Chuyên gia lên tiếng:

Xét nghiệm gộp COVID-19 bằng RT-PCR liệu có bỏ sót các trường hợp âm tính giả?

VietTimes – Quảng Nam đã thực hiện thí nghiệm gộp 5 mẫu, gồm 4 mẫu âm tính và 1 mẫu dương tính nhẹ với SARS-CoV-2, để kiểm tra tính chính xác của phương pháp này. Sau khi xử lý qua kỹ thuật Realtime-PCR vẫn cho kết quả mẫu gộp dương tính.
Xét nghiệm gộp COVID-19 là biện pháp giảm tải gánh nặng cho ngành y tế, đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm sàng lọc phát hiện các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Ảnh minh họa.
Xét nghiệm gộp COVID-19 là biện pháp giảm tải gánh nặng cho ngành y tế, đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm sàng lọc phát hiện các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Ảnh minh họa.

Đây là dẫn chứng của PGS.TS. Trần Huy Thịnh - Trưởng Phòng quản lý Nghiên cứu Khoa học Công nghệ, Trưởng Đơn vị xét nghiệm COVID-19 của Trường Đại học Y Hà Nội và là một trong những chuyên gia nghiên cứu về gen. Thông qua thí nghiệm, có thể thấy phương pháp xét nghiệm gộp COVID-19 vẫn cho ra kết quả chính xác như thực hiện xét nghiệm RT-PCR với từng mẫu đơn lẻ.

Phương pháp xét nghiệm gộp mẫu (Pool) là phương thức xét nghiệm lấy một phần của các mẫu bệnh phẩm để đưa vào gộp và tách chiết, xét nghiệm, phần còn lại của các mẫu được bảo quản để xét nghiệm riêng rẽ lại lần 2, nếu xét nghiệm mẫu gộp dương tính.

PGS.TS. Trần Huy Thịnh cho biết thêm, các chuyên gia đã nghiên cứu, tính toán kỹ để kết quả nằm trong ngưỡng phát hiện của máy, nhằm đảm chất lượng xét nghiệm trong điều kiện mẫu bệnh phẩm bị pha loãng nồng độ khi trộn mẫu.

Điểm quan trọng nhất của phương pháp này là công tác lấy mẫu và xử lý mẫu. Ông Thịnh  cho hay bất lợi duy nhất của xét nghiệm gộp chỉ xảy ra khi lấy mẫu sai kỹ thuật. Vì vậy, khi đảm bảo thực hiện đúng quy trình, hướng dẫn của Bộ Y tế, kết quả xét nghiệm gộp COVID-19 sẽ tuyệt đối chính xác.

PGS.TS. Trần Huy Thịnh nhận định, xét nghiệm gộp COVID-19 không có sai sót nếu đảm bảo đúng quy trình.
PGS.TS. Trần Huy Thịnh nhận định, xét nghiệm gộp COVID-19 không có sai sót nếu đảm bảo đúng quy trình.

“Hiện nay, gộp mẫu là phương án sàng lọc nhanh những người có nguy cơ mắc COVID-19, từ đó giúp tiết kiệm thời gian, nguồn lực, sinh phẩm y tế; khoanh vùng giám sát, hạn chế lây lan trong cộng đồng tại những nhóm có chung yếu tố dịch tễ” -  PGS.TS. Trần Huy Thịnh nhận định.

Đây là biện pháp giảm tải gánh nặng cho ngành y tế, khi lượng người cần xét nghiệm quá đông. Thực tế, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thành công phương pháp này trong việc đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm sàng lọc phát hiện các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, nhất là khi chưa đủ nguồn lực cho các xét nghiệm truyền thống.

Đảm bảo đúng quy trình, xét nghiệm gộp COVID-19 không gây âm tính giả


PGS. Thịnh cũng cho biết, tại Việt Nam, “hướng dẫn tạm thời việc gộp mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2” số 3486/QĐ-BYT đã quy định cụ thể quy trình gộp mẫu đối với các đối tượng cần xét nghiệm. Căn cứ vào diễn biến dịch bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan chuyên môn xem xét quyết định gộp mẫu xét nghiệm đối với nhóm đối tượng không có triệu chứng, trong quá trình giám sát dịch tễ tại cộng đồng.

“Không tiến hành xét nghiệm gộp mẫu đối với các trường hợp có triệu chứng; những người thuộc nhóm F1; những người đã xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 nhưng chưa có kết quả xác định; các bệnh nhân đang điều trị COVID-19; khu vực có tỉ lệ mắc COVID-19 trong cộng đồng cao” – PGS.TS Trần Huy Thịnh nhấn mạnh.

Quy trình xét nghiệm gộp bao gồm thu thập mẫu thử, tiến hành mã hóa theo nhóm 5 mẫu. Sau khi xử lý mẫu qua môi trường bảo quản virus vô trùng, tiến hành tách chiết và trộn mẫu theo đúng tỷ lệ. Mẫu gộp sẽ được đưa đi xét nghiệm RT-PCR theo hướng dẫn. Các nhóm mẫu gộp dương tính hoặc không rõ kết quả sẽ phải xét nghiệm lại theo quy trình. Phần còn lại của các mẫu đơn lẻ sẽ được bảo quản trong nhiệt độ -40oC để sử dụng lại khi cần thiết. Bước này giúp nhóm xét nghiệm dương tính không phải lấy mẫu lần 2 để xét nghiệm lại.

Xét nghiệm gộp COVID-19 hiện đang là phương án tối ưu trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là các trường hợp mất dấu F0 trong cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh các công tác quản lý, phòng chống dịch bệnh của các cơ quan y tế, người dân cần tự ý thức bảo vệ bản thân và cộng đồng.

PGS.TS. Trần Huy Thịnh khẳng định, những thông báo khẩn của Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 về tình hình dịch bệnh luôn được cập nhật kịp thời, chính xác. Người dân nên chủ động tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, hạn chế tập trung đông người, đảm bảo cách ly đúng quy định đối với các trường hợp nghi ngờ…

Theo nghiên cứu tại Hoa Kỳ, phương pháp này đem lại hiệu quả khả quan. Nếu tỷ lệ hiện mắc COVID-19 trong cộng đồng dưới 10% thì làm xét nghiệm gộp sẽ tiết kiệm được gần 69% số lượng xét nghiệm cần thực hiện. Trung tâm dự phòng và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ đã triển khai thành công phương pháp này. FDA Hoa Kỳ cũng đã cấp phép cho vài loại sinh phẩm để dùng Pool chẩn đoán SARS-CoV-2.

Singpore và Bắc Kinh (Trung Quốc) đã áp dụng phương pháp xét nghiệm gộp cho số lượng mẫu rất lớn trên nhiều địa bàn.

Israel cũng chứng minh hiệu quả của phương pháp này khi xét nghiệm 184 mẫu bệnh phẩm riêng lẻ, so sánh với quy trình gộp 8 mẫu trong 1 lần làm xét nghiệm, kết quả thu được giống nhau về các trường hợp dương tính. Qua thực tế xét nghiệm 26.576 mẫu bệnh phẩm, Israel đã phát hiện ra 31 bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng, chứng minh chiến lược xét nghiệp gộp mẫu 8 giúp tăng công xuất xét nghiệm lên 7,3 lần mà vẫn đảm bảo độ chính xác.