau trước khi quyết định sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Trong bối cảnh giãn cách do COVID-19, 83% người Việt Nam thừa nhận đã dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu sản phẩm trực tuyến qua các kênh khác nhau.
Theo khảo sát, lượng tiếp cận sản phẩm qua YouTube của người Việt tăng 60% trong vòng 2 năm trở lại đây. Mặt khác, người tiêu dùng Việt Nam đặt ra nhiều truy vấn được cá nhân hóa hơn, phù hợp với nhu cầu. Theo đó, các nhãn hàng bắt buộc phải thay đổi chiến lược quảng cáo, đưa ra bộ từ khóa mới nhằm tiếp cận gần hơn với khách hàng.
Bên cạnh đó, người Việt có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, hình thành tư duy "đầu tư" thông minh vào các phương pháp cải thiện lối sống và thói quen tiêu dùng. Các lượt tìm kiếm về “thiết bị đeo cho sức khỏe” hay “tập luyện tại nhà” tăng 55% - 60%. Thời lượng truy cập trên các ứng dụng hoặc trang web liên quan đến thể dục hoặc chế độ ăn uống cũng tăng 62%, đặc biệt trong và sau thời gian giãn cách xã hội.
Người tiêu dùng cũng hướng đến các sản phẩm hữu cơ tốt cho sức khỏe như “bia không cồn” (tăng 250%), “ít đường” (tăng 100%)… Các truy vấn liên quan đến chế độ ăn uống và tập luyện lành mạnh tăng 80% tổng lượt tìm kiếm về sức khỏe trên Google.