Vụ kiện chống độc quyền nhằm vào Google ảnh hưởng đến người dùng thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Động thái của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) đệ đơn kiện Google được xem là khởi đầu cho một trong những vụ kiện chống độc quyền lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Vụ kiện chống độc quyền nhằm vào Google
Vụ kiện chống độc quyền nhằm vào Google

“Vô số nhà quảng cáo phải trả phí cho Google để xuất hiện trong kết quả tìm kiếm. Người tiêu dùng Mỹ buộc phải chấp nhận các chính sách về quyên riêng tư và việc sử dụng dữ liệu cá nhân của Google và các công ty có mô hình kinh doanh sáng tạo không thể thoát ra khỏi cái bóng quá lớn của Google”, đơn kiện nhằm vào Google cho biết.

Google đối mặt với án phạt nặng và có nguy cơ phải chia tách công ty vì độc quyền
Google đối mặt với án phạt nặng và có nguy cơ phải chia tách công ty vì độc quyền

Các quan chức của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã nhấn mạnh quy mô và sức mạnh kiểm soát của Google đối với thị trường tìm kiếm và gọi đây là một hành vi độc quyền.

“Hành vi của Google là bất hợp pháp theo các nguyên tắc chống độc quyền truyền thống và phải bị ngăn lại. Google sở hữu hoặc kiểm soát các kênh phân phối tìm kiếm chiếm khoảng 80% các truy vấn tìm kiếm nói chung tại Mỹ”, Ryan Shores, cố vấn cao cấp về công nghệ của DOJ cho biết. “Chúng tôi yêu cầu tòa án phải phá bỏ sự kìm kẹp của Google đối với việc phân phối kết quả tìm kiếm để sự cạnh tranh và đổi mới được duy trì”.

Vụ kiện nhằm vào Google là một trong những vụ kiện chống độc quyền lớn nhất từng được thực hiện nhằm chống lại một hãng công nghệ, được thực hiện sau quá trình điều tra song song của Bộ Tư pháp và một loạt các thẩm phán đứng đầu nhiều bang. Theo thông tin từ tờ báo Wall Street Journal, 11 thẩm phán các tiểu bang khác nhau dự kiến sẽ ký vào một đơn kiện chống lại Google, và thẩm phán tại nhiều bang khác cũng sẽ nộp các đơn kiện chống độc quyền riêng lẻ khác nhằm vào Google.

Google sẽ phải làm gì để tự bảo vệ mình

Sau khi đơn kiện được đưa ra, phía Google đã phủ nhận mọi cáo buộc của DOJ, nhấn mạnh rằng việc Google chiếm thị phần lớn trên thị trường tìm kiếm là do sự lựa chọn và tin tưởng của người dùng.

“Vụ kiện hôm nay của Bộ Tư pháp là vô cùng sai sót”, đại diện của Google cho biết. “Mọi người sử dụng Google vì họ lựa chọn, không phải vì họ bị ép buộc hoặc vì họ không tìm được các giải pháp thay thế”.

Google cho biết người dùng hoàn toàn có thể chuyển sang các công cụ tìm kiếm khác như Bing của Microsoft hoặc Yahoo Search… bất cứ lúc nào họ muốn, do vậy không thể khẳng định được Google độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường tìm kiếm.

Google cho rằng chỉ nhìn vào thị phần tìm kiếm trên Internet để cáo buộc hãng “độc quyền” thị trường tìm kiếm và làm ảnh hưởng đến việc mua sắm của người dùng là không chính xác. Google đã “chĩa mũi dùi” vào phía Amazon, khi cho biết gần một nửa số lượt tìm kiếm của người dùng khi mua sắm trực tuyến bắt đầu trên Amazon, thay vì trên Google.

Dĩ nhiên đây mới chỉ là lập luận ban đầu từ phía Google và đội ngũ luật sư của “gã khổng lồ tìm kiếm” phải đưa ra các bằng chứng để thuyết phục tòa án rằng Google vô tội và không vi phạm các luật về chống độc quyền như đơn kiện của DOJ.

Google đã từng phải đối mặt với nhiều vụ kiện chống độc quyền trước đây, nhưng chưa bao giờ đến quy mô lớn và nghiêm trọng như hiện nay. Cuộc điều tra chống độc quyền lớn nhất mà Google từng đối mặt kết thúc vào năm 2013, khi Google thay đổi chính sách công cụ quảng cáo của mình để giải quyết cuộc điều tra của Ủy ban Thương mại Liên bang. Tuy nhiên, đã không có hành động pháp lý nào chống lại Google được đưa ra vào thời điểm đó.

