|
Liêm chính để phát triển bền vững chính là giấy thông hành của các doanh nghiệp Việt Nam bước ra thế giới. |
Đó là nội dung được trao đổi tại hội nghị Sáng kiến chống tham nhũng khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Thanh tra Chính phủ Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đồng tổ chức, vừa diễn ra hôm nay (3/12), tại Hà Nội và sẽ kéo dài đến hết tuần.
Tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nhận định: "Liêm chính là trái tim của cộng đồng kinh doanh. Liêm chính là kinh doanh ngay thẳng, trong sạch hay nói cách khác là tuân thủ các nguyên tắc chung. Liêm chính để phát triển bền vững chính là giấy thông hành của các doanh nghiệp Việt Nam bước ra thế giới".
Kể từ thời điểm bắt đầu nỗ lực xây dựng hệ thống pháp luật minh bạch, đẩy mạnh công tác thực thi, tăng cường công tác xã hội thì chính xã hội vừa là tác nhân và là chủ thể và động lực thúc đẩy quá trình này. Điều này cũng đồng thời mang đến rắc rối nếu doanh nghiệp không liêm chính.
Ông Lộc đưa ra nhận định, tại thời điểm này công tác phòng, chống tham nhũng đã có chuyển biến tích cực mà điển hình là tỷ lệ doanh nghiệp phải chịu chi phí bôi trơn đã giảm đi.
|
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao đổi tại hội nghị.
|
Chủ tịch VCCI kiến nghị, trong thời gian tới, để phòng, chống tham nhũng trong các dự án cơ sở hạ tầng, trước hết là tăng cường nhận thức, xóa bỏ bôi trơn, xây dựng hệ thống luật pháp minh bạch, đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, xóa bỏ các điểm chồng chéo trong các luật.
Dẫn ra khoảng 20 điểm chồng chéo, tạo điểm nghẽn phát triển giữa các Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng cần phải được xử lý theo cách dùng một luật sửa nhiều luật. Việc này cần xử lý rốt ráo bởi "những chồng chéo, xung đột trong hệ thống pháp luật là “mảnh đất màu mỡ” cho tham nhũng và tham nhũng vặt", Chủ tịch VCCI nói.
Cùng với đó, trước thực tế 5 triệu hộ kinh doanh, nhưng chỉ 2 triệu hộ đăng ký, chuyên gia này lưu ý cần đưa các hộ kinh doanh vào luật doanh nghiệp để minh bạch và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp này.
Tại hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng luôn được coi là xương sống cho tăng trưởng kinh tế và là động lực cho sự phát triển xã hội, tạo nền tảng quan trọng để nhà nước cung cấp các dịch vụ công cơ bản đến với người dân.
Nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại nhiều quốc gia trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương thông qua các dự án có quy mô lớn ngày càng tăng vọt trong những năm gần đây. "Điều này kéo theo nguy cơ tham nhũng lớn trong các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Đây là một thách thức lớn mà nhiều quốc gia trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung đang phải đối mặt", Phó Tổng Thanh tra đánh giá. |