Google cũng đã từng đối mặt với hàng loạt khoản tiền phạt tại châu Âu, bao gồm khoản phạt 1,5 tỷ Euro vì chính sách quảng cáo tại thị trường châu Âu, khoản phạt 4,3 tỷ Euro vì độc quyền nền tảng Android và khoản phạt 2,4 tỷ Euro vì thao túng kết quả mua sắm trong khi sử dụng chức năng tìm kiếm của Google.

Nếu bị tòa án tại Mỹ kết án vi phạm luật chống độc quyền, Google có nguy cơ phải đối mặt với một án phạt nặng và thậm chí có phải chia tách công ty ra nhiều mảng nhỏ riêng biệt để giảm thiểu sức mạnh và tầm ảnh hưởng.

Người dùng sẽ bị ảnh hưởng gì từ vụ kiện nhằm vào Google?

Vụ kiện được dự báo sẽ kéo dài trong nhiều năm, trải qua quá trình xét xử, kháng cáo… mới có thể đi đến kết luận cuối cùng và đưa ra mức phạt đối với Google, trong thời gian đó, hầu như không có sự ảnh hưởng nào với quá trình hoạt động của Google cũng như cách người dùng sử dụng công cụ tìm kiếm này.

Người dùng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều trong vụ kiện nhằm vào Google, chí ít là cho đến khi bản án được đưa ra
Người dùng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều trong vụ kiện nhằm vào Google, chí ít là cho đến khi bản án được đưa ra

Nhiều khả năng, vụ kiện sẽ kết thúc bằng một thỏa thuận dàn xếp giữa DOJ và Google, hoặc một án phạt về tiền và Google sẽ tiếp tục quá trình hoạt động của mình như trước đây.

Có thể nói, về cơ bản ở góc độ người dùng bình thường thì sẽ rất ít, hoặc thậm chí không bị ảnh hưởng bởi vụ kiện chống độc quyền nhằm vào Google. Điểm khác biệt đó là có thể Google sẽ không còn được phép giám sát dữ liệu tìm kiếm của người dùng để hiển thị các nội dung quảng cáo phù hợp, hoặc công cụ tìm kiếm của Google sẽ không còn được phép tích hợp vào các trình duyệt web như Firefox, Safari… khiến những ai có thói quen sử dụng Google làm công cụ tìm kiếm mặc định có thể bị ảnh hưởng đôi chút.

Lời cảnh báo cho các “ông lớn” công nghệ khác

Nếu người dùng phổ thông không chịu ảnh hưởng quá nhiều từ vụ kiện chống độc quyền nhằm vào Google, thì với các “đại gia công nghệ” khác như Amazon, Facebook, Microsoft hay Apple… thì vụ kiện có thể là lời cảnh báo rằng các hãng này có thể là mục tiêu khởi kiện tiếp theo của DOJ.

Hiện Amazon, Facebook, Microsoft hay Apple đều là những “ông kẹ” trên nền tảng mà mình đang hoạt động, có đủ sức để “dìm chết” các đối thủ cạnh tranh ngay khi vừa xuất hiện, hoặc chèn ép các đối thủ với “chơi” theo luật của riêng các ông lớn.

Chẳng hạn như trường hợp Facebook thâu tóm Instagram và WhatsApp để diệt trừ những đối thủ cạnh tranh của mình hay Apple chèn ép các nhà phát triển ứng dụng, buộc phải tích hợp dịch vụ thanh toán của Apple vào ứng dụng của họ và trích 30% tổng doanh thu của ứng dụng cho Apple. Nhà phát triển nào trái luật sẽ lập tức bị Apple “thẳng tay trừng phạt”, như trường hợp của hãng game nổi tiếng Epic đang rất được giới công nghệ quan tâm.

Rõ ràng với sức mạnh và tầm ảnh hưởng của các “ông lớn công nghệ”, việc để những công ty khởi nghiệp vươn lên và có thể cạnh tranh là điều rất khó. Đây chính là vấn đề mà luật chống độc quyền đang nhắm đến để giúp tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng hơn. Để làm được điều này, việc DOJ khởi kiện Amazon, Facebook hay Apple… hoàn toàn có thể xảy ra trong thời gian tới.

Theo Dân trí